Deb Haaland - Người Mỹ bản xứ làm nên lịch sử

Cập nhật: 22-03-2021 | 14:13:22

Deb Haaland, nữ nghị sĩ gốc bản xứ đầu tiên đến từ bang New Mexico của Mỹ vừa làm nên lịch sử hôm 15-3 sau khi Thượng viện Mỹ phê chuẩn bà làm Bộ trưởng Nội vụ trong nội các chính phủ của Tổng thống Joe Biden. Bà trở thành nữ chính khách gốc bản xứ đầu tiên trong lịch sử Mỹ nắm giữ vị trí lãnh đạo cơ quan chính phủ.

Năm nay 61 tuổi, Deb Haaland sinh ra và lớn lên ở Winslow, bang Arizona, Mỹ, thuộc bộ tộc Laguna Pueblo có gốc gác ở vùng Trung Tây bang New Mexico. Gia đình bà đã nhiều thế hệ tham gia phục vụ trong nhiều ngành khác nhau của Chính phủ Mỹ; mẹ bà phục vụ trong hải quân Mỹ, còn cha bà là một lính thủy quân lục chiến từng tham chiến tại miền Nam Việt Nam.

Được đào tạo bài bản, có bằng tiến sĩ luật, bản thân Haaland cũng từng tham gia làm việc trong hệ thống chính quyền các cấp thuộc đảng Dân chủ từ thời ông Barack Obama làm tổng thống. Tuy nhiên, con đường của Haaland đi qua không hề trải thảm hoa hồng. Là một người da đỏ bản xứ, Haaland từng nếm trải cuộc sống không nhà cửa và phải nhận hàng cứu trợ để sống. Bà cũng từng là nạn nhân của chính sách kỳ thị sắc tộc gay gắt ở Mỹ. Thời trẻ, bà cũng từng bị chia cắt khỏi gia đình, đưa vào các trường giáo dục “đồng hóa sắc tộc” một thời nở rộ ở Mỹ.

Câu chuyện chính trị của bà Haaland phản ánh sự vươn lên đầy khó khăn nhưng cũng ngày càng mạnh mẽ của người Mỹ bản xứ. Năm 2018, Haaland là một trong 2 nữ chính khách bản xứ đầu tiên được bầu vào Quốc hội Mỹ (người còn lại là nữ nghị sĩ Sharice Davids của bang Kansas). Đến tháng 1-2021 đã có thêm 6 người bản xứ trúng cử vào quốc hội, gồm 4 người bên đảng Dân chủ và 2 bên đảng Cộng hòa.

Bà Deb Haaland tuyên thệ nhậm chức trước sự chứng kiến của người thân, gia đình và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi.

Việc Haaland được bầu lãnh đạo nắm giữ Bộ Nội vụ còn mang ý nghĩa lịch sử đặc biệt. Bộ Nội vụ không chỉ được giao trọng trách chăm lo an sinh cho 1,9 triệu người da đỏ bản xứ ở Mỹ mà còn quản lý hơn 202 triệu hécta đất công, vùng nước và hệ thống đê điều liên bang, các khu bảo tồn, lưu trữ sinh quyển quốc gia,... Tuy nhiên, cơ quan này trước giờ rất ít quan tâm chăm lo hoặc luôn gây ra những thiệt hại cho người Mỹ da đỏ bản xứ và những vùng đất, khu bảo tồn được giao quản lý.

Phe Cộng hòa thân với giới kinh doanh cảm thấy không yên lòng khi Haaland được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Nội vụ. Họ phản đối việc bỏ phiếu cho Haaland, xem đó là một việc làm “ngu xuẩn”, “hại nhiều hơn lợi”. Trong đảng Cộng hòa chỉ có 4 người bỏ phiếu ủng hộ bà.

Cuộc đấu đá chính trị trong Thượng viện Mỹ xoay quanh cuộc bỏ phiếu phê chuẩn bà phản ánh vai trò ngày càng quan trọng của Haaland trong cuộc tranh luận về các vấn đề thời cuộc như biến đổi khí hậu, chính sách năng lượng và công bằng sắc tộc. Quả thật, trong một cuộc trả lời báo chí trước khi trở thành Bộ trưởng Nội vụ Mỹ, Haaland đã nhấn mạnh rằng bà sẽ đưa 3 vấn đề nêu trên lên thành ưu tiên hàng đầu trong chương trình làm việc của chính phủ.

Trọng tâm của những tranh cãi xung quanh Haaland tập trung vào cuộc chiến khai thác năng lượng hóa thạch tại Mỹ. Haaland từng là một trong những thành viên tham gia rất quyết liệt trong cuộc đấu tranh chống khai thác dầu mỏ và khí đốt ở Mỹ. Người ta dự báo bà chắc chắn sẽ triển khai ngay việc dừng khai thác các giếng dầu mới, sẽ khẩn trương khôi phục các quy định pháp luật về bảo tồn đời sống hoang dã, đồng thời nhanh chóng triển khai việc sản xuất năng lượng tái tạo (gió và mặt trời) trên các vùng đất và mặt nước. Bộ Nội vụ sẽ trở thành trung tâm nghị trình về khí hậu của Tổng thống Biden. Hiện tại, Chính phủ Mỹ đang áp lệnh tạm dừng ngắn hạn việc cho thuê đất công khai thác dầu mỏ, vốn đang bị phe Cộng hòa và giới kinh doanh, khai thác dầu mỏ, khí đốt Mỹ phản đối dữ dội. Việc Haaland áp lệnh cấm hoàn toàn việc thuê đất khai thác dầu mỏ này được giới phân tích cho là sẽ mang lại những kết quả khác nhau cho chính quyền ông Biden lẫn tình hình khí hậu của nước Mỹ. Có khả năng khí thải nhà kính từ nhiên liệu hóa thạch sẽ giảm đáng kể, đồng thời sự công kích từ phía đảng Cộng hòa và giới kinh doanh đối với chính quyền Biden cũng sẽ tăng lên tương tự.

Mặt khác, người ta hy vọng Haaland sẽ mang đến cho Tổng thống Biden những lợi thế trong việc vận động sự ủng hộ của lưỡng đảng trong Quốc hội. Bà là nghị sĩ có sức huy động lưỡng đảng thành công nhất tính đến nay, sau thành công với đạo luật bảo vệ 30% đất và đại dương của Mỹ đến năm 2030 hồi đầu năm nay.

Haaland cũng sẽ nhanh chóng đảm nhận vai trò trung tâm trong việc hiện thực hóa lời hứa của ông Biden giải quyết vấn đề công bằng sắc tộc trong xã hội Mỹ. Bà sẽ gánh trọng trách bảo vệ các giao ước có ràng buộc pháp lý của Chính phủ Mỹ với các bộ tộc da đỏ bản xứ. Lâu nay, các giao ước này thường xuyên bị xâm phạm một cách có hệ thống bởi nhiều đời chính quyền khác nhau ở Washignton, gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với đời sống, tuổi thọ, quyền chính trị cũng như các cơ hội kinh tế của người da đỏ bản xứ. “Lớn lên trong vùng đất bị bạc đãi khiến tôi trở nên quyết liệt. Tôi sẽ quyết liệt vì tất cả chúng ta, vì hành tinh của chúng ta và tất cả các vùng đất bảo tồn của chúng ta” - bà Haaland viết trên Twitter trước khi được phê chuẩn.

Nhưng, nhiệm vụ của Haaland sẽ rất nặng nề, rất vất vả, bởi bà Haaland sẽ cùng với nội các của ông Biden đối mặt các thách thức chưa từng có, bao gồm đại dịch COVID-19, kinh tế toàn cầu trì trệ do đại dịch, nạn đói bắt đầu gia tăng và tình trạng khủng hoảng khí hậu ngày càng gay gắt. Và nước Mỹ bà tiếp nhận cũng vừa trải qua một giai đoạn đầy “thương tích” vì vấn đề kỳ thị sắc tộc, vẫn còn đang “dưỡng thương”, chưa thể nguôi ngoai.

Theo CAND

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1132
Quay lên trên