Trước phản ảnh của phía doanh nghiệp về việc khó khăn khi thực hiện tăng lương, lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội cho biết, sẽ trình Chính phủ phương án giãn, giảm thuế đối với các doanh nghiệp trong nước khi thực hiện điều chỉnh lương.
Các địa phương đều đồng thuận với phương án điều chỉnh lương tối thiểu sẽ thực hiện từ tháng 10 tới, bởi đời sống của người dân đang gặp nhiều khó khăn do lạm phát tăng cao. Tuy nhiên, doanh nghiệp nội địa lại nêu khó khăn và mong giãn thời gian thực hiện.
Bữa ăn đạm bạc của công nhân.
Ngày 6/7, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ- TB &XH ) đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến về phương án điều chỉnh lương tối thiểu trước lộ trình. Theo đó, dự kiến phương án Bộ LĐ- TB & XH trình Chính phủ, mức lương tối thiểu sẽ được điều chỉnh tăng theo 4 vùng và sẽ sáp nhập lương tối thiểu trong tất cả các loại hình doanh nghiệp (không phân biệt doanh nghiệp (DN) trong nước và vốn đầu tư nước ngoài (FDI) như trước đây).
Cụ thể, lương tối thiểu đối với người lao động tại vùng 1 sau khi điều chỉnh sẽ là 1,9 triệu đồng/tháng, cao hơn mức hiện hành từ 350.000 - 550.000 đồng/tháng đối với DN trong nước và doanh nghiệp FDI; tại các vùng 2, 3 và 4, mức lương tối thiểu sẽ lần lượt được điều chỉnh lên 1,73 triệu, 1,55 triệu và 1,4 triệu đồng/tháng. Theo tính toán, mức điều chỉnh lương tối thiểu mới sẽ tăng so với mức cũ 30- 40%.
Phương án điều chỉnh cũng đề cập đến khoản tiền ăn giữa ca. Mặc dù hiện không có quy định doanh nghiệp phải hỗ trợ tiền ăn giữa ca cho người lao động (trừ DN 100% vốn nhà nước được trích không quá 620.000 nghìn đồng/ tháng, tương đương 23.850 đồng/bữa). Tuy nhiên, trên thực tế, các DN đều hỗ trợ tiền ăn giữa ca cho người lao động với mức phổ biến chỉ 8-12.000 đồng/bữa/người.
Trước tình hình giá cả sinh hoạt, nhất là giá lương thực, thực phẩm tăng cao, dự kiến Chính phủ quy định DN hỗ trợ tiền ăn ca cho người lao động với mức tối thiểu 15.000 đồng/bữa/người (tăng 3- 5.000 đồng/bữa/người). DN 100% vốn nước ngoài tiếp tục thực hiện mức hỗ trợ ăn giữa ca 620.000 đồng/tháng; từ 1/1/2012 tăng tối đa 730.000 đồng/tháng.
Thứ trưởng Bộ LĐ- TB&XH Phạm Minh Huân cho biết, thông thường lộ trình điều chỉnh lương tối thiểu 2008 - 2012, hàng năm đều thực hiện tăng lương vào đầu năm. Theo đó, đầu năm 2011 đã thực hiện điều chỉnh lương theo đúng quy luật, nhưng do chỉ số CPI tăng quá cao, ảnh hưởng mạnh đến đời sống của người dân nên Chính phủ đã chủ trương trình tiếp phương án điều chỉnh lương tối thiểu cho doanh nghiệp một đợt nữa trong năm nay. Tuy nhiên, đây sẽ là mức điều chỉnh sớm của năm 2012, tức là sang đến đầu năm sau sẽ không tiếp tục thực hiện tăng lương nữa.
Thống nhất với phương án điều chỉnh lương của Chính phủ, ông Ngô Chí Hùng, Phó ban quản lý Khu công nghiệp chế xuất Hà Nội cho rằng, vấn đề điều chỉnh lương thực sự cấp bách và cần thực hiện càng sớm càng tốt, bởi chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, tại các khu công nghiệp Hà Nội xảy ra 34 cuộc đình công, chủ yếu là để đòi tăng lương, tăng hơn gấp đôi so với năm ngoái (16 vụ).
“Hiện đang xảy ra tình trạng các doanh doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cố tình dựa vào khung bậc lương tối thiểu do Nhà nước quy định, chỉ trả đúng mức sàn, ngoài ra không không hề có một khoản trợ cấp nào khác.”- ông Hùng cho biết.
Ông Bùi Hồng Mai, Phó ban quản lý Khu công nghiệp Bắc Ninh cũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh này đã xảy ra 14 cuộc đình công đòi tăng lương. Nếu không tiến hành điều chỉnh tăng lương sớm sẽ xảy ra tình trạng tranh chấp lao động giữa các doanh nghiệp đóng trên địa bàn.
Điện Sở LĐ- TB&XH Quảng Ninh thì đưa ra đề xuất: nên thống nhất một thời điểm tăng lương đối với doanh nghiệp, nếu tăng vào hai thời điểm thì tạo hiệu ứng tăng giá cả sinh hoạt hai lần.
Đưa ra ý kiến khá khác biệt, đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Trần Văn Tư, Trưởng phòng Cơ chế chính sách, Ban chính sách pháp luật, lại cho rằng, đề xuất của Bộ LĐ- TB &XH vẫn chưa đúng so với thực tế hiện nay.
Ông Tư cho biết, theo khảo sát của cơ quan này thì tiền lương bình quân thấp nhất của người lao động làm việc trực tiếp tại Hà Nội và Tp.HCM trong khoảng từ 2,2 - 2,5 triệu đồng/tháng. Ở một số địa phương khác, mức này dao động từ 1,8 - 2,0 triệu đồng/tháng. Do đó , Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra mức đề xuất thấp nhất là 1,6 triệu cho vùng 4 và 2,2 triệu cho vùng 1.
Trước ý kiến của các đại diện các địa phương, bà Đặng Phương Dung, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đại diện cho khối doanh nghiệp lại bày tỏ những lo lắng trước áp lực tăng lương đang đổ dồn lên các doanh nghiệp: “Công nhân ngành may mặc hiện có mức lương trung bình 2-3 triệu/ tháng. Với số lượng lao động lên đến 60.000 người, chỉ cần một điều chỉnh nhỏ thì khoản chi phí lương của DN đã đội lên rất lớn. Lạm phát, giá cả tăng cao, mà các yếu tố đầu vào tăng thì đầu ra lại dẫm chân tại chỗ nên hiện đang là thời điểm rất khó khăn của ngành chúng tôi. Nếu Chính phủ đã quyết thì buộc lòng doanh nghiệp phải theo. Tuy nhiên, xin đề xuất không phải là lúc này, hoặc Chính phủ phải có phương án hỗ trợ DN”- bà Dung trình bày.
Đại diện Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hải Phòng cũng thừa nhận, áp lực tăn lương sẽ là rất lớn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước.
Đồng cảm với những khó khăn mà DN nội địa đang phải gánh vác, Thứ trưởng Bộ LĐ- TB & XH cho biết, Bộ này đã cùng bàn với Bộ Tài chính để trình Chính phủ phương án giãn, giảm thuế đối với các doanh nghiệp trong nước khi thực hiện điều chỉnh lương.
Theo Dân Trí