Do môi trường sống bị thu hẹp, thức ăn khan hiếm nên một số cá thể khỉ trên núi Châu Thới (phường Bình An, TP.Dĩ An) đã xuống khu dân cư kiếm ăn rồi tấn công người dân gây thương tích khi bị xua đuổi. Trước tình trạng trên, ngành chức năng đã xây dựng và triển khai phương án di dời đàn khỉ trên núi Châu Thới đến môi trường sống thích hợp để bảo đảm an toàn cho người dân, du khách đến chùa.
Lực lượng chức năng thả cá thể khỉ trên núi Châu Thới về môi trường sống thích hợp
Môi trường sống bị thu hẹp
Quần thể núi Châu Thới ở Bình Dương được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1989. Không chỉ có cảnh quan đẹp, núi Châu Thới còn cuốn hút du khách bởi đàn khỉ sống lâu năm thường ăn đồ cúng lễ của khách thập phương. Qua khảo sát, cơ quan chức năng xác định trên núi Châu Thới có khoảng 50 cá thể, gồm khỉ đuôi dài (Macaca Fasciculari) và khỉ đuôi lợn (Macaca Leonina). Đây là đàn khỉ được phóng sinh và gia tăng số lượng cá thể sau thời gian sinh sản tự nhiên.
Trong những năm gần đây, quá trình đô thị hóa đã khiến môi trường sống của đàn khỉ bị thu hẹp, nguồn thức ăn trở nên khan hiếm, trong khi thức ăn chủ yếu của chúng là hoa quả của du khách đến viếng chùa. Do đó, một số cá thể khi đã “hạ sơn” tìm đến khu vực nhà dân dưới chân núi để kiếm ăn. Bị xua đuổi, một số cá thể khỉ còn tấn công gây thương tích cho người dân. Thậm chí, một số khỉ vào nhà dân tìm kiếm thức ăn bị chủ nhà đánh đuổi thì phục kích trả thù. Bên cạnh đó, do du khách đến viếng chùa cho khỉ ăn rồi chọc ghẹo dẫn đến bị cắn, giật đồ dùng cá nhân như điện thoại, túi xách, nước uống…
Trước đây, báo Bình Dương đã có bài viết phản ánh một số người dân, du khách tham quan chùa Châu Thới bị khỉ tấn công gây thương tích. Trước tình trạng trên, chính quyền địa phương đã kiến nghị cơ quan chức năng cần sớm di dời đàn khỉ đến môi trường sống thích hợp để bảo đảm an toàn cho người dân, du khách.
Di dời đến khu vực thích hợp
Để bảo đảm an toàn cho du khách, người dân sống, làm việc tại khu vực núi Châu Thới, UBND tỉnh đã ban hành quyết định tổ chức di dời đàn khỉ trong thời gian từ năm 2020 đến năm 2021. Trước khi triển khai phương án, cơ quan chức năng đã tiến hành khảo sát các vị trí khỉ thường xuyên xuất hiện để lên kế hoạch dẫn dụ và đặt bẫy. Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng liên hệ các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên là những khu vực có môi trường tự nhiên phù hợp với sinh cảnh, phân bố tự nhiên của loài khỉ để xin ý kiến về việc tiếp nhận đàn khỉ núi Châu Thới. Qua đó các vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát (tỉnh Tây Ninh); khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai; vườn quốc gia Tà Đùng (tỉnh Đắk Nông) đã đồng ý tiếp nhận, tái thả các cá thể khỉ núi Châu Thới về môi trường tự nhiên.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn tiến hành vây bắt đàn khỉ bằng cách dẫn dụ thức ăn kết hợp thổi thuốc mê, đặt bẫy. Theo bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trong 2 đợt đầu, việc triển khai tổ chức bắt đàn khỉ diễn ra thuận lợi, mỗi đợt di dời được 6 cá thể. Từ đợt thứ 3 trở đi, công tác bắt khỉ trở nên khó khăn hơn vì chúng là loài linh trưởng tinh khôn, có khả năng nhận biết được người tham gia bắt. Khi thấy lực lượng chức năng, khỉ đầu đàn liền báo động cho đồng loại lẩn trốn trong các ngóc ngách núi Châu Thới cho đến khi cảm thấy an toàn thì mới xuất hiện.
Rút kinh nghiệm từ các đợt trước, lực lượng tham gia bắt khỉ mặc thường phục, vào vai khách tham quan, viếng chùa để mật phục bắt khỉ nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc dẫn dụ, đặt bẫy khỉ. Do đó trong mỗi đợt bắt tiếp theo chỉ bắt được từ 1 đến 2 cá thể khỉ. Hoạt động vây bắt đàn khỉ được thực hiện dưới sự giám sát của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, bảo đảm an toàn cho người dân và đàn khỉ. Kết quả sau 2 năm thực hiện, lực lượng chức năng đã bắt được 20 cá thể khỉ, trong đó có 18 cá thể khỏe mạnh được thả về môi trường tự nhiên tại Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, riêng 2 cá thể bị chết trong lúc bẫy bắt đã được tiêu hủy theo quy định.
Trên núi Châu Thới có khoảng 50 cá thể, gồm khỉ đuôi dài (Macaca Fasciculari) và khỉ đuôi lợn (Macaca Leonina). Theo Nghị định số 06/NĐ-CP ngày 22-1-2019 của Chính phủ quy định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, hai loài khỉ trên là loài động vật hoang dã quý hiếm, nguy cấp thuộc nhóm IIB - Nhóm hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại (phụ lục 2 của Công ước CITES). Phương án di dời đàn khỉ núi Châu Thới được triển khai và thực hiện từ năm 2020 đến nay đã kết thúc với số lượng cá thể được bẫy bắt, di dời là 20 cá thể, trong đó có 18 cá thể khỏe mạnh đã được thả về môi trường số tự nhiên. “Mặc dù cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp nhưng do yếu tố khách quan nên chưa di dời hết đàn khỉ như mong muốn. Hiện tại trên chùa Châu Thới vẫn còn nhiều cá thể khỉ đang lẩn trốn. Do đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh kiến nghị công tác bắt và di dời đàn khỉ trên núi Châu Thới chuyển thành nhiệm vụ thường xuyên hàng năm của đơn vị. Các cơ quan chức năng cùng chính quyền địa phương và chùa Châu Thới cần tiếp tục tuyên truyền, vận động khách hành hương, người dân không chọc phá đàn khỉ, không phóng sinh động vật hoang dã, nhất là khỉ trong khu vực núi Châu Thới nhằm tạo sự bình yên cho nơi tôn nghiêm”, đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết thêm. |
NGUYỄN HẬU