Đã từ lâu gắn bó với con đường Hồ Văn Cống (đoạn chạy ngang chợ Cũ), phường Tương Bình Hiệp, TP.TDM nhưng sáng nay là lần đầu tiên tôi chứng kiến nạn kẹt xe ở đoạn này.
Một đoàn xe, nhẩm đếm cũng độ 15 chiếc vừa lớn vừa nhỏ, đang sắp hàng dài chờ đợi để đưa một người về nơi chín suối. Nếu tính cả đoàn người đứng chờ đưa tang thì 2/3 lòng đường của một đoạn đường dài hàng trăm mét đã bị lấn chiếm.
Sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết, đoàn xe tang bắt đầu lăn bánh hướng về phía đại lộ Bình Dương. Tiếng kèn trống inh ỏi xa dần, đoàn đưa tang cũng từ từ mất hút, nhưng để lại phía sau là cả một đoạn đường nham nhở những tiền vàng mã bay tung tóe mỗi khi có gió hoặc có xe chạy qua.
Khoản tiền “mãi lộ” cho người qua đời đã trở thành nỗi khổ của người dân sống ven đường, làm uổng công sức những anh chị lao công cả đêm vất vả để làm vệ sinh cung đường này.
Chợt nghĩ đến đám tang của một người quen gần đây. Khi đến thắp cho người quá cố nén nhang, bản thân tôi và không ít người khác bất ngờ bởi không khí khá yên tĩnh. Con cái của người quá cố đều công tác ở các sở, ban ngành, nhưng đám ma không có kèn hay nhạc sống ồn ào. Hỏi ra mới biết gia quyến đã quyết định lược giản thủ tục này bởi đám tang không phải là chuyện vui. Vì thế không cần phải nhạc kèn làm gì để cho người chết được yên nghỉ thanh thản, mà hàng xóm cũng đỡ bị phiền hà.
Thiết nghĩ ma chay hiếu hỉ gắn liền với nhiều tập tục truyền thống của dân tộc. Nhưng hiện nay, khi nền văn hóa đã tiên tiến hơn, cần phân biệt đâu là nét đẹp và đâu là hủ tục để phát huy và lược giản.
SONG ANH