Kỳ 1: Gặp hậu duệ của vị tướng anh dũng
Năm 1880, vua Tự Đức giao Hoàng Diệu làm Tổng đốc Hà Ninh, trấn nhậm thành Hà Nội. Ông vừa lo tổ chức bố phòng thành vừa lo an dân. Hai năm sau, Pháp tấn công thành Hà Nội. Thế giặc mạnh, không chống cự nổi, cụ Hoàng Diệu đã tuẫn tiết nêu cao lòng trung nghĩa của mình. Hơn 100 năm đã qua kể từ ngày cụ tuẫn tiết, không rõ hậu duệ của người anh hùng dân tộc giờ ra sao... Câu hỏi đó, khiến chúng tôi băn khoăn và đi tìm câu trả lời.
Thật may mắn, trong một lần tình cờ đi cùng nhà thơ Nguyễn Tam Phù Sa, tôi đã gặp được hậu duệ của tướng quân Hoàng Diệu. Ông là Hoàng Văn Hoa, cháu bốn đời của cụ Hoàng Diệu. Hiện ông sống tại quận 5, TP.HCM.
Ông Hoa tại nhà riêng…
Và bên bàn thờ Hoàng Diệu
Dáng người cao thanh mảnh, ông Hoa gợi nhớ đến hình ảnh những nho sinh ngày xưa. Trong căn nhà nhỏ của gia đình ông ở trong chung cư trên đường Bạch Vân, có bàn thờ của gia đình, trên cùng là di ảnh của cụ Hoàng Diệu. Nhìn bức ảnh chụp chân dung cụ Hoàng Diệu rồi nhìn sang ông Hoa, điều dễ nhận ra là đôi mắt sáng tinh anh và chiếc mũi cao, dài của ông rất giống cụ Hoàng Diệu. Ông Hoa cho biết, ông là con út trong gia đình có 8 người con, chắt gọi cụ Hoàng Diệu bằng ông cố. Bố ông Hoa tên là Hoàng Văn Kiểm, cháu đích tôn của cụ Hoàng Diệu. Ông cụ Kiểm là con cụ Hoàng Tuấn, con trưởng của tướng công Hoàng Diệu.
Giai thoại về Hoàng Diệu
Ông Hoàng Diệu tên chữ là Kim Tích, tự là Quang Viễn, hiệu Tỉnh Trai, người làng Xuân Đài, quận Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Ông sinh ngày 10-2-1829, tức năm Kỷ Sửu trong một gia đình nho học. Thân sinh ông là Hoàng Văn Cầm (1799-1856), thường gọi là ông Hương Huệ, thân mẫu là bà Phạm Thị Khuê (1803-1892). Hai ông bà tần tảo làm ruộng, nuôi tằm lo cho các con đi học. Các anh em ông Hoàng Diệu đều đỗ đạt trong các kỳ khoa cử đầu Tự Đức: 1 Phó bảng, 3 Cử nhân, 2 Tú tài.
Năm 16 tuổi, ông Hoàng Diệu đã nổi tiếng văn tài. Năm 20 tuổi, trong một khoa thi ông đỗ Cử nhân cùng với anh ruột là ông Hoàng Kim Giám. Bài vở hai ông hơi giống nhau, khiến viên chủ khảo nghi ngờ trình lên vua Tự Đức. Vua Tự Đức hạ chiếu cho các quan giám khảo cho hai anh em ông Hoàng Diệu phúc hạch trong ba ngày tại điện Cần Chánh. Sau khi xem quyển (bài thi), vua Tự Đức đã khen rằng: “Văn hành công khí, quý đắc nhân tài, huynh đệ đồng khoa, thành vi mỹ sự”. Nghĩa là: “Văn chương là việc chung, cốt để chọn chân tài; anh em đồng khoa thật là việc tốt”. Năm 25 tuổi, trong khoa thi Hội 1851 ông đổ Phó bảng. Ông được bổ làm Tri phủ Tuy Viễn (Bình Định) năm 1851... Trải qua nhiều lần thăng giáng, ông được bổ nhiệm nhiều chức vụ quan trọng, như Tham tri Bộ Hình rồi Tham tri Bộ Lại, kiêm Đô sát viện, Tổng đốc An Tĩnh, Phó toàn quyền đại thần đàm phán với sứ thần Y Pha Nho (tức nước Tây Ban Nha bây giờ), Thượng thư Bộ Binh. Suốt đời làm quan ông nổi tiếng là người thanh liêm thẳng thắn, hết lòng vì dân vì nước. Dân thời ấy thường truyền tụng rằng đời riêng ông hết sức thanh bạch, trong nhà không có tiền bạc.
Sống chết cùng Hà thành
Tình hình Bắc kỳ căng thẳng, vua Tự Đức trao cho ông chức Tổng đốc Hà Ninh, coi giữ vùng trọng yếu Hà Nội - Ninh Bình - Hà Nam. Với trọng trách trấn giữ Hà Ninh, ông ý thức được những khó khăn vô bờ bến. Năm 1882 thấy binh thuyền nước Pháp tự nhiên ra Bắc, ông lấy làm nghi ngờ lắm. Một mặt ông phái Tuần phủ Hoàng Hữu Xứng ra tiếp, mặt khác ông lo chỉnh đốn lại thành trì và quân ngũ để đề phòng. Lấy cớ ta không tôn trọng hiệp ước năm 1874 mà lại đi giao thiệp với Trung Hoa, dung túng quân Cờ Đen ngăn trở việc giao thông trên sông Hồng Hà và cấm đạo, Thống đốc hải quân Pháp, Đại tá Henri Rivière cho mấy tàu chiến cùng 4.000 quân ra đóng tại Đồn Thủy (trên bờ sông Hồng Hà phía Đông nằm sát Hà Nội) và cho quân lính đi hoành hành phá rối và hăm dọa trên các đường phố.
Trước đó, ông Hoàng Diệu đã dâng sớ lên vua Tự Đức đề nghị việc phòng chống giặc. Theo ông, Hà Nội là yết hầu của Bắc Kỳ và cũng là nơi then chốt của nước ta. Nếu Hà Nội mất thì các tỉnh khác sẽ mất theo, nhưng vua Tự Đức làm thinh. Khi Hà Nội bị uy hiếp, Hoàng Diệu xin triều đình Huế viện binh và ra lệnh giới nghiêm, thông báo các tỉnh đề phòng. Tuy nhiên, triều đình Huế đã không cấp viện binh. Vua Tự Đức nghe lời phái chủ hòa ở triều đình ra lệnh triệt binh và mở cửa thành cho quân Pháp ra vào tự do. Vua Tự Đức cũng hạ chiếu quở trách ông đã đem binh dọa giặc và chế ngự sai đường. Tuy vậy, tướng công Hoàng Diệu vẫn quyết tâm sống chết với thành. Các quan xung quanh ông Hoàng Diệu lúc bấy giờ có Tuần phủ Hoàng Hữu Xứng, Đề đốc Lê Văn Trinh, Bố chánh Phan Văn Tuyển, Án sát Tôn Thất Bá và Lãnh binh Lê Trực đã cùng nhau uống rượu hòa máu tỏ quyết tâm sống chết với thành.
Rạng ngày 25-4-1882, tức ngày mùng 8 tháng 3 năm Nhăm Ngọ, Henri Rivière sai thông dịch viên đưa tối hậu thư vào thành cho ông Hoàng Diệu, buộc ông phải cho quân lính rời khỏi thành sau khi hạ hết khí giới và mở cửa thành, ông cùng các quan phải ra nộp mình cho hắn. Trong thư có đoạn viết: “Ðúng 8 giờ sáng ngài phải thân hành đến dinh tôi hàng phục, có mặt đông đủ các quan Tuần phủ, Bố chánh, Án sát, Đề đốc, Chánh, Phó Lãnh binh. Nếu đúng 8 giờ, ngài và toàn thể thuộc viên của ngài không đến Lãnh sự quán để tỏ vẻ chấp thuận những điều kiện của tôi, thì quân đội của tôi lập tức tấn công vào thàn...”. Henri Rivière không chờ thư trả lời, cho tàu chiến bắn vào thành rồi cho quân tiến lên. Một trận kịch chiến xảy ra từ sáng đến trưa. Quân ta dưới quyền chỉ huy của ông Hoàng Diệu đã anh dũng chiến đấu giết hàng trăm tên giặc.
Thình lình kho thuốc súng nổ, lửa bốc cháy ngùn ngụt. Đám cháy lan rộng, hàng ngũ chiến đấu hoang mang, quân giặc thừa cơ bắc thang trèo vào, phá cổng thành phía Tây rồi ồ ạt kéo vào như nước chảy. Tình thế nguy nan, nhiều tướng sĩ dưới trướng ông bỏ trốn, hoặc đầu hàng. Chỉ có Thủy sư Đề đốc Nguyễn Đình Kháng liều chết cố thủ cửa thành phía Nam, rồi tử trận. Tướng quân Hoàng Diệu vẫn không nao núng, tiếp tục chiến đấu. Sau một hồi chiến đấu nhưng vô vọng, quân ta dần tan rã. Trước tình thế đó, ông Hoàng Diệu đi về dinh, nai nịt gọn gàng, mặc chiếc áo the thâm, tấm khăn nhiễu xanh chít lên đầu và dải dây lưng nhiễu hồng thắt ra áo ngoài, tay cầm thanh kiếm tuốt trần, rồi lên mình voi xông trong mưa đạn tiến vào thành cung. Tại đây ông truyền lệnh: “Ai muốn về kinh thì về, còn ai muốn chiến đấu nữa thì lên Sơn Tây tập hợp với đại binh của Hoàng Kế Viêm chờ ngày báo phục”. Khi mọi người giải tán, ông vào dinh viết bài di biểu tạ tội, rồi quay ra đi thẳng đến cửa Võ Miếu lật chiếc khăn đang bịt trên đầu treo mình lên cành cây trước Võ Miếu, tẫn tiết đúng vào giờ ngọ, tức ngày 25-4-1882, hưởng dương 54 tuổi.
Trước cái chết khí tiết của Hoàng Diệu, các giới sĩ phu, văn thân và nhân dân Bắc Hà và cả nước khâm phục thương tiếc. Tôn Thất Thuyết có đôi câu đối ca ngợi ông Hoàng Diệu: “Nhất cử thành danh, tự cổ anh hùng phi sở nguyện / Bình sanh trung nghĩa, đương niên đại cuộc khởi vô tâm”.
Nghĩa là
“Một chết đã thành danh, đâu phải anh hùng từng nguyện trước/Bình sanh trung nghĩa, đương trường đại cuộc tất lưu tâm”.
Vua Tự Đức mặc dầu không ủng hộ ông Hoàng Diệu trong việc chống đối với quân Pháp tại thành Hà Nội, vẫn hạ chiếu khen ông Hoàng Diệu đã tận trung tử tiết, sai quân tỉnh Quảng Nam làm lễ quốc táng. Sĩ phu Hà thành lập đền thờ ông ở phố Văn Tân, sau thờ chung với ông Nguyễn Tri Phương trong đền Trung Liệt trên gò Đống Đa với đôi câu đối:
“Thử thành quách, thử giang sơn
Bách chiến phong trần dư xích địa
Vi nhật tinh, vi hà nhạc
Thập niên tâm sự vọng thanh thiên”
Dịch:
“Kìa thành quách, kìa non sông
Trăm trận phong trần trơ đất đỏ
Là trời sao, là sông núi
Mười năm tâm sự thấu trời xanh”.
Tuy nhiên, theo ông Hoa, từ xích địa trong câu đối trên mà dịch là đất đỏ là không đúng nghĩa, thoát ý. “Đúng ra chữ xích địa phải dịch là “thước đất” thì mới chính xác và hay” - ông Hoa nói. (Còn tiếp)
NGUYỄN VĂN THỊNH