Di tích lịch sử văn hóa Mả 35: Nơi giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ

Cập nhật: 25-08-2023 | 09:39:06

Di tích lịch sử văn hóa Mả 35 là di tích thứ 8 trên địa bàn TP.Dĩ An được công nhận là di tích cấp tỉnh vào tháng 11-2022. Từ lâu, tại di tích này, chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm tri ân những người có công với đất nước, cũng như tuyên truyền về lòng yêu nước cho thế hệ trẻ.


Di tích lịch sử văn hóa Mả 35 là nơi được các tổ chức Đoàn, hội chọn để thực hiện các hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ

Di tích Mả 35 tọa lạc trên đường Nguyễn Thị Tươi (khu phố Tân Phước, phường Tân Bình). Theo lịch sử địa phương, vào năm 1947, trước sự lớn mạnh của phong trào kháng chiến toàn dân, thực dân Pháp và bè lũ tay sai điên cuồng tổ chức nhiều đợt càn quét, khủng bố, gây nhiều tội ác đối với nhân dân ta.

Tháng 3-1947, lính Pháp và Cao Đài ở đồn Tân Hiệp mở cuộc hành quân càn quét lò đường An Phú. Trên đường hành quân, chúng lọt vào điểm phục kích của lực lượng Liên quân 17 và du kích xã Tân Hiệp tại ngã ba Cây Gõ. Quân ta tiêu diệt một tên “Quan hai Pháp” và bắn bị thương một tên thượng sĩ, một tên trung sĩ. Số còn lại bỏ chạy tán loạn.

Trước thất bại trên, trong quá trình rút về bót qua ấp Tân Phước, gặp bất cứ ai là đàn ông, thanh niên chúng đều bắt về đồn. Đến 12 giờ trưa ngày 14-3, chúng đưa 30 người ra bắn tập thể (gần bót Cao Đài). Tiếp đó, chúng bắt thêm 5 người khác đến đào huyệt tại một khu ruộng gần đó và bắn chết. Tất cả 35 chiến sĩ, đồng bào bị thực dân Pháp sát hại và vùi chung một hố. Di tích Mả 35 được hình thành và gọi tên từ đó.

Với người dân phường Tân Bình, ngày Di tích Mả 35 được công nhận là di tích cấp tỉnh, họ hết sức vui mừng và tự hào. Anh Nguyễn Anh Quân, người dân sống ở khu phố Tân Phước chia sẻ: “Chúng tôi sinh ra và lớn lên trên vùng đất có nhiều truyền thống cách mạng. Trên đường Nguyễn Thị Tươi, bên cạnh Di tích Mả 35 còn có Di tích suối Mạch Máng, Hố Lang. Từ nhỏ, chúng tôi đã được nghe kể lại tinh thần anh dũng, kiên cường của các chiến sĩ, những người yêu nước đã anh dũng hy sinh trong 2 cuộc chiến chống Pháp và Mỹ nên hết sức tự hào”.

Anh Quân cũng thông tin thêm, không riêng gì anh mà nhiều người dân khi đi ngang qua các di tích mỗi ngày đều ghé vào đốt nhang, dọn dẹp vệ sinh để thể hiện lòng thành kính. Thời gian qua, rất nhiều đoàn viên, học sinh tổ chức về nguồn tại đây để tìm hiểu về văn hóa lịch sử và truyền thống cách mạng của địa phương.

Chị Nguyễn Thụy Phượng Hồng, Bí thư Đoàn phường Tân Bình, cho biết: “Hàng năm, nhằm giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ địa phương, Phường đoàn tổ chức nhiều hoạt động về nguồn vào các dịp lễ, tết, thắp nến tri ân. Cùng với tổ chức cho các chi đoàn trường, khu phố thường xuyên dọn dẹp vệ sinh tại các di tích, Phường đoàn kết nối với liên đội của các trường thực hiện tuyên truyền về ý nghĩa của các địa danh, di tích trên địa bàn. Vì vậy, hầu hết các đoàn viên của phường đã biết về ý nghĩa các di tích từ khi còn là đội viên”.

 QUẢNG ĐIỀN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=770
Quay lên trên