Đem con chữ đến trẻ em không may mắn

Cập nhật: 22-04-2011 | 00:00:00

Lớp học tình thương ở phường An Phú ra đời là địa điểm thiết thực để đem con chữ đến trẻ em lang thang, cơ nhở và con em của công nhân lao động nghèo. Với họ, đó là điều kiện để giúp các em phát triển toàn diện như các bạn cùng trang lứa khác...

Chúng tôi có dịp ghé thăm lớp học tình thương ở phường An Phú vào buổi chiều mưa nặng hạt. Từng nhóm em nhỏ chen nhau đi chung chiếc áo mưa màu xanh thẫm, một tay cố giữ áo che đầu còn tay kia xách chiếc túi nylon giữ những cuốn tập viết và bộ sách giáo khoa cho khỏi ướt. Mặc dù trời mưa tầm tã nhưng lớp học tình thương vẫn vào học đúng giờ, bảo đảm đầy đủ sĩ số cũng như các tiết học.

 

Chị Nguyễn Thị Ngọc dồn tâm sức để con chữ đến với các em thật trọn vẹn

Chị Nguyễn Thị Ngọc, Chi hội trưởng Chi hội Sức trẻ làm giáo viên chủ nhiệm với lớp nhiều năm cho biết, lớp được thành lập từ năm 2008, khi ấy chỉ là trụ sở của văn phòng khu phố 1B, nhưng do các em đi lại khó khăn, văn phòng lại thường xuyên dùng hội họp nên lớp học bị gián đoạn. Thấy các em nhỏ ham học, chị Ngọc quyết định đưa các em về nhà dạy trong gian phòng của gia đình. Phần lớn những học sinh trong lớp đều là con em công nhân lao động, đi bán vé số dạo và đánh giày...

Là lớp học tình thương nhưng các quy định của lớp đề ra được các em thực hiện khá tốt. 36 học sinh được chia thành 5 nhóm khác nhau từ lớp 1 đến lớp 5. Do mong muốn được biết chữ nên mỗi bạn đều cố gắng thi đua học tập, không bỏ học, bỏ tiết. Em Lê Văn Nu, 12 tuổi cho biết: “Quê em ở Đồng Tháp, theo ba mẹ lên Bình Dương sinh sống. Em rất muốn đến trường nhưng em nhỏ không ai trông coi, cha mẹ lại không có tiền cho em đóng học phí nên em không đi đến lớp ban ngày được, em phải đến lớp học tình thương”. Kiến thức các em được học chủ yếu 2 môn toán, tiếng Việt nên các môn khác có phần hạn chế “nhưng nếu được học cấp II, em sẽ nỗ lực học tập để không phụ lòng cô giáo và cha mẹ” - em Lê Văn Duy, học lớp 5 cho hay.

Với đặc điểm là học sinh tự do và nhiều thành phần, trình độ khác nhau nên giáo viên đứng lớp trực tiếp dạy học gặp khá nhiều khó khăn. Mỗi buổi học, chị đều soạn giáo án vào cuốn sổ nhỏ cho từng môn học. Hàng tháng, chị được phường phụ cấp lương đứng lớp nhưng chị đều dành để mua tập, sách cho các em. Và để thu hút các em tới học, chị còn bỏ tiền túi mua kẹo phát vào đầu tuần để khuyến khích các em đến lớp.

Tranh thủ ngày chủ nhật lớp không học, Ngọc còn đến từng khu nhà trọ, gõ cửa từng phòng, vận động gia đình đưa con đến lớp học tình thương. Để động viên tinh thần học tập của các em, vào cuối học kỳ, chị Ngọc còn tổ chức tuyên dương, tặng quà cho những bạn học giỏi, chăm ngoan hay tổ chức cho lớp đi chơi Khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến nhân dịp tết Trung thu, các ngày lễ lớn.

Chị Ngọc hiện là nhân viên của Công ty Bảo hiểm nhân thọ Hàn Quốc. Chia tay chúng tôi, chị chia sẻ: “Dù vất vả nhưng mình yêu thích các em nhỏ, thấy các em ham học nên mình cần phải có trách nhiệm hơn, cố gắng học tập, trau dồi kiến thức hơn nữa; đặc biệt là cải tiến phương pháp giảng dạy để truyền đạt kiến thức  cho các em ngày càng đạt hiệu quả tối đa”.

TRỊNH HOÀNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X