Mỗi khi có dịp về TP.Thuận An, ngang qua đoạn phường Bình Nhâm, chúng ta sẽ bắt gặp một ngôi đền được xây dựng rất khang trang nằm ngay bên cạnh trụ sở phường. Nơi đây không chỉ lưu dấu những giá trị lịch sử cách mạng, mà còn là nơi sinh hoạt về nguồn ý nghĩa cho các thế hệ sau...
Đền Bình Nhâm, nơi sinh hoạt về nguồn ý nghĩa của thế hệ trẻ
Vùng đất giàu truyền thống cách mạng
Cùng với sự phát triển đi lên của TP.Thuận An, phường Bình Nhâm cũng đang có nhiều thay đổi. Những con đường, ngôi nhà khang trang được xây dựng ngày càng nhiều hơn, to đẹp hơn. Dẫu thời gian đã khoác lên mình một bộ áo mới, nhưng những giá trị lịch sử cách mạng vẫn còn đó. Và những giá trị lịch sử ý nghĩa đó phần nào đã được khắc họa trong đền Bình Nhâm.
Nói về lịch sử địa phương, bà Võ Huỳnh Ngọc Thủy, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Bình Nhâm, cho biết Bình Nhâm là một trong những địa phương giàu truyền thống cách mạng của TP.Thuận An. Bình Nhâm vinh dự là nơi thành lập tổ chức cộng sản đầu tiên của tỉnh Thủ Dầu Một - Bình Dương tháng 8-1930 (chi bộ Nhà máy Toa xe Dĩ An thành lập tháng 1-1930 nhưng thuộc huyện Thủ Đức, tỉnh Gia Định). Dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng, phong trào đấu tranh của nhân dân Bình Nhâm ngày càng phát triển mạnh, lan tỏa ra cả vùng Lái Thiêu và tỉnh Thủ Dầu Một lúc bấy giờ, góp phần tích cực tạo nên thành công của Cách mạng tháng Tám 1945.
“Cán bộ, đảng viên và nhân dân của phường luôn tự hào về truyền thống đấu tranh cách mạng của địa phương mình. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Bình Nhâm là địa bàn nằm trong vùng chiếm đóng của địch, phong trào cách mạng ở Bình Nhâm đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất để tồn tại và phát triển. Đây là nhân tố quan trọng bảo đảm cho phong trào đấu tranh cách mạng ở Bình Nhâm liên tục được giữ vững và củng cố phát triển cho đến ngày thắng lợi...”, bà Thủy nói.
Sau ngày giải phóng, cùng với các địa phương khác, Bình Nhâm bắt tay vào khắc phục những hậu quả chiến tranh, tạo dựng cuộc sống mới. Để tri ân những người đã hy sinh xương máu, công sức cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, được sự hỗ trợ của huyện Thuận An (nay là TP.Thuận An), năm 2002 công trình đền Bình Nhâm được khởi công xây dựng và khánh thành vào năm 2003. Đây không chỉ là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân Bình Nhâm nói riêng, vùng đất Thuận An nói chung, mà còn là địa chỉ về nguồn nhiều ý nghĩa, góp phần giáo dục lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ mai sau.
Nơi ghi lại dấu tích lịch sử
Bước vào bên trong đền, ngay giữa sân đền chúng ta sẽ thấy một tấm bia làm bằng xi măng, trên bia khắc bài văn diễn tả khái quát nguồn gốc, đặc điểm của địa phương từ thời mở đất và truyền thống đấu tranh cách mạng của các thế hệ tiếp nối trên vùng đất này.
Bên trong đền có 2 tấm bia lớn ghi danh sách 19 bà mẹ Việt Nam anh hùng và 286 liệt sĩ các thời kỳ là những tấm gương ưu tú, đóng góp nhiều xương máu cho Tổ quốc. Phía trước bàn thờ có một bảng lớn khắc tên 6 đảng viên tiền bối của Chi bộ Bình Nhâm - Chi bộ cộng sản đầu tiên của tỉnh Thủ Dầu Một xưa, gồm các đồng chí: Trương Văn Phèn (Ba Phèn), Bí thư Chi bộ; Nguyễn Văn Tiết (Sáu Tiết); Nguyễn Văn Lộng (tự Chùa); Đinh Văn Sáng (Tám Sáng); Nguyễn Văn Nâu (Sáu Nâu) và Hồ Văn Cống.
Bà Thủy cho biết thêm, đền Bình Nhâm có một ý nghĩa hết sức đặc biệt đối với các thế hệ cán bộ, đảng viên và người dân địa phương. Vì thế, công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng luôn được Đảng ủy, chính quyền địa phương quan tâm và chỉ đạo thực hiện. Đền Bình Nhâm là địa điểm thường được chọn để tổ chức các hoạt động về nguồn, ôn lại truyền thống cho các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân trong phường và cả thành phố. Đền Bình Nhâm còn là nơi giáo dục cho thế hệ trẻ, lực lượng đoàn viên, đội viên trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị lịch sử truyền thống cách mạng, khơi dậy lòng tự hào, niềm tin và ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ đối với những đóng góp, hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước. Năm 2013, đền Bình Nhâm vinh dự được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Trong thời gian qua, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” luôn được Đảng bộ và chính quyền phường Bình Nhâm quan tâm thực hiện. Đặc biệt là vào dịp tết đến xuân về, ngoài việc tập trung các nguồn lực hỗ trợ giúp đỡ các gia đình chính sách, phường còn quan tâm đẩy mạnh phong trào chung tay chăm lo cho hộ nghèo để tất cả mọi người trong phường ai cũng có một cái tết vui vẻ, đủ đầy. Sau khi có đủ nguồn lực, phường thường chọn địa điểm đền Bình Nhâm để trao quà cho các đối tượng nhằm tăng thêm ý nghĩa. Các ngành, đoàn thể cũng thường xuyên phối hợp tổ chức các hoạt động tại đây, như: Thắp nến tri ân nhân ngày 27-7, hành trình tìm về địa chỉ đỏ, kết nạp đoàn viên, hội viên, đội viên... Cũng theo bà Thủy, công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng của địa phương đến các đối tượng cán bộ, đảng viên, hội viên và nhân dân trên địa bàn sẽ tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.
90 năm đã trôi qua kể từ ngày Chi bộ Bình Nhâm được thành lập, nhân dân Bình Nhâm vẫn mang trong mình niềm tự hào là nơi tổ chức cộng sản đầu tiên ra đời của tỉnh Thủ Dầu Một - Bình Dương. Với truyền thống cách mạng vẻ vang, anh hùng trong chiến đấu, năng động sáng tạo trong lao động sản xuất, phát huy những thành quả đạt được, Đảng bộ và nhân dân Bình Nhâm quyết tâm xây dựng địa phương giàu mạnh, xứng đáng với truyền thống cách mạng của địa phương, là cái nôi truyền thống cách mạng của TP.Thuận An và tỉnh Bình Dương.
HỒNG THUẬN