Di dời doanh nghiệp phía nam lên phía bắc tỉnh: Hóa giải lo lắng, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

Cập nhật: 17-05-2024 | 08:00:19

 Tinh thần chỉ đạo của tỉnh là việc di dời bảo đảm sự đồng thuận, hài hòa lợi ích giữa người lao động, doanh nghiệp (DN) và Nhà nước, đồng thời tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật hiện hành. Quá trình này bao gồm khảo sát, đánh giá hiện trạng, tổ chức hội thảo, hội nghị để bảo đảm tính khả thi và đồng thuận cao, tái thiết đô thị, phát triển bền vững.

 

Ông Nguyễn Thanh Toàn thông tin với cộng đồng DN và phóng viên báo chí những nội dung cập nhật về xây dựng chính sách hỗ trợ, lộ trình di dời, chuyển đổi công năng

 Hài hòa lợi ích

Trong buổi gặp gỡ mới đây, đại diện nhiều hiệp hội ngành hàng bày tỏ lo lắng về thời gian di dời, chính sách đền bù, việc di dời DN phải ngưng sản xuất, đứt nguồn hàng. Đối với đất đai thuộc sở hữu của các DN nếu buộc phải chuyển đổi qua thương mại dịch vụ mà không có quy hoạch cụ thể sẽ trùng lắp, dư thừa nguồn lực…

Theo ông Nguyễn Phi Hùng, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), di dời các DN phía Nam lên phía Bắc tỉnh là chủ trương chung nên các DN trong diện di dời vẫn nỗ lực thực hiện. “Việc di dời cần có lộ trình để DN ổn định nơi sản xuất mới, dịch chuyển dần nhà máy theo hướng hoàn thiện máy móc, nhân lực… Nếu di dời một lần, với nguồn lực không đủ lớn, DN sẽ gặp khó khăn”.

Bà Trương Thúy Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày tỉnh cho rằng cần cho DN biết công khai quy hoạch để có hướng chuyển đổi sản xuất phù hợp, tránh việc chồng chéo quy hoạch gây ảnh hưởng cho DN khi tái sử dụng nguồn lực đất đai của mình. Các chính sách hỗ trợ di dời cần được triển khai trên cơ sở nguyện vọng của DN.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, cho biết hiện các sở, ngành đang tham mưu UBND tỉnh xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ DN di dời, chuyển đổi công năng. Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo chính sách hỗ trợ DN, người lao động sẽ được xây dựng cụ thể, rõ đối tượng, nội dung thụ hưởng, linh hoạt, sát tình hình thực tế để bảo đảm sự đồng thuận, phục vụ hài hòa lợi ích người lao động, DN và Nhà nước. Theo đó, sẽ có lộ trình đánh giá, di dời dành cho DN trên cơ sở bảo đảm sản xuất, kinh doanh của DN, bảo đảm kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

 Theo đề án được phê duyệt tại Quyết định số 3210 ngày 31-10- 2019 của UBND tỉnh, số lượng DN phải di dời, chuyển đổi công năng là 2.900 DN. Tuy nhiên, những năm qua đã có nhiều nhà máy, xí nghiệp tự chuyển đổi công năng, di dời và đổi mới công nghệ. Do đó, con số này không còn chính xác. Các sở ngành sẽ đánh giá lại một cách chi tiết, cụ thể, phù hợp với tình hình hiện nay.


 Ông Nguyễn Phi Hùng, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương trình bày nguyện vọng tại buổi gặp gỡ lãnh đạo ngành công thương xung quanh việc thực hiện chủ trương di dời DN của tỉnh

Chuẩn bị nguồn lực

Về việc sử dụng mặt bằng các DN đã di dời, lãnh đạo Sở Công thương cho biết tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ DN chuyển đổi công năng, chuyển đổi mục đích sử dụng mặt bằng, nhà xưởng, sử dụng đất tại vị trí cũ phù hợp với quy hoạch tỉnh. Cuối tháng 6-2024, Bình Dương sẽ có sơ đồ quy hoạch chính thức, cụ thể từng phân khu, sẽ công khai minh bạch.

“Không phải tất cả các DN nằm trong đô thị phía Nam đều nằm trong diện di dời. Theo định hướng của tỉnh, trong đô thị vẫn có khu vực dành cho sản xuất công nghiệp phù hợp. Các DN được phép hoạt động sản xuất công nghiệp bảo đảm yêu cầu về quy hoạch phát triển của tỉnh, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về môi trường, phòng cháy chữa cháy…”, ông Nguyễn Thanh Toàn trả lời rõ về định hướng của tỉnh.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương: “Khu vực phía Nam của tỉnh sẽ không cấp phép mới cho DN hoạt động. Đối với DN đang hoạt động sẽ được tiếp tục gia hạn 5 năm để có thời gian chuẩn bị trước khi di dời”.

Để phục vụ việc di dời, tỉnh đã quy hoạch 8 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích khoảng 5.842 ha và 25 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích khoảng 1.743 ha tại các huyện Bàu Bàng, Dầu tiếng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên.

Ông Nguyễn Thanh Toàn cho hay trong các kỳ họp HĐND tỉnh, các chính sách hỗ trợ DN sẽ được trình xin ý kiến chủ trương chính sách nào ưu tiên thực hiện trước. “Tỉnh sẽ triển khai 12 chính sách hỗ trợ cụ thể cho DN và người lao động, bao gồm các chính sách hỗ trợ chuyển đổi mục đích sử dụng đất, hỗ trợ chi phí, vay ưu đãi, hỗ trợ đào tạo nghề và hỗ trợ trong thời gian ngừng việc. Việc thực hiện di dời sẽ được bắt đầu bằng các dự án thí điểm, trong đó DN tự nguyện đăng ký sẽ được ưu tiên. Sau khi tổng kết, đánh giá kết quả thí điểm, tỉnh sẽ triển khai rộng rãi theo lộ trình đã đề ra”, ông Toàn thông tin cụ thể.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=531
Quay lên trên