Tiểu phẩm “chuyến tàu muộn” khiến cho nhiều công nhân xúc động đến rơi nước mắt
Những tiết mục văn nghệ làm ấm lòng người công nhân xa quê trong dịp xuân Canh Dần đang được các đội viên Đội thông tin lưu động (TTLĐ) Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Dương biểu diễn phục vụ tại các khu công nghiệp.Những ngày bận rộn
14 giờ chuẩn bị, 16 giờ xuất phát đến điểm diễn lại phải gặp và xin điểm diễn ở địa phương để 19 giờ bắt đầu chương trình văn nghệ. Đó là những công tác chuẩn bị rất chu đáo của Đội TTLĐ Trung tâm Văn hóa tỉnh. Đội có 15 người cho 20 buổi diễn phục vụ công nhân xa quê trong dịp xuân Canh Dần này.
Buổi diễn đầu tiên diễn ra vào đêm 18-1 tại xã An Bình, huyện Dĩ An nhằm phục vụ công nhân tại đây. Sân khấu là thùng chiếc xe chuyên dụng được lắp ráp tại chỗ, “phòng hóa trang” là chiếc Cá Mập 12 chỗ phủ bạt dã chiến, “khán phòng” chính là một bãi đất trống ở ngã tư đường bụi bặm, tấp nập người qua lại. Ấy vậy mà công nhân, người đi đường, trẻ em và người dân địa phương vẫn tập trung đông nghịt ngay trước giờ diễn. 18 giờ đã thấy nhiều người. Đến 19 giờ, đoàn bắt đầu bấm máy chiếu phim hài tuyên truyền thì đã đông nghịt những người là người ở bên dưới.
Theo ông Đặng Phước Đức, Đội trưởng Đội TTLĐ, để chuẩn bị cho chương trình phục vụ công nhân xa quê này, đội phải nhờ người viết kịch bản, lên lịch tập dượt ráo riết từ ngày 4-1 đến 15-1 thì tổng duyệt rồi lên sàn diễn. Đội chỉ có 6 diễn viên kịch, 6 ca sĩ, 4 âm thanh ánh sáng và một người phụ trách đoàn. Từ 18-1 đến 5-2 âm lịch, đội sẽ có 20 buổi diễn tại các khu công nghiệp trên địa bàn các huyện Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên. Đây là 4 huyện tập trung nhiều công nhân xa quê nhất.
Đông đảo công nhân đi xem tuyên truyền lưu động
Nước mắt dưới sàn diễnKhông cần những sân khấu quá rộng lớn, những khán phòng có quạt, có máy lạnh. Dưới sương lạnh, giữa bãi đất trống, các tiết mục văn nghệ của Đội TTLĐ diễn ra vô cùng sôi động. Tân cổ cải lương có. Nhạc dance có. Ca khúc cách mạng có. Chính từ sự phong phú này mà các thanh niên, công nhân kéo đến càng đông. “Cũng hay đó chứ!”. “Ừ nhỉ, đi làm về mệt mà có cái này xem cũng vui”. Hai công nhân nữ còn mặc trên người bộ đồng phục của Công ty Giày An Thịnh kháo nhau. Từ chỗ tò mò vì 4 chiếc loa thùng bật hết công suất và cái sân khấu dã chiến trông rất... khác thường, người xem đã phải “mắt tròn mắt dẹt” vì khả năng biểu diễn đầy xúc cảm của các đội viên Đội TTLĐ.
Không khí thực sự sôi động ở phần tiểu phẩm kịch “Chuyến tàu muộn” của tác giả Trung Hậu - Huỳnh Phương (dài 45 phút). Tiểu phẩm kể về câu chuyện những công nhân xa quê không có tiền về quê ăn tết, đành ở lại mua vui bên chén rượu trong những căn phòng trọ ẩm thấp. Đó là câu chuyện về mối quan hệ ứng xử đầy nhân văn, đạo nghĩa giữa chủ phòng trọ và những công nhân sống ngay dưới mái nhà trọ của mình. Một câu chuyện rất sát sườn về cơm áo gạo tiền mà người công nhân phải đối mặt hàng ngày.
Những tiết mục biểu diễn của Đội TTLĐ tỉnh là rất sâu sắc và thiết thực đối với công nhân xa quê. Nhưng để tạo nên hiệu ứng rộng rãi hơn, có lẽ đội cần có sự phối hợp và ủng hộ lớn hơn của chính quyền địa phương trong khâu tổ chức tại chỗ. Công tác tuyên truyền, thông báo cho công nhân phải được địa phương giúp đỡ tích cực để lôi kéo được đông đảo công nhân đến xem. Như thế, hiệu ứng tuyên truyền sẽ tăng lên gấp bội.
Bên trên sân khấu, 6 diễn viên kịch mướt mồ hôi để hoàn thành vai diễn. Bên dưới, khán giả trầm trồ vì vở diễn hay, lại phải ôm bụng cười ngặt nghẽo vì những tình huống trớ trêu, dở khóc dở cười. Nhưng vở diễn không chỉ có nụ cười. Một câu chuyện cười ra nước mắt về 2 công nhân yêu nhau không có tiền về tết, lại bị chủ phòng trọ chèn ép, đe nẹt đã khiến cho những giọt nước mắt lăn dài trên má các cô gái. Đó là một sự thành công của vở diễn, của Đội TTLĐ.Cô công nhân Hà Thị Thơm, Công ty Giày Thái Bình thật thà cho biết: “Em khóc vì năm ngoái em cũng lâm vào tình cảnh tương tự như trong vở kịch. Dành dụm suốt năm nhưng lại bị ốm vào dịp cận tết, nằm viện nên không còn tiền về quê. Thế là em với một bạn cùng phòng ở lại ăn tết mà chỉ biết tủi thân đến não lòng”. Còn đối với anh chàng Doãn Công Thành, quê Bắc Giang thì càng buồn hơn: “Chắc chắn là tết này em không về quê được. Chi phí xe cộ cao lắm! Bằng cả tháng lương làm việc chứ ít đâu! Cái vở kịch nói đúng tâm lý quá nên không cầm được nước mắt. Xem kịch cũng vơi buồn đi phần nào”.
KHÁNH VINH