Đi lên từ mô hình “Vẽ heo đất”

Cập nhật: 28-05-2016 | 11:01:23

Những năm trước đây, nghề vẽ heo đất ở phường Lái Thiêu, TX.Thuận An rất được ưa chuộng, nhiều gia đình nhờ đó mà trở nên khấm khá. Tuy nhiên, hai năm qua, heo đất bán không được giá nên nhiều gia đình làm heo đất ở Lái Thiêu đã chuyển cơ sở hoặc bỏ nghề. Không muốn nghề bị mai một, chàng thanh niên Trần Trương Long (sinh năm 1985), khu phố Hòa Long, phường Lái Thiêu đã mạnh dạn duy trì, đưa nghề vẽ heo đất của gia đình phát triển.

Từ mô hình “Vẽ heo đất tiết kiệm” của thanh niên Đoàn phường Lái Thiêu, anh Long đã bàn với gia đình tiếp tục vẽ heo đất, nhằm góp phần nhân rộng mô hình của Đoàn phường và phát triển kinh tế gia đình. Bởi trước đây những thành viên trong gia đình anh đều là thợ vẽ heo đất thuê, do đó, ai cũng có bàn tay khéo léo, là thợ vẽ heo đất nhanh, kỹ xảo. Ban đầu, gia đình anh chỉ nhận vẽ heo đất truyền thống nhưng qua khảo sát thị trường, gia đình anh nhận vẽ thêm “heo năm”, heo vàng, heo kiểu và heo handmade, bỏ mối cho tiểu thương. Anh Long cho biết: “Công đoạn làm heo cũng không hề phức tạp. Với heo truyền thống, quá trình làm trải qua 4 công đoạn. Trước tiên là đánh sơn, sơn xong đợi sơn khô, sơn khô thì vẽ họa tiết (hoa, lá, bông, mí mắt…). Công đoạn sau cùng là phun xi lên họa tiết. Riêng đối với heo vàng, heo kiểu và heo handmade thì trước công đoạn đánh sơn còn có một công đoạn nữa đó là “chà”. Qúa trình chà sẽ làm cho heo đất bóng mịn và trông bắt mắt hơn khi vẽ họa tiết, đó cũng là điểm để phân biệt chúng với heo đất truyền thống”.


Anh Trần Trương Long bày bán heo đất trong những buổi sinh hoạt của Đoàn phường để gây quỹ phục vụ cho các hoạt động phong trào.
Ảnh: T.THƯƠNG

Để bắt nhịp với thị trường, vào những tháng cuối năm, gia đình anh bắt tay vào vẽ “heo năm”. Ví như năm nay là năm Bính Thân thì heo năm có hình dáng… chú khỉ; năm tới là năm Dậu thì heo sẽ có hình dáng… con gà… Theo anh Long, hơn 97% người trẻ mua heo đất đã chọn mua heo đất kiểu handmade bởi rất đa dạng và phong phú về mẫu mã. Heo handmade có thể là một con heo đất mang dáng dấp con gấu trúc, con chó hay con mèo, cũng có những chú heo đất giống với những nhân vật trong phim hoạt hình như: Doremon, Mirion... đa dạng về kiểu dáng.

Vẽ heo đất không chỉ đòi hỏi sự khéo léo, óc sáng tạo mà còn phải chịu khó tìm tòi, học hỏi những mẫu mới, nhanh nhạy trong nắm bắt nhu cầu thị hiếu của khách hàng. Trong những dịp sinh hoạt Đoàn hay hội trại, gia đình anh Long lại đưa heo đất ra bày bán. Số tiền bán được góp vào quỹ duy trì hoạt động tháng thanh niên. Được biết, mỗi ngày gia đình anh bỏ mối cho tiểu thương gần 1.000 con heo đất các loại, với tổng thu từ 2 - 3 triệu đồng. Mỗi tháng gia đình anh thu nhập gần 50 triệu đồng. Khi kinh tế gia đình ổn định, anh còn nhận thêm nhân công, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Hiện ở xưởng chà và vẽ heo đất của anh có hơn 10 công nhân làm công tính theo sản phẩm; mỗi ngày, một người nhận được từ 150.000 - 200.000 đồng.

Qua nhiều chương trình và hoạt động Đoàn, anh Long đã giúp nhiều thanh niên và chị em phụ nữ trên địa bàn phát triển mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm”; đồng hành cùng với Đoàn Thanh niên, Hội LHPN phường cùng nhiều chi hội phụ nữ triển khai mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm” và chương trình “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”; phối hợp góp quỹ tiết kiệm để giúp nhau làm kinh tế. Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Long còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Ở phường Lái Thiêu anh là cán bộ của nhiều đề án, thủ lĩnh của nhiều hoạt động, phong trào thanh thiếu nhi.

 TRẦN THƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên