Di dời cơ sở ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư, đô thị: Tiến độ còn chậm

Cập nhật: 22-03-2012 | 00:00:00

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường (ONMT) ra khỏi các khu dân cư, đô thị trong đợt 1 thì tiến độ còn chậm. Mặc dù các cơ sở đều ủng hộ chủ trương di dời, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện còn gặp một số khó khăn nhất định...

Tiến độ chậm!

Theo Quyết định 1546/QĐ-UBND ngày 26-5-2011 về việc ban hành danh sách các cơ sở sản xuất gây ONMT phải di dời ra khỏi khu dân cư, đô thị giai đoạn 1 có tới 16 cơ sở. Hạn định cho các cơ sở này phải hoàn thành trước ngày 31-12-2012, nếu các cơ sở không hoàn tất di dời theo quy định sẽ không được hưởng các chính sách hỗ trợ của tỉnh và sẽ bị cưỡng chế.

 Công ty Cổ phần Giấy An Bình đang có kế hoạch di dời về Bà Rịa - Vũng Tàu

Tuy nhiên, tính đến nay chỉ mới có 1 cơ sở hoàn thành việc di dời đến địa điểm sản xuất mới là Phân xưởng Sản xuất Mỹ Hảo của Công ty TNHH Phương Hạnh (TX.TDM). Song, địa điểm di dời đến là thị trấn Tân Phước Khánh (Tân Uyên) mà không phải là khu cụm công nghiệp như định hướng của chương trình di dời. Ngoài ra, còn có 1 cơ sở đã ngưng hoạt động sản xuất và đang tiến hành các thủ tục để chấm dứt hoạt động là Công ty TNHH Kim Sơn (TX.Dĩ An). 1 cơ sở nữa cũng đã xây dựng xong phương án di dời và dự kiến hoàn thành trước thời hạn theo quy định là chi nhánh doanh nghiệp tư nhân chế biến gỗ Hồng Tín (TX.Dĩ An). Địa điểm di dời dự kiến là thị trấn Thái Hòa (Tân Uyên) chứ cũng không phải là khu, cụm công nghiệp. Công ty TNHH Thương mại may in xây dựng Việt Lee (TX.Dĩ An) cũng đã xây dựng phương án di dời nhưng địa điểm di dời không phù hợp về mặt bảo đảm môi trường nên đã không được chấp thuận.

Trong các cơ sở đã và đang xây dựng kế hoạch di dời chỉ có 3 đơn vị dự kiến địa điểm di dời vào các Khu công nghiệp Nam Tân Uyên và Mỹ Phước 2 là Công ty TNHH Quỳnh Ngọc, Công ty TNHH Hòa Phát và Công ty TNHH TMT (đều ở TX.Dĩ An). Còn 1 công ty thì lại có kế hoạch di dời đến tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là Công ty Cổ phần Giấy An Bình. 8/16 cơ sở còn lại trong danh sách phải di dời hiện nay vẫn “án binh bất động” và đang tiếp tục hoạt động bình thường tại địa điểm cũ.

Vướng mắc ở đâu?

Theo ông Phạm Danh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, tiến độ triển khai việc di dời của các cơ sở gây ONMT là rất chậm. Nguyên nhân do có sự phối hợp chưa đồng bộ giữa các ngành, cấp liên quan, chế tài còn thiếu và yếu và cần thiết phải bổ sung thêm tiêu chí di dời cho hợp lý hơn.

Còn theo nhận xét của ngành chức năng thì những nguyên nhân gây khó khăn cho việc di dời là các cơ sở nằm trong danh sách phải di dời chủ yếu có quy mô sản xuất nhỏ, không huy động được nguồn vốn đầu tư trong thời gian ngắn để tái đầu tư ở địa điểm mới; đa số các cơ sở đều có hợp đồng thuê đất lâu dài và đã đầu tư kiên cố nên rất khó thu hồi vốn để tái đầu tư; một số cũng có các đơn hàng xuất khẩu dài hạn do đã ký với các đối tác trước đây nên không thể đơn phương chấm dứt. Một số cơ sở khác thì cho rằng rất khó tuyển dụng lao động mới khi di dời đến các khu cụm công nghiệp ở phía Bắc của tỉnh. Bên cạnh đó, các khu cụm công nghiệp trên địa bàn đều cho thuê đất với diện tích lớn, trong khi các cơ sở này chỉ có nhu cầu diện tích nhỏ, vì thế mà cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận quỹ đất. Hơn nữa, giá cho thuê đất của các khu cụm công nghiệp quá cao, vượt quá khả năng tài chính của họ. Đó là chưa nói đến việc các cụm công nghiệp dành để tiếp nhận cơ sở di dời hiện chưa được triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Nam, để việc di dời đạt hiệu quả cao, ngành chức năng cần tiếp tục tuyên truyền và có nhiều phương án thực hiện di dời, hướng doanh nghiệp theo diện di dời tập trung vào khu cụm công nghiệp. Về các tiêu chỉ đánh giá doanh nghiệp thuộc diện gây ô nhiễm, cần sửa đổi các tiêu chí cho phù hợp với thực tiễn, bảo đảm đẩy nhanh tiến độ di dời. Đồng thời, xem lại dự thảo quy định trình tự, thủ tục và hồ sơ để xem xét hỗ trợ cho các cơ sở thực hiện di dời. Thủ tục gì cần thiết, bắt buộc thì mới yêu cầu doanh nghiệp làm, hạn chế thủ tục hành chính để “hành” doanh nghiệp. Phải thực hiện quyết liệt, có chế tài xử phạt đối với những đơn vị cố tình không chấp hành.

K.TÂN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=435
Quay lên trên