Khi những hạt mưa cuối mùa đã dứt, nhường cho cái nắng mát dịu của tháng 12, xuyên những “cung đường mộng mơ” tuyệt đẹp dưới những tán cao su xanh ngắt của Long Nguyên, huyện Bàu Bàng; chúng tôi tìm về hộ kinh doanh Bùi Phong Sơn, chủ cơ sở sản xuất lạp xưởng Cô Giáo Phượng mà bấy lâu đã nghe tiếng.
Lạp xưởng Cô Giáo Phượng nhận danh hiệu sản phẩm OCOP tiêu biểu năm 2022
1. Tôi hẹn Phượng không dễ dàng chút nào, bởi Phượng và ông xã ngại nói về những điều to tát. “Chị ơi, hay chị cho em lùi cái hẹn thời gian nữa, khi cơ sở của em đàng hoàng hơn, em sẽ liên lạc chị. Bao nhiêu năm nay em cố gắng để làm thật tốt việc của mình và may mắn được sự hỗ trợ, động viên của xã, huyện đến các ngành của tỉnh. Đó là điều em thấy hạnh phúc lắm. Nhưng em vẫn ngại khi nói về mình vì cơ sở còn nhỏ quá, nhà cửa tuềnh toàng quá…”. Và, phải động viên mãi mới có một cuộc hẹn chính thức.
Biết đến lạp xưởng Cô Giáo Phượng từ đợt bình chọn OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2022. Điều khiến nhiều người tò mò là tên thương hiệu… lạ lạ. Và cũng chính vì thế mà nhiều người tìm hiểu và đánh giá cao chất lượng của sản phẩm lạp xưởng tươi của cơ sở sản xuất tại Long Nguyên, Bàu Bàng này.
Lần thứ hai tôi chú ý đến lạp xưởng Cô Giáo Phượng là tại Hội chợ EXPO Binh Duong 2022 khi gian hàng lúc nào cũng không đủ bán, có ngày gian hàng lạp xưởng Cô Giáo Phượng phải nghỉ sớm vì sợ khách tới hỏi mua nhiều quá, nhưng đã hết hàng.
2. Khi đến nơi, chúng tôi hiểu hơn về những lo ngại trong lòng vợ chồng Phượng. Cơ sở sản xuất là dãy nhà được xây 3 phòng. Nhìn bề ngoài chưa được khang trang, nhưng bên trong khu vực sản xuất cực kỳ ngăn nắp và sạch sẽ, đủ để biết sự tận tụy với nghề được vợ chồng cô giáo Phượng chăm chút. “Em đến với nghề bắt đầu từ tình yêu thương, nên em làm nghề bằng tất cả yêu thương. Ngày xưa, khi mẹ em còn sống, mẹ làm lạp xưởng rất ngon, em cũng chưa kịp học nghề… Sau này mẹ mất em mò mẫm công thức làm lại lạp xưởng như là cách để tìm lại kỷ niệm những ngày còn mẹ. Được sự động viên của gia đình, hàng xóm, em làm những mẻ lạp xưởng đầu tiên để bán từ năm 2007. Đó là những mẻ lạp xưởng được bà con hàng xóm, đồng nghiệp, phụ huynh ủng hộ… Cái tên lạp xưởng Cô Giáo Phượng ra đời từ đó. Có thể nói em bắt đầu làm nghề từ cái tâm của một cô giáo, học trò, đồng nghiệp em sử dụng”, Phượng kể mà hai mắt rưng rưng.
Những công đoạn sản xuất lạp xưởng Cô Giáo Phượng
3. Nói chuyện với chúng tôi Phượng kể về hành trình dài 5 năm của hai vợ chồng với biết bao sự nỗ lực. Dẫu vẫn biết không có thành công nào đến dễ dàng nhưng với những người tự lực từ đôi bàn tay trắng như vợ chồng Phượng là cả một chặng đường gian nan.
Ông xã Phượng quyết định nghỉ công việc điện lạnh ổn định để toàn tâm toàn ý với công việc sản xuất lạp xưởng mà vợ tâm huyết. Đó là cả một sự “liều lĩnh” khi mà áp lực cơm áo gạo tiền đè nặng lên gia đình nhỏ. Có lúc Phượng cũng đã rời bục giảng nhưng rồi sau tất cả, tình yêu nghề giáo, nỗi nhớ đồng nghiệp, nhớ những ánh mắt trẻ thơ khiến em trở lại với nghề bằng tất cả sự tình yêu vốn có, bằng sự tận tụy yêu thương… Khi chọn song hành cả hai công việc đều rất vất vả nhưng em chấp nhận bởi có lẽ em không thể lựa chọn...
Em đến với nghề bắt đầu từ tình yêu thương, nên em làm nghề bằng tất cả yêu thương. Ngày xưa, khi mẹ em còn sống, mẹ làm lạp xưởng rất ngon, em cũng chưa kịp học nghề. Sau này em mò mẫm công thức làm lại lạp xưởng như là cách để tìm lại kỷ niệm những ngày còn mẹ… |
4. Khi Phượng nói đi nói lại với chúng tôi rằng hai nghề của Phượng có sự tương đồng lớn đó là tận tụy, trách nhiệm và yêu thương chúng tôi chưa hiểu lắm. Nghề nuôi dạy trẻ thì quá đúng rồi nhưng nghề làm lạp xưởng, liệu có quá chăng? Để rồi câu trả lời có được khi tận mắt chứng kiến các công đoạn làm lạp xưởng tươi cũng đòi hỏi sự tận tâm như cô giáo chăm chút, nâng niu con trẻ trong từng bước đi, nụ cười…
Muốn làm lạp xưởng ngon phải chọn được thịt heo tươi, phải dậy từ mờ sáng, vào lò mổ nhận thịt nóng. Ðầu tiên là sơ chế phần thịt, ruột non thật sạch qua nước và rượu trắng là bước nền tảng quyết định lạp xưởng có dẻo, ngọt thịt tự nhiên và không gắt dầu hay không. Thịt heo đạt chuẩn phải là thịt còn nóng, mới ra lò. Ruột heo phải là ruột của con heo chừng 80kg, không già cũng không non quá và phải được mài cho mỏng rồi ướp muối, sau đó rửa lại bằng nước cho thật sạch. Người thợ phải rất lành nghề để có những lát cắt thật ngọt, tách riêng phần nạc, phần mỡ và “mạnh tay” loại bỏ những thớ gân, da. Công đoạn này chiếm nhiều thời gian và không thể thay thế bằng máy móc.
Thịt nạc bỏ lớp da, cắt nhỏ, còn thịt mỡ được thái hạt lựu riêng, sau đó trộn cùng với các loại gia vị cho vừa ăn. Công đoạn phức tạp nhất là nhồi thịt. Với phần ruột non đã được chuẩn bị kỹ, cứ nhồi thịt vào được khoảng 15 - 20cm thì buộc lại thành khúc. Sau đó đem tất cả sấy dọc rồi lại sấy ngang thì lạp xưởng sẽ lên men, khô lại, là có thể đem vào đóng gói bảo quản. Sản phẩm ra lò đạt chuẩn cần đạt tỷ lệ nạc - mỡ hài hòa. Hàm lượng thịt nạc nhiều quá thì lạp xưởng sẽ khô xác, mất đi vị mềm dẻo của lạp xưởng tươi.
“Ngày xưa, khâu khó nhất là phải bằm thịt cho nhuyễn và nhồi thịt vào ruột thật khéo để không bị “bể ruột”. Ngày nay, lạp xưởng hầu như được làm quanh năm để sử dụng và phục vụ nhu cầu người tiêu dùng, những khâu thủ công được giảm bớt, thay thế bằng máy móc để xay và nhồi thịt nên nhanh hơn, năng suất cao hơn và đặc biệt là bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm”, Phượng kể với tôi lẫn trong lời giới thiệu các công đoạn.
Phân đoạn lạp xưởng tưởng chừng là khâu này nghe như đơn giản nhưng sẽ quyết định mỹ quan của chiếc lạp xưởng. Người ta nói ăn ngon không chỉ ở vị mà còn thưởng thức bằng cả thị giác. Hiểu điều này, Phượng tỉ mỉ chăm chút phân đoạn từng chiếc, bảo đảm độ đồng đều và đẹp mắt cho sản phẩm. Vì vậy, khách hàng khi mang tặng biếu cũng cảm thấy mát lòng mát dạ.
Sấy là quá trình mất nhiều thời gian và công sức nhất. Nếu sấy quá lửa sản phẩm sẽ bị cháy bên ngoài, sống bên trong. Còn sấy ít lửa thì lạp xưởng còn rất tươi, không bảo đảm đủ yêu cầu diệt trừ các vi sinh vật và không bảo quản được lâu. Vì vậy, trong suốt quá trình sấy ấy, người thợ phải liên tục “thăm nom”, lật trở sản phẩm bất kể ngày hay đêm...
Với Phượng, điều may mắn nhất của em là có chồng làm nghề điện lạnh, sau thời gian hiểu nghề, trải qua các công sấy thủ công anh đã thiết kế cả lò sấy ngang và sấy dọc để sấy lạp xưởng gần với cách sấy truyền thống, đượm dần dần đi sâu vào trong từng chiếc lạp xưởng tươi, đẩy lượng mỡ thừa ra bên ngoài, giúp sản phẩm khô từ từ và đạt được độ chín cần thiết. Nói thương hiệu lạp xưởng Cô Giáo Phượng hình thành từ những yêu thương cũng chính là vậy!
Hành trình 5 năm với nghề, điều mà cô giáo Phượng tâm đắc nhất là em vẫn giữ được lửa yêu thương, trách nhiệm. Em chỉ canh cánh bên lòng nỗi lo làm sao giữ được chất lượng, làm sao đủ được nguồn thịt sạch để mở rộng sản xuất. Phượng cho biết em đang kết nối với trang trại chăn nuôi sạch ở Long Nguyên để tìm kiếm thêm nguồn cung bảo đảm nguyên liệu cho việc tăng năng suất. Điều em luôn cảm thấy hạnh phúc là nhận được sự hỗ trợ, thương yêu và tin tưởng của mọi người để chắp cánh những tâm huyết. Tôi tin Phượng nói thật! |
TIỂU MY