Đề xuất tăng chi giúp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Cập nhật: 05-12-2021 | 18:05:26

(BDO) Sáng 5-12, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã tổ chức chương trình Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2021 với chủ đề “Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”.

Tham dự chương trình tại điểm cầu Trung tâm Hội nghị Quốc tế (số 11, đường Lê Hồng Phong, Hà Nội) có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các vị lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các nhà khoa học… Tại điểm cầu Bình Dương, tham dự chương trình có ông Phạm Trọng Nhân, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các đại biểu Quốc hội tỉnh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Chương trình Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2021.

Dưới sự điều phối của ban tổ chức, tham gia chương trình các đại biểu là nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã tham gia đóng góp những tham luận có tính chất xây dựng, gợi ý một số phương án phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong bối cảnh mới; đồng thời đưa ra ý kiến chuyên môn góp phần thay đổi các chính sách tài khóa, tiền tệ một cách linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế và góp phần bảo đảm an sinh xã hội trong tình hình mới. 

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, kèm theo nguy cơ lạm phát, các chuyên gia kiến nghị chi hỗ trợ gói phục hồi kinh tế với tổng mức chi ước lượng 445.000 tỉ đồng. Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia đã có bài tham luận với nội dung “Một số gợi ý chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”. 

Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng, cả nước cần chi khoảng 445.000 tỉ đồng, tương đương 5,12% GDP cho các hoạt động hỗ trợ tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội và các chính sách khác trong thời gian hậu Covid-19. Gói hỗ trợ này được dự đoán sẽ giúp ngăn chặn nguy cơ suy thoái nền kinh tế - xã hội nước nhà do các vấn đề lạm phát gây ra.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng đưa ra 4 giải pháp cần thực hiện ngay, đó là: Ưu tiên nguồn lực củng cố hệ thống y tế toàn quốc (76.000 tỉ đồng); tiếp tục củng cố hệ thống an sinh xã hội (58.000 tỉ đồng); hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh (224.000 tỉ đồng); tiếp tục cải cách thể chế, giải quyết những tắc nghẽn trong hoạt động đầu tư công (288.000 tỉ đồng)… 

Tin, ảnh: Đình Thắng

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1214
Quay lên trên