Đúng 20 giờ 30 ngày 26-3 (tính theo giờ địa phương của từng quốc gia), chiến dịch tình nguyện Giờ Trái đất chính thức bắt đầu và kéo dài trong 60 phút. Theo AFP, hàng triệu người ở 134 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng tham gia chiến dịch này, phá kỷ lục 128 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia năm 2010.
Tưng bừng các hoạt động hưởng ứngNgày 26-3, hưởng ứng Giờ Trái đất năm 2011, Thành đoàn TPHCM đã tổ chức nhiều hoạt động kêu gọi mọi người dân có ý thức tiết kiệm điện, tắt các thiết bị chiếu sáng và thiết bị điện không cần thiết từ 20 giờ 30 đến 21 giờ 30. Gần 1.000 xe đạp diễu hành ở 10 quận tuyên truyền, kêu gọi tắt đèn tại các tuyến đường trọng điểm, các tòa nhà cao ốc, khách sạn, siêu thị, công viên trên địa bàn TP; vận động 10.000 chữ ký kêu gọi hưởng ứng Giờ Trái đất; vận động bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm điện… Bên cạnh đó, Thành đoàn TPHCM thành lập 120 đội thanh niên xung kích tuyên truyền sử dụng điện an toàn và tiết kiệm năm 2011; thực hiện công trình “Tuyến đường kiểu mẫu tiết kiệm điện”…
Tối cùng ngày, tại Nhà thi đấu Quân khu 7 diễn ra chương trình Hội ngộ những tình nguyện viên Giờ Trái đất và chương trình “Nào cùng tắt điện – Bật sáng tương lai” với các trò chơi dân gian, giới thiệu sản phẩm tiết kiệm điện, giao lưu giữa các cá nhân được chọn làm đại sứ Giờ Trái đất với đoàn viên, thanh niên tham gia ngày hội. Ngoài ra, các bạn trẻ, các tình nguyện viên cũng đồng loạt ra quân các hoạt động tuyên truyền, băng rôn, cờ phướn, các video clip “Thông điệp xanh” kêu gọi mọi người hưởng ứng Giờ Trái đất, góp phần làm giảm thiểu các tác hại do biến đổi khí hậu gây ra; vận động các quán cà phê tham gia danh sách “Các quán cà phê Giờ Trái đất” (sử dụng điện hiệu quả, hàng tháng có một ngày không sử dụng điện)...
Tuổi trẻ Hội An (Quảng Nam) hưởng ứng Giờ Trái đất 2011.
Tắt điện, “bật” tương laiTừ 20 giờ 30 đến 21 giờ 30 ngày 26-3, TP Hội An (Quảng Nam) cùng hơn 5.000 TP trên thế giới và 30 tỉnh, thành trên cả nước Việt Nam hưởng ứng Giờ Trái đất năm 2011 với thông điệp “Tắt đèn 60 phút – Hành động 365 ngày vì biến đổi khí hậu” góp phần ngăn chặn sự biến đổi của khí hậu trên trái đất. Giờ Trái đất không chỉ đơn thuần là 60 phút trong số 365 ngày/năm mà cho cả một tương lai của loài người.
Từ 20 giờ 30, sau lời đếm ngược thời gian là hồi còi hụ báo thời khắc Giờ Trái đất đã điểm. Phố Hội trở nên lung linh bởi ánh đèn cầy, đèn dầu lạc và đèn lồng. Dòng sông Hoài đoạn chùa Cầu lóng lánh như một dải ngân hà vắt ngang phố cổ bởi ánh hoa đăng của người dân và du khách thả xuống dòng sông để cầu nguyện cho nạn nhân động đất - sóng thần Nhật Bản cũng như cầu nguyện cho một hành tinh xanh và hòa bình.
Giờ Trái đất trở thành đặc sản du lịch “rất Hội An”. Trong đêm ấy, Hội An tắt hết đèn điện. Phố Hội – sông Hoài trong “Đêm rằm phố cổ” trở nên lung linh trong ánh đèn lồng, đèn dầu lạc, đèn cầy và hoa đăng như một phố thị đầu thế kỷ XX.
Một nhóm bạn trẻ ở Hội An (Quảng Nam) thắp nến thành con số 60+ trong Giờ Trái đất.
Đội mưa hưởng ứng Giờ Trái đấtTại Hội trại thanh niên – Công viên Thanh Niên TP Đà Nẵng trong các ngày từ ngày 25 đến 27-3, mạng lưới Thế Hệ Xanh Việt Nam và liên minh 11 CLB đội nhóm dựng mô hình trại Mái nhà xanh, mô hình 60+, thực hiện đổi đồ cũ lấy đồ mới Mottainai và bán đồ lưu niệm tái chế để gây quỹ từ thiện. Từ 18 giờ ngày 26-3, thành viên của các CLB Hành trình xanh, Đà Nẵng xanh, Đội CTXH Phan Châu Trinh, Go Green… tỏa đến các KTX sinh viên ĐH Kinh tế, ĐH Bách khoa, CĐ Hữu nghị Việt Hàn, CĐ Thương mại… để vận động các sinh viên cùng tham gia. Đúng 20 giờ 30, đèn điện phụt tắt, mọi người tập trung ở sân KTX chơi trò chơi, văn nghệ và thắp nến hình 60+. Tại Sandy Beach Resort (đường Trường Sa, Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng), hơn 100 du khách quốc tế cùng tắt điện, thắp hoa đăng và chơi nhạc trong Giờ Trái đất.
Tối 26-3, tại di tích Nghinh Lương Đình TP Huế - tâm điểm đêm sự kiện Giờ Trái đất 2011, đoàn viên, thanh niên tổ chức dạ hội mang thông điệp “Hành động nhỏ thay đổi lớn”. Tại trụ sở UBND tỉnh và các đường phố chính đều tắt điện hưởng ứng Giờ Trái đất. Trước đó, hàng ngàn đoàn viên, thanh niên bộ hành trong mưa với quãng đường gần 5km gần 500 sinh viên tham gia đã tổ chức triển lãm tranh, chiếu phim về môi trường tại di tích Nghinh Lương Đình và đạp xe khắp TP Huế kêu gọi mọi người hưởng ứng Giờ Trái đất 2011.
Tối 26-3, tại thành phố Nha Trang, bất chấp cơn mưa tầm tả hàng ngàn người dân thành phố biển tề tựu về Quảng trường 2-4 tham gia chiến dịch Giờ Trái đất và phút mặc niệm tưởng nhớ những nạn nhân trong thảm họa động đất, sóng thần tại Nhật Bản.
Cùng với hơn 30 tỉnh thành trong cả nước, năm nay tỉnh Khánh Hòa hưởng ứng Giờ Trái đất từ rất sớm với những hoạt động diễn ra trong 7 ngày (từ 19-3 đến 26-3). Các hoạt động gồm: phát động và kêu gọi các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn thành phố Nha Trang, thành phố Cam Ranh và thị xã Ninh Hòa tự giác tắt các thiết bị điện không cần thiết trong vòng 1 giờ; đạp xe cổ vũ tiết kiệm điện và bảo vệ môi trường; thu gom rác trên bờ biển.
Theo SGGP