“Đi học cái chữ để biết viết tên mình”
Thứ tư, ngày 26/05/2010
Các học viên tham gia lớp học nghiêm túc trong giờ học và chăm chú lắng nghe cô giáo giảng bài Với mục đích đem đến cho chị em phụ nữ đồng bào dân tộc cái chữ giúp chị em bớt khó khăn trong cuộc sống hàng ngày, đầu năm 2010, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Phú Giáo phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng xã An Bình, huyện Phú Giáo tổ chức lớp xóa mù chữ cho chị em đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) của xã. Lớp học không chỉ thu hút khá đông chị em phụ nữ ĐBDTTS theo học, mà cả chồng, con của các chị cũng cùng đến lớp thi đua học cái chữ...
Không biết viết tên mình xấu hổ lắm! Hàng đêm, tại điểm trường tiểu học ở ấp Nước Vàng lại nhộn nhịp hẳn bởi tiếng cười nói, tiếng đánh vần chữ cái, tiếng học bài ê a của các học viên ĐBDTTS ở xã An Bình, Phú Giáo. Có mặt tại lớp học vào một ngày cuối tháng 4, tiết trời oi ả nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được không khí hồ hởi trên từng gương mặt của các học viên nơi đây. Đưa bàn tay gân guốc, sạm đen, chai sần vì những vất vả gạt vội giọt mồ hôi còn đang lấm tấm trên khuôn mặt, cô Thạch Thị Men, ấp Tân Thịnh, xã An Bình, một học viên lớp xóa mù chữ khoe với chúng tôi: “Được đi học thích lắm, từ trước tới giờ mình có được đi học đâu, nay nhờ Đảng, chính quyền quan tâm cho đi học để biết cái chữ. Thích nhất là từ nay mình biết đọc, biết viết tên của mình, không biết viết tên mình xấu hổ lắm! Phải chi mình được đi học sớm hơn thì còn vui nữa”. Lặng đi hồi lâu, cô Thạch Thị Men tiếp: “Hồi đầu nghe các chị phụ nữ xã thông báo rồi vận động chị em đăng ký đi học lớp xóa mù chữ mình thấy ngại, bởi mình nghĩ lớn rồi học chắc gì đã vô. Từ nhỏ đến lớn mình đã biết đi học là như thế nào đâu, giờ đi học thấy mắc cỡ. Được các chị động viên, giải thích mình đăng ký tham gia lớp học, không ngờ đi học lại vui như thế này. Đi học rồi, mình mới thấy việc học rất có ích cho bản thân, mới đi học mấy bữa nhưng mình đã có thể đọc và viết được tên của mình rồi, thích lắm. Sau khi đi học được mấy bữa, mình liền về vận động các chị em khác và các cháu nhỏ, những người chưa biết đọc, biết viết đăng ký đi học. Mình thường nói với mọi người không phải để làm cán bộ thì mới đi học, mà mình đi học để biết đọc, biết viết cái tên của mình. Ngày trước mỗi lần viết hay đọc tên của mình, mình phải nhờ chồng giúp, nhưng bây giờ thì mình có thể tự đọc, tự viết lấy được rồi. Rồi đây mình có thể dạy cái chữ cho con, cho cháu mình để chúng nó không còn bị mù chữ như mình nữa”. Rủ nhau đi học cái chữ Nói về lớp học đặc biệt của mình, cô Nguyễn Ngọc Ẩn, giáo viên phụ trách lớp, cho biết: “Lúc đầu khi đảm nhận việc phụ trách và đứng lớp tôi cũng thấy rất lo, bởi đây là lần đầu tiên tôi phụ trách và giảng dạy một lớp học đặc biệt. Ngày đầu tiên đứng trước những học trò “đặc biệt” này tôi thấy lo lo, bởi không biết các cô, các chị tham gia lớp học có chịu khó chăm chỉ học không! Tuy nhiên, chỉ qua ngày đầu đứng lớp tôi thấy rất vui vì bản thân các học viên có ý thức rất cao trong việc học tập. Các bài tập được cô giáo giao về nhà học viên đều hoàn thành và trả bài rất tốt...”. Theo cô giáo Ẩn, chỉ qua một ngày đứng lớp cô đã tin tưởng vào sự thành công của lớp học. Lớp học ngày càng đông các học viên tham gia, có gia đình cả nhà cùng đưa nhau đến lớp, cảm động nhất là hình ảnh của đôi vợ chồng học viên cùng đưa theo một cháu nhỏ đi học, thi thoảng cháu quấy khóc, anh chị thay phiên dỗ dành cháu để người còn lại có thời gian học tập. Có gia đình vợ chồng phân công hôm nay chồng học, vợ ở nhà làm việc nhà, ngày mai chồng ở nhà để vợ đến lớp; ai được học thì về chỉ bài, đưa bài tập cô giáo giao cho người ở nhà làm để ngày mai lên trả bài cho cô giáo. Không chỉ các học viên lớn tuổi chăm chú lắng nghe cô giáo giảng bài, mà ngay cả những học viên là các thanh niên hay trẻ em khi vào giờ học cũng tập trung cao độ, nghiêm túc lắng nghe cô giáo giảng bài và làm bài tập. “Điều làm tôi bất ngờ là khả năng tiếp thu bài rất nhanh của các học viên. Chỉ mới học chưa được một tuần, nhưng các học viên đã nắm được các kiến thức cơ bản mà giáo viên truyền đạt cho. Có lẽ ý thức được những ích lợi của việc học cái chữ mà số lượng học viên của lớp do tôi phụ trách ngày càng đông; từ hơn 10 học viên của những ngày đầu khai giảng, đến nay số học viên theo học đã ổn định từ 36 đến 40 người”, cô giáo Ẩn nói. Với những thành công đó của lớp học, chúng tôi được biết hiện nay Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Phú Giáo đang tiếp tục tổ chức, vận động ĐBDTTS xã An Bình tham gia các lớp mù chữ nhằm mục tiêu giúp ĐBDTTS đang sống trên địa bàn xã biết đọc, biết viết. Sự thành công đó của lớp học cũng là một bài học giá trị đối với chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể đó là “phải biết người dân cần gì, để đem đến cho họ những gì họ cần, đừng đem đến cho họ những gì mình có”. HOÀI PHƯƠNG