Di dời các hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao sông đồng nai: Cần giải quyết dứt điểm

Cập nhật: 11-05-2010 | 00:00:00

Trong những năm qua công tác rà soát, đánh giá và di dời các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao sông Đồng Nai đoạn chảy qua địa bàn huyện Tân Uyên đã được các cấp, các ngành thực hiện liên tục. Tuy nhiên cho đến nay công tác này vẫn còn rất khó khăn do sự bất hợp tác của một số hộ dân.

Vào mùa mưa càng phức tạp

 

Làm kè chống sạt lở tại thị trấn Uyên Hưng

Trên địa bàn huyện Tân Uyên hiện nay tình hình sạt lở tập trung xuất hiện tại một số địa bàn là thị trấn Uyên Hưng, xã Tân Mỹ, Lạc An, Thạnh Hội và Khánh Bình. Tình hình này sẽ phức tạp hơn khi bước vào mùa mưa bão. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở của bờ sông Đồng Nai đoạn qua huyện Tân Uyên. Trong đó có cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan như tác động của dòng chảy tự nhiên; một phần là do khai thác cát dưới lòng sông và mưa lũ gây ra. Tình hình sạt lở bờ sông trên địa bàn huyện Tân Uyên bắt đầu xuất hiện vào năm 2000 và mức độ sạt lở mạnh nhất tập trung trong 2 năm 2003-2005. Trong năm 2005, UBND tỉnh đã cấm khai thác cát trên sông Đồng Nai nhưng cho đến nay, theo khảo sát của UBND huyện Tân Uyên, tình hình khai thác cát lậu vẫn diễn ra lén lút với những cách thức mới phức tạp hơn. Một cán bộ của Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Tân Uyên cho biết: “Rất khó để cho chúng tôi kiểm soát triệt để tình hình khai thác cát lậu trên sông Đồng Nai. Mức độ khai thác của bọn chúng ngày càng tinh vi và do đoạn sông trên địa bàn giáp ranh với tỉnh Đồng Nai nên khi bị phát hiện những tàu khai thác cát lậu lại rút về phần sông thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai”.

Cần giải quyết dứt điểm

Trong thời gian qua, Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão huyện và UBND các xã liên tục tổ chức vận động các hộ dân thực hiện di dời đến nơi ở an toàn. Trong năm 2009, huyện Tân Uyên đã tiếp tục di dời được 6 hộ dân, nâng tổng số hộ di dời đến nay là 62/69 hộ. Với con số trên đã cho thấy rõ cố gắng của các cấp, các ngành trên địa bàn huyện Tân Uyên. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện nay vẫn còn 7 hộ chưa di dời mà nguyên nhân là do họ tự xây dựng kè chống sạt lở (3 hộ); là nơi kinh doanh buôn bán (1 hộ) và đang thực hiện xây dựng nhà tại nơi ở mới (3 hộ). UBND huyện Tân Uyên cũng đã có nhiều biện pháp để hỗ trợ người dân di dời ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao như kinh phí di dời, bố trí khu tái định cư và hỗ trợ về vật liệu xây dựng nhà cửa. Thực tế cho thấy công tác tái định cư cho người dân di dời ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao đã có kết quả tích cực. Hầu hết các hộ dân trong các khu tái định cư đều đã ổn định cuộc sống. Bà Nguyễn Thị Ba, một trong những hộ được bố trí tái định cư ở thị trấn Uyên Hưng cho biết: “Trước kia khi sống trong nơi ở cũ tôi cũng biết được những nguy hiểm của sạt lở nhưng gia đình quá khó khăn không có tiền mua đất để di dời. Khi được vận động di dời tôi chấp hành ngay và hiện nay tôi rất an tâm vui sống tuổi già trong khu tái định cư này”.

Thiên tai diễn biến phức tạp, bất ngờ và hậu quả của nó thường rất nghiêm trọng, khó lường. Với những hộ dân không chịu di dời cần có ý thức hơn về những nguy hiểm mà thiên tai mang đến. Việc hợp tác với chính quyền trong việc di dời vừa thể hiện thái độ chấp hành các chủ trương của Nhà nước, vừa là để tự bảo vệ an toàn tính mạng cho chính gia đình mình. Bên cạnh việc tiếp tục tuyên truyền vận động, các cấp, các ngành huyện Tân Uyên cần có các biện pháp để giải quyết dứt điểm tình trạng bất hợp tác của một số hộ dân còn lại.

CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên