Dạo quanh các chợ vùng nông thôn thời điểm này chúng tôi cảm nhận được không khí rộn ràng, nhộn nhịp hơn so với những ngày thường. Tại các chợ hàng hóa khá phong phú, đa dạng được bố trí ngăn nắp, trật tự để giúp người tiêu dùng dễ dàng tham quan, mua sắm.
Dịp cuối năm các chợ vùng nông thôn đa dạng hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm tăng cao. Trong ảnh: Khách hàng tham quan, mua sắm tại chợ Lạc An (xã Lạc An, huyện Bắc Tân Uyên)
Đa dạng hàng hóa
Với lợi thế nằm ở trung tâm của huyện, chợ Phước Vĩnh (thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo) có sức mua sắm cao hơn so với các chợ nông thôn khác trên địa bàn, nhất là vào dịp tết. Hiện chợ Phước Vĩnh có 57 tiểu thương kinh doanh chủ yếu các mặt hàng quần áo may sẵn, mỹ phẩm, giày dép, vải và tạp hóa...
Chị Lê Thị Bảy, tiểu thương buôn bán giày dép, cho biết: “So với những năm về trước, 2 năm nay chợ buôn bán có phần trầm lắng hơn, sức mua giảm nhiều do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tình hình kinh tế khó khăn. Năm nay công nhân lại nghỉ sớm nên hầu hết tiểu thương trong chợ nhập hàng số lượng vừa phải. Giá cả mặt hàng giày dép phục vụ thị trường tết không cao so với ngày thường, hy vọng từ nay đến tết sức mua khá hơn”.
Không khí tại các chợ huyện Bắc Tân Uyên trong những ngày đầu năm 2023 cũng sinh động không kém. Tại chợ Tân Thành (thị trấn Tân Thành), các sạp hàng được bố trí khá ngăn nắp, lối đi lại thoáng mát, rộng rãi. Chị Nguyễn Thị Đúng, chủ cửa hàng tạp hóa, cho biết: “Là chợ dân sinh nên nhịp độ buôn bán tại chợ diễn ra đều đặn. Vào các dịp lễ tết có đông đúc hơn. Các mặt hàng tết năm nay được các đơn vị cung cấp đến chào hàng sớm. Cửa hàng cũng đã nhập số lượng nhất định để phục vụ bà con, từ nay đến tết nếu lượng khách hàng đông hơn chúng tôi sẽ nhập tiếp”. Anh Nguyễn Văn Hoàng, buôn bán quần áo tại chợ Đất Cuốc (xã Đất Cuốc), chia sẻ: “Chợ gần khu công nghiệp nên đối tượng khách hàng phần lớn là công nhân, tôi cũng chỉ nhập một số mẫu mới, hàng bình dân phù hợp với túi tiền người tiêu dùng”.
Đến chợ Lạc An (xã Lạc An), chúng tôi lại bắt gặp hình ảnh những người già xách giỏ nhựa trên tay ghé vào các gian hàng mua rau, thịt. Kế đó là hình ảnh cụ già ngồi nép vào một góc chợ bán các mặt hàng rổ rá mây tre đan, những bà mẹ tay dắt theo con nhỏ rảo quanh các gian hàng... Tiếng của người mua, kẻ bán, chuyện trò râm ran khắp chợ. Hình ảnh chợ tết quê thực sự xao xuyến lòng người.
Giá cả bình ổn
Dip cuối năm, tiểu thương các chợ chuẩn bị đa dạng các mặt hàng với giá cả bình ổn, không có tình trạng găm hàng, nâng giá. Các cơ quan chức năng tại các địa phương cũng tập trung công tác dự trữ hàng hóa, phối hợp với ban quản lý chợ thường xuyên kiểm tra giám sát chất lượng hàng hóa, an ninh trật tự để người dân yên tâm mua sắm.
Chị Đinh Thị Kim Dung, chủ cửa hàng tạp hóa tại chợ Lạc An, chia sẻ: “Tôi buôn bán tại chợ này đã hơn 10 năm, 2 năm nay là trầm lắng. Dù bối cảnh nào thì cửa hàng luôn bảo đảm giá cả bình ổn, không có tình trạng nâng giá cao dịp tết”.
Chị Nguyễn Ngọc Thu, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Giáo cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 6 chợ đang hoạt động. Hàng hóa thiết yếu dự trữ tại chợ trọng điểm để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn gồm lương thực, thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống khoảng 11,4 tỷ đồng. Các nhóm hàng thiết yếu, các nhóm hàng có nhu cầu cao trong thời điểm tết, như: Mứt, bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát... luôn bảo đảm giá cả bình ổn.
TIẾN HẠNH