Dĩ An đón đầu đô thị hóa

Cập nhật: 27-12-2010 | 00:00:00

Sau thời gian đẩy mạnh công nghiệp hóa, bộ mặt kinh tế - xã hội của huyện Dĩ An đã có nhiều thay đổi, cái đích trở thành đô thị loại 4 đã hiện thực hóa. Tuy nhiên, với tốc độ công nghiệp hóa mạnh mẽ, lại là vùng giáp ranh với TP.HCM, Dĩ An còn có những cơ hội đón đầu phát triển đô thị nhờ yếu tố phát triển vùng.

  Đô thị hóa tại Dĩ An đang diễn ra từng ngày Trong năm 2010, kinh tế của Dĩ An đạt được những thành công khích lệ. Giá trị sản xuất công nghiệp ước thực hiện gần 32.000 tỷ đồng, đạt trên 100% kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng của công nghiệp được duy trì ở mức 16%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 8.087 tỷ đồng, tăng trưởng 34,86%. Tổng thu mới ngân sách đạt 1.766 tỷ đồng. Trong năm 2010, Dĩ An cũng đã đưa vào sử dụng 11 công trình xây dựng cơ bản (XDCB), chuẩn bị hoàn thành 6 công trình và khởi công xây dựng 18 công trình XDCB khác. Ước hết năm 2010, vốn XDCB thanh toán cho các công trình sẽ đạt gần 300 tỷ đồng. Ông Đặng Minh Hưng, Chủ tịch UBND huyện Dĩ An nhìn nhận, kết thúc năm 2010, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Dĩ An đều thực hiện đạt và vượt kế hoạch. Sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ duy trì mức tăng trưởng cao; thu chi ngân sách vượt chỉ tiêu... Trong năm 2011, Dĩ An đặt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp tăng 17%, thương mại, dịch vụ tăng 35%, chi đầu tư XDCB 340,2 tỷ đồng... Qua đó, tạo ra một tiền đề vững chắc cho việc đẩy mạnh đô thị hóa của Dĩ An trong thời gian tới.

Cái đích đô thị loại 4 của Dĩ An có thể nói đã trở thành hiện thực trong năm 2010. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là cái đích được đặt ra trong ngắn hạn. Thực tế, quá trình công nghiệp hóa vẫn đang diễn ra mạnh mẽ trên địa bàn huyện sẽ tiếp tục tạo đà cho bộ mặt đô thị phát triển theo hướng hiện đại, văn minh. Trong chuyến làm việc với UBND huyện Dĩ An, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Thanh Cung cho rằng, Dĩ An cần phải tập trung vào những vấn đề lớn để phát triển theo hướng đô thị như đầu tư vào hạ tầng, cấp thoát nước... Quan trọng hơn, theo ông Cung, Dĩ An nằm tiếp giáp với TP.HCM, một địa phương có tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ, do đó cần có những bước đi tắt, đón đầu để tận dụng hết lợi thế của yếu tố phát triển vùng.

Theo Chủ tịch UBND huyện Dĩ An Đặng Minh Hưng, trong năm 2011, Dĩ An sẽ tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ bản, giao thông và chỉnh trang đô thị, đẩy mạnh thực hiện dự án đại học quốc gia và khu tái định cư; đường dẫn 2 nhịp cầu Đồng Nai, tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn... Cũng theo ông Hưng, trong thời gian tới, huyện cũng sẽ tiến hành lập báo cáo đầu tư xây dựng tuyến đại lộ Đông Tây. Đại lộ này có mặt cắt ngang toàn huyện Dĩ An và sẽ tạo ra một hành lang mới cho đô thị Dĩ An tiếp tục đột phá. Phó Giám đốc Sở Xây dựng Huỳnh Văn Minh cũng cho rằng nếu không xây dựng tuyến đại lộ này, Dĩ An sẽ rất khó phát triển đô thị cao hơn nữa.

Ngoài ra, hiện nay TP.HCM đang phát triển hệ thống giao thông Metro nội ô, có điểm kết thúc tại khu vực Suối Tiên. Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Huỳnh Văn Minh, Dĩ An cần đi tắt, đón đầu bằng việc quy hoạch 1 ga metro ở khu vực Dĩ An. “Có thể chúng ta chưa bàn đến việc xây dựng ngay nhưng cần thiết đưa vào trong quy hoạch để tới đây Bình Dương trình ra Bộ Xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị của Bình Dương...”, ông Minh nói.

ĐÀM THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=537
Quay lên trên