Những năm qua, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã được cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân tỉnh Bình Dương hết sức quan tâm. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của gia đình chính sách, người có công (NCC) với cách mạng được cải thiện rõ rệt. Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2017), phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn ông Đặng Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh xoay quanh những nội dung này.
- Xin ông cho biết những kết quả của phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên địa bàn tỉnh thời gian qua?
- Xác định công tác “Đền ơn đáp nghĩa” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của cấp ủy và chính quyền địa phương các cấp, từ đó Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh luôn bám sát và lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện một cách sâu sát các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về NCC. Mục tiêu đặt ra, tất cả NCC ổn định về nhà ở, đời sống vật chất và tinh thần được bảo đảm trên cơ sở kết hợp 3 nguồn lực Nhà nước, cộng đồng và cá nhân các đối tượng chính sách tự vươn lên.
Ông Đặng Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng quà cho đối tượng chính sách đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhân dịp 27-7 năm nay
Thực hiện chính sách đối với NCC, Bình Dương tích cực rà soát, lập hồ sơ để các đối tượng hưởng đúng, đủ chế độ. Tính đến nay, tỉnh đã xác lập và quản lý 60.419 hồ sơ NCC các loại. Trong đó, phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước bà mẹ Việt Nam anh hùng cho 2.083 mẹ (hiện 81 mẹ còn sống); 16.309 liệt sĩ; 4.823 thương binh các hạng; 1.024 bệnh binh; 833 cán bộ hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; 5.622 NCC cách mạng trợ cấp một lần và hàng tháng; 1.299 cán bộ hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học… Trong số đó, có 8.607 NCC đang hưởng trợ cấp hàng tháng với kinh phí trên 12,5 tỷ đồng/tháng.
Vào những ngày lễ, tết, lãnh đạo tỉnh, các ban ngành, các địa phương cũng đã tổ chức đoàn thăm, tặng quà cho các đối tượng chính sách. Tính từ năm 2012 đến nay, trên 672.000 lượt đối tượng chính sách được tặng quà, với tổng số tiền 471,2 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 100,3 tỷ đồng, ngân sách địa phương các cấp hơn 352,9 tỷ đồng, vận động gần 18 tỷ đồng).
Từ tỉnh đến cơ sở cũng đã vận động các tổ chức, cá nhân phụng dưỡng suốt đời 100% bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống với mức hỗ trợ hàng tháng từ 1 triệu đồng/tháng trở lên. Chăm sóc sức khỏe cho NCC cũng được chú trọng thông qua việc cấp bảo hiểm y tế để được điều trị miễn phí khi ốm đau hay khi thương tật tái phát. Ngoài ra, mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh nặng được chăm sóc sức khỏe theo chế độ khám chữa bệnh cán bộ trung cao.
Từ năm 2012-2017, toàn tỉnh cũng đã xây dựng, sửa chữa 1.061 căn nhà tình nghĩa, với tổng số tiền gần 43,6 tỷ đồng; trao tặng 301 sổ tiết kiệm với tổng số tiền hơn 189 triệu đồng; trang cấp các thiết bị thiết yếu cho gia đình chính sách khó khăn với kinh phí trên 11 tỷ đồng. Trong 5 năm qua (20122017), tỉnh đã chi ngân sách địa phương trên 10 tỷ đồng để tổ chức cho 685 đối tượng là các mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình NCC tiêu biểu đi tham quan Hà Nội và Côn đảo, Phú Quốc.
- Thưa ông, năm 2017, cùng với cả nước, Bình Dương có các hoạt động cụ thể nào kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ?
- Hòa cùng khí thế chung của cả nước, thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, năm nay UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1680/KHUBND tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2017), trong đó phân công cụ thể các cấp, các ngành, địa phương thực hiện các hoạt động trọng tâm. Cụ thể là vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa; tổ chức thăm, tặng quà cho gia đình thương binh - liệt sĩ, NCC với cách mạng; viếng Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh; tổ chức truy tìm, huy tập hài cốt liệt sĩ...
Bên cạnh đó, từ tỉnh đến địa phương sẽ tổ chức họp mặt kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ; thắp nến tri ân liệt sĩ. Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức đoàn đưa 150 mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, gia đình liệt sĩ, NCC tiêu biểu đi tham quan thủ đô Hà Nội, Phú Quốc; lựa chọn NCC tiêu biểu của tỉnh tham dự Hội nghị biểu dương NCC tiêu biểu toàn quốc năm 2017 tại Hà Nội.
- Thời gian tới, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” tại Bình Dương có những nội dung cơ bản nào, thưa ông?
- Nhằm bảo đảm cho NCC có cuộc sống “ổn định về vật chất, vui vẻ về tinh thần” như Bác Hồ đã dạy, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” của tỉnh sẽ tiếp tục vận động ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” các cấp để xây dựng, sửa chữa nhà ở, tặng trang thiết bị nội thất thiết yếu cho đối tượng NCC; vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, ban ngành, đoàn thể đăng ký một việc làm cụ thể, thiết thực đối với NCC như trích một ngày lương đóng góp cho quỹ, trồng hoa hoặc chăm sóc mộ liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ…
Các đơn vị thường xuyên tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên thanh niên về nguồn, ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc. Các xã, phường, thị trấn bằng nhiều giải pháp phấn đấu bảo đảm NCC của địa phương mình có mức sống trung bình ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân cùng địa phương nơi cư trú và giữ vững danh hiệu “Xã, phường làm tốt công tác thương binh liệt sĩ và NCC” hàng năm.
- Nhằm thực hiện có hiệu quả phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, theo ông cần có những giải pháp gì?
- Để thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương các cấp, cũng như các ban ngành, đoàn thể phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thường xuyên thực hiện ngày pháp luật về chính sách NCC để nhân dân, các đơn vị, doanh nghiệp nắm bắt được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm hiểu rõ và chung tay đóng góp cùng cộng đồng chăm lo cho NCC; xem đây là công việc thường xuyên, liên tục của các cấp, các ngành.
Bên cạnh kịp thời khen thưởng, tuyên dương đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa” nhằm khích lệ, động viên, tạo điều kiện để đưa phong trào này ngày càng sâu rộng; thực hiện tốt các chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp có nhiều đóng góp cho Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” theo đúng quy định nhằm nuôi dưỡng nguồn đóng góp quý báu của các doanh nghiệp đó với phong trào.
- Xin cảm ơn ông!
THIÊN LÝ (thực hiện)