Đề xuất một số chính sách hỗ trợ công tác phòng, chống ma túy

Cập nhật: 12-01-2024 | 09:53:32

Sáng 11-1, đoàn của Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã có buổi làm việc với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC04) Công an (CA) tỉnh. Tham gia cùng đoàn có bà Nguyễn Trường Nhật Phượng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc CA tỉnh.

Tội phạm ma túy vẫn còn diễn biến phức tạp

Tiếp đoàn, đại diện lãnh đạo Phòng PC04 đã báo cáo tóm tắt công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm và tệ nạn ma túy trong năm 2023. Trong đó, Bình Dương thời gian qua là địa bàn các đối tượng chọn làm nơi cất giấu ma túy trước khi đưa đi các địa phương khác tiêu thụ; số vụ phạm pháp hình sự do người nghiện ma túy, hoặc liên quan đến ma túy gây ra còn nhiều. Theo báo cáo, tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp trong các nhà nghỉ, khách sạn, vũ trường, quán bar, quán karaoke... diễn ra phức tạp; tội phạm liên quan đến ma túy còn rất lớn, tiềm ẩn những phức tạp về trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh. Công tác cai nghiện và hỗ trợ sau cai nghiện còn nhiều bất cập, hiệu quả thấp...


Đoàn của Ban Pháp chế HĐND tỉnh đi khảo sát tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh vào ngày 11-1

Đại diện CA tỉnh đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, cụ thể như việc quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, kế hoạch phòng chống ma túy của Trung ương, của tỉnh ở một số đơn vị, địa phương chưa sâu sắc, toàn diện và chưa nghiêm. Sự phối hợp giữa các đơn vị, địa phương ở một số nơi thiếu chặt chẽ. Việc đầu tư cho công tác phòng chống và kiểm soát ma túy chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới…

Đáng chú ý, hiện nay việc xét công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh có tiêu chí “tỷ lệ tội phạm, vi phạm pháp luật... không tăng so với năm trước”. Đây là tiêu chí quy định nhằm nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác phòng chống tội phạm. Tuy nhiên, điều này dẫn đến một số địa phương vì thành tích nên không quyết liệt trong rà soát phát hiện người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy mới; không tổ chức đấu tranh triệt xóa các điểm hoạt động phạm tội về ma túy.

Linh động trong công tác cai nghiện

Tại buổi làm việc, đại diện CA tỉnh cũng kiến nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh chủ trì phối hợp tham mưu UBND tỉnh ký kết với Sở LĐ-TB&XH TP.Hồ Chí Minh giao Cơ sở cai nghiện số 3 (trú đóng tại huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) hỗ trợ tiếp nhận điều trị cai nghiện bắt buộc các đối tượng nghiện ma túy do Bình Dương ký gửi vì Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh đang trong thời gian sửa chữa, nâng cấp.

Cũng trong sáng ngày 11-1, đoàn của Ban Pháp chế HĐND tỉnh do bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Trưởng ban làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh (thuộc Sở LĐ-TB&XH tỉnh), trú đóng tại ấp Gia Biện, xã Tam Lập, huyện Phú Giáo. Báo cáo với đoàn, đại diện Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh cho biết việc tiếp nhận, quản lý đối tượng trong năm 2023 chuyển sang là hơn 740 học viên. Mọi hoạt động thường xuyên được cán bộ theo dõi, quản lý giám sát và có sổ sinh hoạt đánh giá tình hình học tập, lao động của học viên. Học viên được bố trí ở theo từng khu, có cán bộ trực tiếp theo dõi, quản lý nhằm ngăn ngừa các hành vi bỏ trốn, thẩm lậu ma túy, ẩu đả, đánh nhau…

Đối với học viên, sau khi được tiếp nhận vào cơ sở, được đưa vào phòng cắt cơn, sau đó phân loại bố trí khu ở thích hợp để ổn định sức khỏe tinh thần nhằm giáo dục, học tập, lao động phục hồi chức năng. Cơ sở cũng chú trọng tổ chức dạy nghề cho học viên. Năm 2023 cơ sở đã dạy nghề cho 120 học viên (sửa xe máy, cắt tóc, lái xe nâng). Hàng năm, cơ sở phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy CA tỉnh, CA huyện Phú Giáo phối hợp bảo đảm an ninh trật tự, chống thẩm lậu ma túy vào cơ sở. Ngoài ra, cơ sở tham mưu Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phú Giáo chuẩn y quyết định thành lập Trung đội tự vệ để góp phần tăng tính pháp lý trong việc kiểm tra, giám sát; nhất là đối với các đối tượng có hành vi nghi vấn hoạt động xung quanh cơ sở…

Theo đại diện Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh, hiện cơ sở đang xây dựng và hoàn thiện một số hạng mục công trình phục vụ cho công tác. Bên cạnh đó cơ sở cũng đang gặp phải một số tồn tại, khó khăn, như: Do chế độ thu hút đối với người làm việc tại cơ sở chưa đủ hấp dẫn nên cơ sở chưa tuyển dụng được nguồn nhân lực có chất lượng; biên chế cho cơ sở chưa đáp ứng nhiệm vụ thực tế; thiếu kinh phí để trang bị các cơ sở vật chất, trang thiết bị theo quy định tại phụ lục I (danh mục trang thiết bị, phương tiện tối thiểu của cơ sở cai nghiện ma túy công lập) theo Nghị định 116/2021/NĐ- CP của Chính phủ…

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Thanh Mai đã ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được của Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh trong thời gian qua. Đồng thời bà Mai cũng ghi nhận những khó khăn, tồn tại của cơ sở để nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét trong thời gian tới.


Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh chia sẻ thông tin với đoàn tại buổi làm việc

Liên quan đến các giải pháp để làm tốt công tác phòng chống ma túy, CA tỉnh đề xuất HĐND tỉnh xem xét ban hành nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh. Trong đó có việc hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất phục vụ nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng chống ma túy; xem xét không trừ điểm thi đua, ưu tiên xét các tiêu chuẩn văn hóa, văn minh đô thị, nông thôn mới đối với xã, phường, thị trấn “chủ động” rà soát đưa các đối tượng ma túy vào quản lý, rà soát các điểm phức tạp về ma túy để triệt xóa. Đồng thời, hạ mức thi đua, không xét các tiêu chí nếu địa phương che giấu lấy thành tích, để tồn tại trên địa bàn mà cấp trên đến triệt xóa, bắt giữ.

HƯNG PHƯỚC

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=538
Quay lên trên