Di tích khảo cổ học Dốc Chùa: Di tích cư trú và mộ táng nổi tiếng
Theo dõi Báo Bình Dương trên
Di tích khảo cổ học Dốc Chùa thuộc xã Tân Mỹ, huyện Tân Uyên trước đây là một trong những di tích quan trọng và có nhiều thông tin khoa học hé lộ nhiều mặt về đời sống cư dân cổ nơi đây. Theo PGS-TS Phạm Đức Mạnh (Trưởng bộ môn Khảo cổ học, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh), di tích khảo cổ học Dốc Chùa là di tích cư trú và mộ táng nổi tiếng tầm cỡ nhất Đông Nam Á. Dốc Chùa được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia vào năm 2001.
(BDO)
Khai quật di tích Dốc Chùa năm 2009
Phát hiện
Dốc Chùa được phát hiện một cách tình cờ vào năm 1976 khi Ban Khảo cổ (nay là Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ) điều tra, kiểm chứng thông tin về di tích khảo cổ học Mỹ Lộc gần đó, đã được T.V.Holbé phát hiện vào năm 1887 và công bố vào năm 1889. Ngay sau đó, di tích được khai quật nhiều lần, với ba cuộc liên tiếp trong các năm 1976, 1977 và 1979 nhằm tránh những xâm hại đến di tích và một cuộc khai quật mới diễn ra năm 2009 sau hơn 30 năm phát hiện.
Có thể nói, Dốc Chùa là một trong những di tích được giới nghiên cứu quan tâm và khai quật nhiều nhất trong số các di tích khảo cổ đã phát hiện ở Đông Nam bộ. Diện tích phân bố của di tích khá rộng, trên 10.000m2 ở các mặt sườn đồi nhìn ra phía bờ sông Đồng Nai, tầng văn hóa mỏng ở phía trên và dày dần xuống phía dưới chân đồi, với hai lớp văn hóa khá dày và một khu mộ táng lớn mà khảo cổ học đã khai quật được.
Tại đây họ đã trải qua một quá trình cư trú lâu dài, với các ngành nghề thủ công mà nổi bật nhất có lẽ là dệt vải và đúc đồng. Đây cũng là nơi chôn cất những người quá cố mà dấu vết còn lại là 40 ngôi mộ huyệt đất cùng rất nhiều đồ tùy táng. Có thể nói lòng đất Dốc Chùa chính là nơi gìn giữ gần như toàn vẹn các bằng chứng của đời sống vật chất và tinh thần người cổ từng sinh sống nơi đây, là nơi bảo tồn các thành tựu đỉnh cao của một trung tâm kim khí quan trọng vào thời điểm xấp xỉ 3.000 năm trước. Di tích Dốc Chùa vì thế có một vị trí rất quan trọng trong thời tiền - sơ sử Đông Nam bộ nói chung và Bình Dương nói riêng.
Mảnh khuôn và rìu đồng di tích Dốc Chùa
Hạt chuỗi đá Dốc Chùa
Di tích cư trú
Dấu vết di tích cư trú để lại là một tầng văn hóa dày, với hai lớp văn hóa sớm và muộn có những khác biệt nhất định. Trong đó hàng ngàn hiện vật đá, hơn 400 dọi xe sợi bằng đất nung, hàng chục mảnh khuôn đúc đồng, các hiện vật bằng đất nung đã được xuất lộ. Tất cả những vết tích vật chất đó đã giúp chúng ta hình dung về một khu cư trú lớn, đa dạng về hoạt động từ chế tác gốm, đúc đồng, dệt vải của người cổ nơi đây.
Trong di tích phát hiện nhiều than tro tập trung và một khu vực có thể là bếp lửa lớn mà xung quanh còn nhiều viên đất nung, gỉ đồng và cả một mảnh khuôn đúc dùi. Đây là những vết tích của sinh hoạt cộng đồng mà người cổ đã thực hiện. Hơn 25 vạn mảnh gốm của các loại hình đồ gốm dùng trong sinh hoạt thường nhật của cư dân cổ đã thể hiện một quá trình định cư lâu dài của cộng đồng này.
Dấu vết nghề thủ công
Ngoài các vết tích của quá trình cư trú để lại, đây còn là nơi phát hiện những sưu tập di vật làm bằng chứng các nghề thủ công của người Dốc Chùa như nghề xe sợi dệt vải với 5 vật gia trọng dạng khối cầu có núm dài bên trên đục lỗ để luồn dây căng sợi, một sưu tập có số lượng khổng lồ các viên dọi xe sợi được biết đến nhiều nhất trong các di tích khảo cổ đã khai quật ở nước ta với 473 tiêu bản; nghề đúc đồng với 79 tiêu bản khuôn bằng sa thạch, có thể nói là một phát hiện quan trọng ở Đông Nam Á, nhất là việc chúng được phát hiện tại một nơi vốn khan hiếm mỏ đồng và các kim loại cần thiết cho việc tạo nên các sản phẩm hợp kim đồng thau. Các nhà khảo cổ chưa phát hiện vết tích nơi nung gốm ngoài trời cũng như các phế phẩm của quá trình nung tại đây, nhưng cũng có thể phần lớn đồ gốm được sản xuất tại chỗ chứ không nhất thiết phải trao đổi với bên ngoài.
Vòng tay đá di tích Dốc Chùa
Đá gia trọng sử dụng trong nghề dệt
Hiện vật đồng di tích Dốc Chùa
Cư dân Dốc Chùa đã có một trình độ phát triển rất cao, họ đã biết đến nhiều nghề thủ công như dệt, đúc đồng, chế tác đồ trang sức đá bên cạnh nông nghiệp dùng cuốc. Tất cả những nghề thủ công đó đã cung ứng sản phẩm cho nhu cầu của cộng đồng từ các nhu cầu thường nhật cho đến nhu cầu làm đẹp cho bản thân bằng các đồ trang sức. Tuy nhiên, những hạt chuỗi bằng thủy tinh tìm thấy nơi đây có thể là những sản phẩm du nhập từ bên ngoài do không phát hiện dấu vết chế tác tại chỗ.
Một trong những thiệt thòi của cư dân cổ Dốc Chùa nói riêng và cả Đông Nam bộ nói chung là sự khan hiếm mỏ đồng và các kim loại cần thiết cho việc luyện đúc đồng thau, điều đó khiến họ phải vất vả hơn trong việc tìm kiếm, trao đổi nguồn nguyên liệu với bên ngoài và cũng là một trở ngại cho sự sáng tạo và phát triển mạnh nghề đúc đồng.
Mộ táng
Là loại hình di tích chỉ phát hiện trong 3 cuộc khai quật đầu, với 40 mộ huyệt đất. Các ngôi mộ này tập trung tại khu vục chân sườn đồi phía đông và tây ở một độ sâu từ 0,20 - 0,40m cách bề mặt hiện tại. Hầu hết không thể tìm thấy biên mộ, chỉ có thể nhận diện nhờ các dấu hiệu trên bề mặt như các nhóm đá cục, đá keo lẫn mảnh gốm vụn nằm tập trung theo dạng hình chữ nhật. Hiện vật tùy táng được chôn sâu bên dưới, có sự khác biệt giữa màu sắc đất trong mộ và đất ngoài mộ. Do sự phân hủy của chất hữu cơ nên đất trong mộ thường ẩm và có màu tối hơn đất bên ngoài.
Tất cả các mộ đều có dạng hình chữ nhật. Hướng mộ cũng không được chú trọng, phần lớn có hướng đông bắc - tây nam (13 mộ), số ít hơn có hướng đông - tây (11 mộ), bắc - nam (7 mộ), tây bắc - đông nam (7 mộ), số còn lại không rõ hướng (2 mộ). Qua phân tích cách thức mai táng có thể phân chia 3 nhóm loại hình mộ được sử dụng trong di tích này.
Nhóm mộ rải đá và mảnh gốm: chiếm số lượng áp đảo với 29 mộ, bề mặt các mộ nhóm này thường được rải gốm vụn, xếp các hòn đá cuội, đá keo, để đánh dấu vị trí mộ. Nhóm mộ rải gốm: chỉ phát hiện 3 ngôi mộ thuộc nhóm này. Nhóm mộ đất: phát hiện 5 mộ thuộc nhóm này và Nhóm mộ không xác định: có 3 ngôi mộ.
Có thể thấy đối với người Dốc Chùa, người chết cũng được đối xử một cách yêu quý, họ được chia sẻ các đồ đá, gốm dùng trong sinh hoạt thường ngày và cả các hiện vật rất quý như việc chôn theo người chết các hiện vật đồng, là những hiện vật mà ngay cả trong thế giới người sống tại Dốc Chùa cũng xuất hiện rất ít. Xã hội Dốc Chùa có thể đã đạt mức độ chuyên môn hóa lao động nhất định, có dấu hiệu của sự phân hóa giàu nghèo, thể hiện ở số lượng và loại hình đồ tùy táng trong các mộ. Qua các di vật khai quật được, đặc biệt là các hiện vật tùy táng, có thể nhận thấy họ đã có niềm tin về một thế giới khác sau khi chết. Tại di tích Dốc Chùa đã phát hiện một hiện vật bằng đồng thể hiện hình tượng một con vật đứng trên một con vật khác thuộc loài bò sát, phải chăng là những hiện vật mang tính thiêng liêng dùng trong nghi lễ nào đó mà các nhà khảo cổ chưa từng phát hiện trong các di tích khác ở Đông Nam bộ.
Niên đại
Các nhà khảo cổ học khai quật Dốc Chùa đã chia quá trình cư trú của người cổ nơi đây thành hai giai đoạn sớm và muộn, căn cứ vào tầng văn hóa và các nét khác biệt trong di vật khảo cổ giữa hai giai đoạn. Tại đây cũng có mẫu than được phân tích C14 cho các kết quả niên đại như sau: 3.145 +_ 130 năm cách ngày nay với mẫu lấy thử ở độ sâu 1m thuộc giai đoạn cư trú sớm. 2.495+_ 50 năm cách ngày nay với mẫu lấy thử ở độ sâu 0,5m thuộc giai đoạn cư trú muộn.
Các kết quả phân tích này cũng phù hợp với nhận định của những người khai quật với khung niên đại 3.000 năm đến 2.500 năm cách ngày nay. Dốc Chùa (lớp sớm) được xếp vào trung kỳ thời đại đồng thau, còn lớp muộn thuộc giai đoạn hậu kỳ đồng thau, sơ kỳ sắt.
BÌNH CÔNG