Sáng 16-9, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tổ chức hội nghị tiếp xúc giữa lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp (DN) chịu tác động bởi đề án chuyển đổi công năng, di dời DN vào các khu, cụm công nghiệp (KCN, CCN). Chủ trì hội nghị, ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, đây là xu thế tất yếu, và mục đích cuối cùng của bất kỳ đề án nào của tỉnh cũng mong muốn bảo đảm lợi ích tối đa cho DN, cho nhân dân.
Với tinh thần trao đổi thẳng thắn, cởi mở, chủ trì hội nghị đã tiếp nhận nhiều ý kiến trực tiếp của doanh nghiệp. Ảnh: NGỌC THANH
Đúng lộ trình, phù hợp tiêu chí
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương đã thông tin đến các DN tình hình thực hiện đề án “Điều tra, đánh giá thực trạng hoạt động và đề xuất các cơ chế chính sách hỗ trợ các DN nằm ngoài KCN, CCN ở địa bàn phía nam chuyển đổi công năng, di dời vào các KCN, CCN tỉnh Bình Dương”. Theo đó, năm 2019, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án này với mục tiêu vận động các DN đang có các dự án sản xuất công nghiệp ngoài KCN, CCN ở địa bàn phía nam của tỉnh chuyển đổi công năng, di dời vào các KCN, CCN.
Theo đó, lộ trình thực hiện tại các địa bàn thị xã, thành phố như sau: TP.Thuận An từ tháng 1-2020 đến tháng 12-2028; TP.Dĩ An từ tháng 1-2024 đến tháng 6-2030; TP.Thủ Dầu Một từ tháng 1-2024 đến tháng 6-2030; TX.Tân Uyên từ tháng 1-2024 đến 12-2029; TX.Bến Cát từ tháng 1-2024 đến 12-2030.
Xác định tiêu chí đánh giá đối với cơ sở sản xuất phải di dời và DN, cơ sở sản xuất phải chuyển đổi công năng, bà Nguyễn Thanh Hà cho hay, sở dựa trên 4 tiêu chí, gồm: Công tác bảo vệ môi trường, phù hợp với các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã được phê duyệt và còn hiệu lực, ngành nghề sản xuất, ý thức chấp hành quy định của pháp luật. “Chúng tôi đã thông báo cho các DN đề án này từ rất lâu và mỗi lần tiếp xúc các hiệp hội, các DN chúng tôi đều thông báo cụ thể, rõ ràng. Xác định đề án phải có lộ trình, đưa ra các tiêu chí phù hợp, để DN sớm có phương án cụ thể để di dời hoặc chuyển đổi công năng phù hợp với quy hoạch, định hướng đầu tư phát triển của tỉnh”, bà Hà nói.
Bảo đảm lợi ích tối đa cho DN
Với tinh thần trao đổi thẳng thắn, cởi mở, chủ trì hội nghị đã tiếp nhận nhiều ý kiến trực tiếp của DN. Đa số các DN đều cho rằng, DN nào cũng muốn được ổn định để duy trì sản xuất, kinh doanh vì mỗi lần thay đổi, DN phải gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc về: Kinh phí, đất đai, vị trí địa lý, nguồn lao động, khách hàng, đối tác... Tuy nhiên, đây là chủ trương lớn của tỉnh, là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển nên DN phải thực hiện. Các DN mong UBND tỉnh và các sở, ban ngành sẽ thông cảm, hỗ trợ và làm từng bước một; có lộ trình cụ thể để các DN có sự chuẩn bị kỹ lưỡng khi di dời hoặc chuyển đổi công năng.
Đại diện doanh nghiệp phát biểu ý kiến tại hội nghị
Bà Trương Thúy Liên, Tổng Giám đốc Công ty Liên Anh (TP.Dĩ An) đề nghị Sở Công thương cần sớm công bố những DN nào, cụ thể từng DN nằm địa bàn nào cần di dời? DN nào cần chuyển đổi công năng? DN nào được ở lại?... để DN định hướng và lên kế hoạch để chuẩn bị. Việc chuyển đổi, di dời cần có lộ trình cụ thể và chính sách hỗ trợ DN phù hợp để không ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của DN cũng như việc làm của người lao động.
Trong khi đó, ông Vương Siêu Tín, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương cũng chia sẻ ngành gốm sứ đòi hỏi người lao động phải có tay nghề. Trong khi, với 300 năm hình thành và phát triển, lực lượng lao động truyền thống của ngành gốm tập trung ở TP.Thuận An. Nếu các DN gốm sứ di dời lên các KCN, CCN phía bắc, chắc chắn sẽ không tuyển dụng được lao động. Nếu muốn người lao động cùng dịch chuyển theo thì DN phải xây dựng các khu dân cư, khu nhà ở; muốn có khu dân cư thì phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Vậy tỉnh cần phải cho DN biết cụ thể tỉnh có giao đất hay cho DN thuê không? Thuê như thế nào? Bao nhiêu năm?...
Sau khi nghe tất cả các ý kiến của DN, ông Nguyễn Văn Dành đã chia sẻ, cảm thông với những khó khăn mà các DN đang phải đối mặt. Tỉnh Bình Dương thời gian qua đã có sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, tiên phong thực hiện nhiều chương trình đột phá, nhiều đề án quan trọng… là nhờ những đóng góp rất lớn của tất cả các DN và người lao động. Chính vì lẽ đó, quan tâm đến DN, nhà đầu tư và người lao động luôn được tỉnh đặt lên hàng đầu.
Ông Nguyễn Văn Dành nhấn mạnh, đây là đề án lớn, khó và hết sức quan trọng của tỉnh, đòi hỏi vừa có sự đồng thuận của DN, vừa hợp lòng dân, lại vừa đúng chủ trương đẩy mạnh thu hút đầu tư các ngành nghề dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ hỗ trợ phát triển công nghiệp, các ngành công nghiệp tạo ra giá trị sản phẩm lớn, thân thiện với môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, đất đai, giảm dần các ngành nghề thâm dụng lao động mà tỉnh đang quyết tâm thực hiện. Mục đích của đề án là di dời, chuyển đổi để DN phát triển mạnh và bền vững hơn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong rằng, các DN đồng tình, ủng hộ cho chủ trương của tỉnh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương trong thời gian tới.
Bình Dương hiện đang có số lượng DN phải thực hiện di dời vào các KCN, CCN rất lớn, chiếm 71% tổng số lượng các cơ sở sản xuất công nghiệp; chủ yếu tập trung ở TP.Thuận An, TP.Dĩ An, TX.Bến Cát và TX.Tân Uyên với các ngành nghề phổ biến là sản xuất sắt thép, cơ khí, hóa chất, da giày… Do đó, việc thực hiện chương trình vận động, hỗ trợ di dời, chuyển đổi công năng các DN sản xuất vào các KCN, CCN quy mô lớn không chỉ tránh gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn, cháy nổ trong khu dân cư mà còn góp phần thực hiện điều chỉnh quy hoạch và chỉnh trang đô thị của tỉnh theo hướng đô thị văn minh, thông minh, hiện đại. |
NGỌC THANH