Đi tìm chỗ đứng cho ngành điều

Cập nhật: 09-04-2010 | 00:00:00

Việt Nam hiện là nước xuất khẩu hạt điều nhân đứng đầu thế giới và chất lượng hạt điều Việt Nam trên thị trường xuất khẩu thế giới cũng là số 1. Tuy nhiên, ngành điều Việt Nam vẫn “lép vế” so với các ngành khác mà trong đó vấn đề cốt lõi là thương hiệu điều Việt Nam còn quá yếu!

Các chính sách hỗ trợ hợp lý cho ngành điều cần chú trọng hỗ trợ cho người trồng điều để duy trì nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến

Những nghịch lý trong ngành điều

Theo thống kê của Cục Trồng trọt - Phân viện Quy hoạch và Kinh tế nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) thì Việt Nam hiện là nước chế biến và xuất khẩu điều số 1 của thế giới. Tuy nhiên, ngành điều Việt Nam trong giai đoạn hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế vì nhiều nguyên nhân, trong đó căn bản vẫn là diện tích trồng và năng suất cây điều giảm đáng kể.

Giai đoạn 2006-2009, diện tích trồng điều bị thu hẹp dần. Đến cuối năm 2009, diện tích điều của cả nước chỉ còn gần 400.000 ha, trong đó có 300.000 ha đã đưa vào khai thác. Bên cạnh đó, năng suất điều cũng giảm đi một cách đáng kể. Năm 1995, năng suất điều bình quân là 5,6 tạ/ha; năm 2000 tăng lên 6,4 tạ/ha; năm 2005 là 10,6 tạ/ha, nhưng sau đó lại giảm dần, đến năm 2009, sản lượng điều bình quân chỉ đạt 8,6 tạ/ha. Năm 2009, sản lượng điều cả nước cũng chỉ đạt mức 300 ngàn tấn, mới đáp ứng được 50% hạt điều nguyên liệu phục vụ lĩnh vực chế biến.

Cùng với sự vươn lên của ngành điều thì cũng đã bắt đầu xuất hiện nghịch lý là cuộc sống của người trồng điều rất bấp bênh. Trong những năm gần đây, người trồng điều thất thu do năng suất thấp, giá cả điều thô lúc trồi lúc sụt. Bên cạnh đó, người trồng điều còn chịu nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến thất thường, giá cả thu mua không ổn định, trong khi giá vật tư tăng, thương lái thao túng thị trường làm cho người trồng điều chán nản. Nghịch lý tiếp theo là cả nước hiện có hơn 200 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực chế biến hạt điều, nhưng khi sản lượng điều thô sụt giảm, đã gây ra nhiều khó khăn cho việc duy trì sản xuất, giải quyết thu nhập cho người lao động.

Từ những nghịch lý trên, nhiều nơi người nông dân đã phá điều để trồng cao su và một số loại cây trồng khác nên tình hình nguyên liệu cho ngành điều ngày càng căng thẳng. Trong khi đó, DN chế biến điều chưa gắn bó với vùng nguyên liệu, không hỗ trợ cho nông dân. Ông Bùi Văn Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, bức xúc: “Trên thực tế, cây điều có những lợi thế mà cây cao su hay những loại cây trồng khác không thể có được. Tuy nhiên, do thu nhập thấp đã khiến nông dân nhiều nơi phá bỏ cây điều”.

Nâng cao vị trí cây điều

Việt Nam hiện đang chiếm giữ vị trí số 1 về kim ngạch xuất khẩu điều, nhưng thương hiệu điều Việt Nam còn yếu, chưa xứng với tầm và sự kỳ vọng. Các sản phẩm xuất khẩu điều Việt Nam ra thị trường thế giới chủ yếu là điều sơ chế, sản phẩm khác từ điều không phong phú nên vị thế của Việt Nam trong chuỗi xuất khẩu điều thế giới bị lu mờ. Việc nâng cao thương hiệu ngành điều là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Về phía người trồng điều, họ rất cần được tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chọn giống, canh tác để có thể hạn chế thấp nhất những rủi ro do thời tiết mang lại và nâng cao chất lượng hạt điều. Bên cạnh đó, cần có các chính sách trợ giá để người nông dân tránh thiệt thòi và để họ gắn bó lâu dài với cây điều. Trong đó liên kết giữa “bốn nhà” trong ngành điều cần được củng cố và phát triển vì lợi ích chung của ngành điều và cần có các chính sách phát triển điều hợp lý trong việc quy hoạch vùng nguyên liệu, hỗ trợ sản xuất, chế biến để cây điều có thể phát triển bền vững.

Tiềm năng kinh tế của cây điều so với các loại cây nông nghiệp khác không thua kém. Tuy nhiên trong thời gian qua, sự sống còn của cây điều đã bị bỏ ngỏ nên cây điều đã bị thất thế so với các loại cây trồng khác. Việc thực hiện các chính sách hợp lý để khôi phục và phát triển cây điều trong thời gian tới sẽ nâng cao được vị thế của cây điều và kích thích nông dân tiếp tục gắn bó với loại cây trồng “xóa đói giảm nghèo” này.

CAO SƠN

Năm 2009, cả nước xuất khẩu được 177.000 tấn điều, đạt kim ngạch 850 triệu USD. Điều Việt Nam có mặt tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, với các chủng loại là hạt điều sơ chế, nhân điều rang, bánh kẹo điều, sô-cô-la nhân điều, dầu vỏ điều... Dự kiến, mục tiêu phấn đấu của ngành điều là tới 2011, cùng với lượng điều thô nhập khẩu sẽ chế biến xuất khẩu khoảng 200.000 tấn điều nhân với kim ngạch 1 tỷ USD.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên