Ngày 28-9, nước lũ tiếp tục dâng cao, nhiều nơi đã vượt đỉnh lũ lịch sử năm 2.000 gây vỡ đê khiến 4 ngàn ha lúa thu đông ở An Giang đã ngập chìm trong lũ. Hơn 400km đê khác đang tiếp tục bị đe dọa.
>>Vỡ nhiều tuyến đê ở Đồng Tháp, An Giang
Sáng 28-9, chúng tôi có mặt trên tuyến đê kinh 7, xã Ô Long Vỉ. Cánh đồng sản xuất lúa ở ấp Long Hưng bị ngập trong biển nước. Lũ đang đổ mạnh vào đoạn đê bị vỡ, tràn vào đồng. Trên bờ nhiều người dân đang đứng khóc ròng nhìn dòng nước đỏ ngầu cuồn cuộn nhấn chìm những ruộng lúa của họ…
Mấy ngày trước nhiều tuyến đê bao của xã Ô Long Vỉ bị lũ tràn qua, mực nước giữa trong và ngoài đê chênh lệch gần 4m. Người dân và bộ đội thường xuyên có mặt ở những đoạn nguy hiểm dùng bao cát đắp cao, dùng phương tiện gia cố cống bững, thân đê để bảo vệ lúa.
Nước lũ dâng cao khiến đê vỡ, nước cuồn cuộn trên nhiều cánh đồng Tối 28-9, trời mưa to, nước dâng và sóng bắt đầu xô vỡ một đoạn đê. Trong mưa gió một chiếc xáng lớn được điều đến chặn ngay đoạn xung yếu này gai cố đê nhưng đành bất lực.
Ngay sau sự cố vỡ đê, lãnh đạo huyện Châu Phú tức tốc có mặt tại hiện trường triển khai các biện pháp khẩn cấp, đồng thời tăng cường phương tiện, huy động lực lượng các đoàn thể, công an, quân đội địa phương đến khắc phục hai đoạn đê bị đứt.
Ông Võ Thanh Tráng, Chủ tịch UBND huyện Châu Phú cho biết trước mắt có gần 1.300ha lúa ở đây bị nhấn chìm, 500ha còn lại đang nỗ lực cứu.
Ngoài hai đoạn đê vỡ nói trên, hơn 400km đê của huyện này đang tiếp tục bị đe dọa, nước lũ đã tràn qua nhiều tuyến đường giao thông vừa là đê bao của các tiểu vùng sản xuất, lúa hoa màu. Trong ngày Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Quân khu 9, công an huyện Châu Phú đã điều tổng cộng hơn 3.500 chiến sĩ tham gia bảo vệ, gia cố đê.
Hàng trăm người dân cùng cả trăm chiến sĩ công an đang cố gắng thi công lại đoạn đê ở kinh 8 xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú (An Giang) bị vỡ sáng 28-9 Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh An Giang, rạng sáng 28-9 còn xảy ra thêm hai vụ vỡ đê ở xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới và xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, gây thiệt hại hơn 920ha lúa. Ông Huỳnh Thế Năng, phó chủ tịch UBND tỉnh, cho biết trong 140.000ha sản xuất vụ thu đông của An Giang có 11.000ha lúa đang bị đe dọa nghiêm trọng. Dù các địa phương đã tập trung bảo vệ đê nhưng đến nay đã có 4.000ha lúa bị nước lũ ngập, coi như mất trắng.
Lũ diễn biến phức tạp
Ngày 28-9 mực nước lũ trên sông Tiền tại Tân Châu ở mức 4,75m, nhưng ở Châu Đốc và Châu Phú đã vượt đỉnh lũ lịch sử năm 2000.
Ngay sau sự cố vỡ đê, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Hoàng Việt cùng lãnh đạo UBND tỉnh An Giang đến tận hiện trưởng khảo sát, sau đó có cuộc họp đánh giá diễn biến và để xuất giải pháp phòng chống lũ.
Một số ý kiến cũng cho rằng lũ năm nay diễn biến khá phức tạp, chỉ vài ngày sau khi vượt mức báo động 3 thì mực nước ở Châu Đốc, Châu Phú và một số nơi trên địa bàn tỉnh đã vượt luôn đỉnh lũ năm 2000 là điều bất thường. Do đó các tuyến đường nông thôn và đê bao dù đã xây dựng có cao trình vượt đỉnh lũ lịch sử này vẫn bị lũ tràn qua và đe dọa.
Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão An Giang, toàn tỉnh đã có hơn 1.077 căn nhà bị ngập. Hệ thông đê vừa là tuyến giao thông bị sạt lở 30km. Tính đến nay đã huy động gần 15 ngàn lượt người gồm lực lượng quân sự, công an, đoàn thể; sử dụng phương tiện vật tư gia cố hơn 365km đê và các cống đập. Ước tổng kinh phí chi bảo vệ đê, phòng chống lũ đã lên tới 35 tỉ đồng.
Cần Thơ: Triều cường tràn vào nội thành
Trong 3 ngày qua, theo con nước lớn mỗi ngày, triều cường đã tràn vào nội thành. Gây nên cảnh ngập lũ nhiều tuyến đường.
Chiều 28-9-2011, bà Vương Thị Lập, Chánh văn phòng Ban Phòng chống lụt bão TP Cần Thơ cho biết: “Trong ngày 28-9-2011, mực nước tại TP Cần Thơ đạt đến 2,04m, theo dự báo của trung tâm khí tượng thủy văn Cần Thơ, đến ngày 29-9-2011, mực nước sẽ đạt 2,07m. Trong khi đó mực nước báo động 3 tại Cần Thơ chỉ có 1,9m, triều cường đã vượt mức báo động 3. Triều cường vượt mức báo động 3 nên nhiều đoạn đê ngoại thành bị tràn. Trong nội ô TP thì nhiều tuyến đường bị triều cường gây ngập theo con nước mỗi ngày lên 2 lần”.
Trước tình hình lũ diễn biến phức tạp, lãnh đạo TP Cần Thơ đã tăng cường lực lượng bảo vệ những tuyến đê xung yếu trên địa bàn các quận, huyện, đặc biệt tại huyện Vĩnh Thạnh, huyện đầu nguồn của TP, giáp với An Giang dễ xảy ra triều cường, lũ lớn, vỡ đê….
Theo Tuổi Trẻ