Trở về nhà sau một ngày làm việc vất vả, nhiều người cần không gian yên tĩnh để nghỉ ngơi nhưng bất ngờ trở thành thính giả bất đắc dĩ của hàng xóm mê ca hát! Bị tra tấn thính lực, nhiều người “nổi quạu”, không giữ được bình tĩnh dẫn đến xô xát với hàng xóm, khiến tình nghĩa “tối lửa tắt đèn có nhau” bị rạn nứt.
Đại diện Ban Điều hành khu phố Bình Qưới A, phường Bình Chuẩn, TP.Thuận An tuyên truyền, nhắc nhở người thuê trọ không hát karaoke gây ồn ào, ảnh hưởng đến người khác
Mất tình xóm giềng vì “lời ca tiếng hát”
Khoảng 7 giờ sáng, trong khu khu dân cư Thuận Giao (khu phố Bình Thuận 2, phường Thuận Giao, TP.Thuận An) văng vẳng tiếng hát bài “Đắp mộ cuộc tình” do một người đàn ông thể hiện bằng chất giọng rên rỉ nhừa nhựa. Hát hết bài hát, “ca sĩ” này tiếp tục “show diễn” với hàng loạt ca khúc khác như đang muốn thử thách tinh thần của những thính giả bất đắc dĩ.
Vào những ngày cuối tuần, khu dân cư Việt Sing (khu phố 4, phường An Phú, TP.Thuận An) cũng náo động bởi nhiều giọng hát “miệt vườn” phát ra từ loa di động của những người thuê trọ. Tuy nhiên không phải ai cũng có sở thích hát karaoke mà nhiều người rất cần không gian yên tĩnh để nghỉ ngơi. Bị hàng xóm tra tấn âm thanh, một số người âm thầm chịu đựng hoặc có người khéo léo nhắc nhở người hát điều chỉnh âm lượng, không gây ảnh hưởng đến láng giềng xung quanh. Khi được nhắc nhở, có người vui vẻ tiếp thu nhưng cũng có “ca sĩ” quay ra “cà khịa” với thính giả bất đắc dĩ rồi dẫn đến xô xát, khiến đôi bên cùng thiệt thân.
Thực tế trên địa bàn tỉnh đã có không ít vụ cố ý gây thương tích, thậm chí là giết người xuất phát từ mâu thuẫn do hát karaoke gây ồn ào. Gần đây, vào sáng ngày 5-6, anh Cao Văn Võ (sinh năm 1974, quê Sóc Trăng) tổ chức ăn nhậu cùng với con ruột là Cao Văn Kiệt (sinh năm 2002), Nguyễn Đức Tài (sinh năm 1994, quê Hậu Giang) và 2 người bạn tại phòng trọ ở khu phố Bình Phước A, phường Bình Chuẩn. Trong lúc ăn nhậu, anh Võ mở nhạc bằng loa thùng gây ồn ào, mất trật tự. Đến chiều cùng ngày, Trần Thanh Phong (sinh năm 1990) nhậu với anh ruột là Trần Thanh Cường (sinh năm 1985) và Trương Hoàng Thái (sinh năm 1990, cùng quê Cà Mau) tại cơ sở trọ đối diện với phòng trọ của anh Võ. Lúc này, Thái cùng Phong qua phòng trọ gọi Tài ra ngoài nhắc nhở việc mở loa nhạc ồn ào. Thấy vậy, ông Võ cũng đi ra theo thì xảy ra cự cãi dẫn đến xô xát đánh nhau với Phong, Thái khiến ông Võ bị thương tích nặng. Thấy vậy, Kiệt dùng hung khí đánh Thái để “báo thù” cho cha nhưng bị Thái rượt đuổi. Sau đó, ông Võ được người dân đưa đến bệnh viện cấp cứu, chữa trị thương tích. Sau khi tiếp nhận tin báo, CA TP.Thuận An đã xuống hiện trường làm việc với các bên liên quan để điều tra xử lý theo quy định.
Cũng xuất phát từ việc hát karaoke gây ồn ào trong lúc ăn nhậu tại phòng trọ mà hai nhóm công nhân đã sử dụng hung khí để giải quyết mâu thuẫn. Theo đó vào chiều ngày 29-5, Danh Thành (sinh năm 1999, quê Kiên Giang) cùng một số người bạn nhậu, hát karaoke tại phòng trọ ở khu phố 4, phường An Phú gây ồn ào. Lúc này, Trần Thanh Xiên (sinh năm 1992, quê An Giang) sống cùng khu nhà trọ qua nhắc nhở nhưng nhóm của Thành vẫn tiếp tục hát karaoke. Xiên bực tức bỏ về, khoảng 10 phút sau thì quay lại mang theo dao đòi chém nhóm Thành. Khi Thành bước ra trước phòng nói chuyện với Xiên thì cả hai xảy ra mâu thuẫn, Xiên dùng dao chém Thành gây thương tích rồi bỏ trốn.
“Trị” tiếng ồn do hát karaoke
Thời gian qua, chính quyền địa phương các cấp đã có nhiều cách làm nhằm chấn chỉnh, giải quyết nạn hát karaoke gây huyên náo trong khu dân cư. Ông Nguyễn Công Trường, Trưởng ban Điều hành khu phố Bình Quới A, phường Bình Chuẩn, TP.Thuận An, cho biết căn cứ theo quy định pháp luật và đặc điểm dân cư ở địa phương, khu phố đã xây dựng quy ước, trong đó có quy định người dân không được hát karaoke gây ồn ào, ảnh hưởng đến đời sống của người khác trong thời gian từ 21 giờ 30 phút hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau. Quy ước trên đã được ngành chức năng phê duyệt, phổ biến rộng rãi và được người dân đồng tình ủng hộ. Bên cạnh những cư dân thực hiện tốt nội dung quy ước thì vẫn có một số hộ hát karaoke với âm lượng lớn, quá giờ quy định khiến nhiều người bức xúc, nhất là trong các khu nhà trọ vào những ngày cuối tuần.
Theo ông Trường, khi nhận được những thông tin phản ánh hát karaoke ồn ào, khu phố sẽ cử lực lượng bảo vệ dân phố và dân phòng xuống nhắc nhở, yêu cầu họ dừng hát hoặc điều chỉnh âm lượng. Trong trường hợp đương sự không chấp hành thì lực lượng chức năng mời về khu phố lập biên bản vụ việc. Nếu là hộ dân thường trú thì coi đây là điểm trừ khi xét danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Với cách làm này, khu phố đã xử lý ổn thỏa nhiều trường hợp hát karaoke gây mất trật tự, góp phần hạn chế những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân có thể phát sinh thành những vụ việc phức tạp.
Nói thêm về việc ngăn chặn vấn nạn hát karaoke gây ồn ào tại địa phương, ông Tôn Quang Vinh, Chủ tịch UBND phường Bình Chuẩn, cho biết: “Địa phương đã chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn tham gia xây dựng nếp sống văn minh đô thị, trong đó lưu ý đến việc không hát karaoke gây huyên náo trong khu dân cư, ảnh hưởng đến cộng đồng. Khi phát hiện những trường hợp hát karaoke gây ồn thì lực lượng chức năng chủ yếu tuyên truyền, nhắc nhở. Qua đó, đa số người dân đều chấp hành, dừng hát karaoke, không có trường hợp nào cố tình vi phạm hoặc thách thức, chống đối lực lượng chức năng”.
Còn tại phường Thuận Giao, công tác tuyên truyền, nhắc nhở người dân không hát karaoke gây ảnh hưởng đến người khác được chính quyền quan tâm thực hiện nhằm phòng ngừa, ngăn chặn những vụ việc phức tạp về an ninh trật tự. Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Chủ tịch UBND phường Thuận Giao, cho biết từ khi có quy định mới về xử phạt hành chính đối với hành vi gây tiếng ồn lớn, huyên náo trong khu dân cư, nơi công cộng thì UBND phường đã đề nghị các ngành chức năng lồng ghép tuyên truyền nội dung này vào các cuộc họp dân, sinh hoạt câu lạc bộ chủ nhà trọ để người dân, nhất là người thuê trọ hiểu rõ mà chấp hành. Từ đầu năm đến nay, chính quyền địa phương chưa xử phạt trường hợp nào hát karaoke gây ồn ào, mất trật tự mà chủ yếu nhắc nhở. Nếu trường hợp nào cố tình vi phạm thì lực lượng chức năng sẽ có biện pháp “mạnh” xử lý, không để phát sinh các vụ việc phức tạp, gây mất an ninh trật tự tại địa phương.
Quy định mới tăng mức xử phạt Từ tháng 1-2022, Nghị định 144/2021/NĐ- CP ngày 31-12-2021 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình đã chính thức có hiệu lực. Đáng chú ý là nghị định này đã tăng mức xử phạt với nhiều hành vi, trong đó có vi phạm quy định về bảo đảm sự yên tĩnh chung (Điều 8). Cụ thể, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng với một trong các hành vi: Gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau; không thực hiện các quy định chung về giữ yên tĩnh tại bệnh viện, trường học, nhà điều dưỡng; bán hàng ăn uống, giải khát quá giờ quy định. Mức phạt tiền nêu trên được áp dụng đối với cá nhân vi phạm, với tổ chức vi phạm mức phạt tiền sẽ gấp 2 lần. Như vậy, cá nhân có hành vi gây ồn ào sau 22 giờ bị phạt đến 1 triệu đồng; tổ chức bị phạt đến 2 triệu đồng. So với quy định cũ trước đây, hành vi này sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với cá nhân; phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 600.000 đồng đối với tổ chức. Ngoài ra, hành vi dùng loa phóng thanh, chiêng, trống, còi, kèn hoặc các phương tiện khác để cổ động nơi công cộng mà không được phép của các cơ quan có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng và tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm. |
NGUYỄN HẬU