Trung Quốc, chủ nợ lớn nhất của nước Mỹ, đã nối tiếp Nga chỉ trích các nhà lãnh đạo Mỹ trong việc kiểm soát nợ nần sau khi chính phủ nước này phải nâng mức trần nợ công.
Ông Chu Tiểu Xuyên, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc.
Hãng tin Tân Hoa Xã lên án các nhà lãnh đạo Mỹ đã sử dụng chiến thuật “bên miệng hố chiến tranh” một cách liều mạng. (brinksmanship: bên miệng hố chiến tranh - một thuật ngữ để chỉ một chiến thuật hay chính sách cố tình đẩy tình thế căng thẳng hết mức, đến sát giới hạn an toàn, nhằm gây ấn tượng và sức ép để đạt được mục đích).
Hãng tin Tân Hoa Xã cũng bình luận rằng việc nâng trần nợ và giảm chi tiêu là không đủ để làm giảm gánh nặng tài khoá của Mỹ. “Cuộc chiến giữa voi và lừa đã làm tổn hại lớn đến sự thịnh vượng của nhiều quốc gia khác”, theo Tân Hoa Xã, (voi và lừa thường được gán là hai biểu tượng của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa).
Thủ tướng Nga Vladimir Putin hai ngày trước cũng lên tiếng chỉ trích Mỹ là “kẻ ăn bám” vào nền kinh tế thế giới, và sự thống trị của đồng đô la Mỹ là một đe doạ với các thị trường tài chính. “Họ đã chi tiêu quá đà và sau đó chuyển một phần gánh nặng của họ lên nền kinh tế thế giới”.
Trong phát biểu mới nhất của mình, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên cho biết ngân hàng trung ương nước này sẽ giám sát những nỗ lực giải quyết vấn đề nợ nần của Mỹ. "Trung Quốc hy vọng chính quyền Mỹ và Quốc hội sẽ đưa ra các chính sách giải quyết ổn thỏa chuyện nợ nần".
Ông Chu cho biết, Trung Quốc sẽ tiếp tục đa dạng hóa tài sản dự trữ, tăng cường quản lý rủi ro và giảm thiểu tác động tiêu cực từ những biến động của thị trường tài chính thế giới đối với Trung Quốc". Theo ông Chu, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc hiện là lớn nhất thế giới với mức 3 nghìn tỷ USD.
Những bình luận này phản ánh mối lo ngại rằng Mỹ có thể đánh mất xếp hạng tín dụng cao nhất AAA ngay cả khi Tổng thống Mỹ Barack Obama và Quốc hội đạt được thỏa thuận về cắt giảm chi tiêu và thuế và nâng mức trần nợ công. Mặc dù tổng thống Obama đã thông qua kế hoạch cứu Mỹ tránh nguy cơ vỡ nợ nhưng các hãng đánh giá tín dụng như Moody’s Investors Service và Fitch Ratings đều cho biết mức đánh giá cao nhất AAA của họ dành cho Mỹ có thể bị hạ bậc nếu các nhà lãnh đạo thất bại trong việc thực thi các biện pháp giảm thâm hụt.
Standard & Poor’s tuần trước cũng cho biết nếu Mỹ cắt giảm chi tiêu dưới 4.000 tỷ USD, mức đánh giá AAA của hãng dành cho Mỹ sẽ phải xem xét lại. Hãng đánh giá tín dụng toàn cầu Dagong Global Credit Rating của Trung Quốc hôm 3-8 đã hạ mức đánh giá A+ dành cho Mỹ xuống mức A với một triển vọng tiêu cực hơn.
Trung Quốc và Nga có lý do để lo ngại bởi họ đang nắm giữ khoảng 1,28 nghìn tỷ trái phiếu Mỹ. Một khi bị hạ mức tín dụng, giá trị trái phiếu của Mỹ sẽ giảm mạnh, ảnh hưởng lớn đến tài sản dự trữ của các nước này.
Tổng thống Obama hôm qua cho biết, biện pháp nâng trần nợ công chỉ là bước đi đầu tiên trong số những biện pháp cần thực hiện, bao gồm cả việc tăng nguồn thu. Mức trần nợ 14,3 nghìn tỷ USD hiện nay của Mỹ sẽ được tăng thêm ít nhất 2,1 nghìn tỷ USD.
Tổng hợp