Đi về phía hừng đông...
Trong tiến trình lịch sử mở cõi về phương Nam của nước ta, Bình Dương là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, là nơi hội tụ của biết bao lớp người ái quốc, góp công cùng cả nước viết lên bản hùng ca bất khuất, tạc vào sử xanh - thuở dân tộc chìm trong cơn binh lửa.
(BDO)
Quê hương rừng thẳm sông dài, trù phú miệt vườn cây trái - từng là biểu tượng của vùng đất này. Bình Nguyên Lộc, Lý Văn Sâm, thi tướng Huỳnh Văn Nghệ - một thời làm dậy sóng Đồng Nai… là những cái tên đã làm rạng rỡ đất Bình Dương.
Bình Dương hôm nay vững bước trên đường hội nhập, đang mở rộng vòng tay đón chào… Dẫu người miền Bắc hay miền Trung, miền Tây Nam bộ đã từng đến và sống ở đây thì đều có chung một sự gắn bó và mến yêu tha thiết xứ sở này. Rồi nếu phải đi xa thì đất và người nơi đây sẽ trở thành những kỷ niệm đẹp đẽ, thân thuộc không bao giờ quên được.
Ông Trần Thanh Liêm (thứ 3 từ phải qua), Chủ tịch UBND tỉnh giới thiệu sản phẩm gốm sứ Bình Dương cho ông Her Tae Jeong (thứ 3 từ trái qua), Thị trưởng TP.Daejeon, Hàn Quốc kiêm Chủ tịch Hiệp hội Đô thị Khoa học thế giới (WTA). Ảnh: XUÂN THI
Truyền kỳ của đất
Nói đến hai chữ Bình Dương hầu như ai cũng trầm trồ tỏ vẻ thán phục về một tỉnh ở miền Đông đang đi đầu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bình Dương còn có những dấu ấn khác mà đôi khi mọi người chưa để ý tới. Lần giở tích xưa, tôi mới vỡ lẽ miền quê này còn có nhiều cái nhất. Là mảnh đất thời chiến tranh vệ quốc có nhiều chiến khu cách mạng nhất. Đất đai thì trù phú bậc nhất, phù sa bốn con sông lớn đã vun bồi lên những cánh đồng trĩu hạt, những miệt cây trái đặc sản nổi tiếng thơm ngon khắp vùng. Nền kỹ nghệ thì từ xưa đã vang danh xứ Nam kỳ lục tỉnh! Sơn mài và gốm sứ Bình Dương từ lâu đã vươn ra biển lớn, thương hiệu lẫy lừng năm châu. Nghề gốm và sơn mài ngày nay không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn ẩn chứa bên trong những trầm tích văn hóa của đất và người xứ Thủ.
Đất đai màu mỡ, nên sau ngày giải phóng, Sông Bé - Bình Dương đã trở thành miền đất mới của đồng bào cả nước đến làm ăn sinh sống. Họ cùng nhân dân bản địa chung lưng đấu cật, hòa nhịp bài ca vỡ đất, biến mảnh đất hoang tàn trong chiến tranh từng bước hồi sinh. Sông Bé - Bình Dương đã bắt đầu cho sự nghiệp xây dựng và phát triển bằng chính thế mạnh đất đai, tài nguyên và tiềm năng lao động của mình. Ngay từ rất sớm, Bình Dương đã phát triển các loại cây công nghiệp tạo nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất công nghiệp như cao su, điều và các loại cây nông sản cao cấp như tiêu, đặc sản cây trái, đồng thời khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống vốn có là gốm sứ, sơn mài, điêu khắc... Lối đi đó đã trở thành nền móng cho sự đi lên toàn diện của Bình Dương sau này.
Ngày nay, đến với Phú Giáo, Bến Cát, Dầu Tiếng… đâu đâu cũng gặp đồng bào của ba miền. Đã qua rồi những ngày lam lũ! Đất miền Đông thời máu lửa anh hùng hôm nay đã xanh ngời bạt ngàn cây trái. Nhìn lại buổi khởi đầu đến với miền đất hứa, nay ai ai cũng hạnh phúc về cuộc sống ấm no mà đắm đuối trong âm giai bản tình quê “Bình Dương miền đất yêu thương”, với “cây trái thơm chín đỏ miệt vườn” - mà tự hào vì mình đã chọn đúng con đường để đi. Cũng như lớp lớp cha ông hơn ba trăm năm về trước đã từ xứ Đàng ngoài, vùng Ngũ Quảng tìm đến Bình Dương, “một trong mấy tỉnh tốt đẹp và trong lành nhất Nam kỳ” để khai hoang lập rẫy, thì thế hệ những người đến sau càng khơi thông những nguồn mạch và làm nhuần thắm thêm bản sắc đa văn hóa của người Bình Dương vốn phóng khoáng, trọng nghĩa khí, coi trọng giao lưu với bạn bè…
Mặc dù là vùng giàu tiềm năng ở Đông Nam bộ, nhưng cho đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Bình Dương vẫn là tỉnh nông nghiệp. Người ta thường nói về tam giác phát triển TP.Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu. Đó là tam giác năng động nhất nước, là “quả đấm” lớn cho công nghiệp. Vậy điều gì đã làm cho Bình Dương từ một tỉnh “ruộng vườn” trỗi dậy trở thành tỉnh năng động nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam? Trước hết phải nhắc đến sự đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà trong nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách cũng như quyết tâm đề ra những chủ trương đúng đắn.
Đã một thời sinh viên cả nước cảm thấy ngỡ ngàng và mới mẻ trước câu “tuyên ngôn” mang “tầm nhìn xa” và đầy quyết liệt mà lãnh đạo Bình Dương đã đề ra: "Trải chiếu hoa mời gọi đầu tư/ Trải thảm đỏ mời gọi nhân tài". Ngay từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI (1997), Bình Dương đã đề ra chủ trương: “Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi, phát huy mạnh hơn nữa các lợi thế địa lý, nguồn lực, tiềm năng trong dân, các doanh nghiệp trong tỉnh, thu hút mạnh các nguồn lực ngoài tỉnh và nước ngoài, tạo động lực phát triển; hình thành kinh tế mở, mở rộng các quan hệ với bên ngoài; phát huy tối đa nguồn lực nước ngoài đầu tư phát triển công nghiệp…”.
Đường 13 rực lửa trong chiến tranh mãi là ký ức không quên đối với những người lính từng chiến đấu ở đất này. Sau ngày tách tỉnh, khởi đầu cho sự “chuyển mình” đi lên, Bình Dương đã quyết tâm mở rộng con đường lịch sử ấy thành quốc lộ của niềm tin và khát vọng. Ai đã từng ở Bình Dương trong quãng thời gian 20 năm qua đều cảm thấy ngạc nhiên trước sự đổi thay nhanh chóng về mọi mặt của đời sống xã hội. Từ con đường nhỏ, quốc lộ 13 hôm nay là biểu tượng của một Bình Dương thênh thang, sầm uất, hiện đại và văn minh.
Vậy là, sau hơn 30 năm hòa cùng dòng chảy của công cuộc đổi mới đất nước, đất Thủ hôm nay lại thêm nhiều cái nhất nữa. Là địa phương đứng trong tốp đầu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Là nơi có hạ tầng giáo dục - đào tạo phát triển toàn diện, hạ tầng y tế hiện đại, thủ tục hành chính công khai minh bạch, trung tâm thương mại, thương mại điện tử đang mở rộng... Bình Dương hiện có 29 khu công nghiệp (KCN) với diện tích 12.798 ha và 12 cụm công nghiệp với diện tích hơn 800 ha, được đầu tư đồng bộ, hiện đại, thuận lợi cho thu hút đầu tư. Trong đó, có những KCN tiêu biểu trong cả nước về tốc độ thu hút đầu tư, quản lý sản xuất và bảo vệ môi trường như: KCN VISIP 1, VISIP 2, Mỹ Phước, Đồng An… Trong năm qua Bình Dương còn được Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) bình chọn là 1 trong 21 thành phố, khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới, là địa phương đầu tiên của Việt Nam, thứ 2 Đông Nam Á (sau Singapore) chính thức trở thành thành viên của ICF. Bình Dương còn được công nhận là thành viên chính thức của Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới (WTA)… Những sự kiện, dấu mốc mang tầm quốc tế đó càng làm cho mọi người thêm tự hào về vùng đất đáng sống, sánh vai cùng các nước trong khu vực.
Truyền kỳ của đất là vậy! Mùa xuân này về Bình Dương lại nghe vang vang bài ca "Tình đất đỏ miền Đông":
“Trong đấu tranh người miền Đông anh dũng/ Trong lao động người lại cũng anh hùng/ Mặt đất ung dung cùng người chung sức mới/ Dang rộng chân trời rạng rỡ những mùa xuân…”
Bình Dương - tình đất tình người
Cứ mỗi lần nhắc về Bình Dương, đại tá - nhà văn Chu Lai - người con đất kinh kỳ thường tâm sự: “Đời mỗi con người chúng ta thường trải qua nhiều vùng đất khác nhau. Có vùng đất nơi ta sinh ra và lớn lên, nơi ta trưởng thành, nơi ta về già. Nhưng với tôi, vùng đất Thủ Dầu Một tươi đẹp bên dòng sông Sài Gòn luôn để lại trong tôi những cảm xúc vừa thổn thức, khắc khoải nhớ mong và vô cùng sâu lắng. Đất anh hùng gian khổ trong chiến tranh nhưng mà vui, nặng nghĩa, nặng tình. Miền đất này còn là cánh đồng chất liệu luôn tươi mới, để sau ngày giã từ nghiệp binh, tôi mạnh dạn bước vào nghiệp văn, dành phần đời còn lại - mà dạ đoái hoài khắc ghi kỷ niệm một thời đánh giặc giữ nước…”. Chu Lai nói một mạch như thể mình là người con Bình Dương vậy! Hay có phải vì đã từng bám trụ chiến đấu nhiều năm ở vùng ven Sài Gòn nên tâm hồn ông dễ “cảm”, “dễ thấu” miền đất này chăng? Nhưng đâu phải riêng nhà văn Chu Lai! Trong dịp ra Hà Nội công tác, khi biết tôi làm ở Báo Bình Dương, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã xúc động kể về tấm lòng thương bộ đội như con của những bà má Bình Dương. Vào một buổi chiều, sau khi quân ta đã giải phóng miền Nam một ngày, đơn vị ông quay lại thăm đồng bào đất Thủ. Quân dân gặp nhau vỡ òa trong niềm vui đất nước thái bình. Rồi các anh bộ đội được các má “cho” một bữa no nê món bánh tráng cuốn thịt ba rọi, kèm rau bưng, nước mắm chua ngọt. Bao năm ở rừng gian khổ, bộ đội nhìn thức ăn thịnh soạn thèm quá nhưng không biết cách ăn thế nào. Thế là họ gắp “lộn tùng phèo” cho vào bát nhai ngấu nghiến. Thấy vậy, các má phải cầm từng chiếc bánh tráng, gắp rau, thịt rồi cuốn tròn đưa cho từng chú bộ đội. Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, đến bây giờ những hình ảnh trân quý ấy vẫn khắc khoải trong tâm khảm vị tướng già và còn khắc ghi mãi. Hàng năm, cứ dịp kỷ niệm 30-4 các chiến binh ngày ấy lại “hành quân” vào Bình Dương thăm gia đình các má, thăm lại chiến trường xưa. Nhắc đến món bánh tráng thịt luộc, lại nhớ món này cùng với “bánh bèo bì Búng” nổi tiếng là ngon, đã được chép vào sách “Món lạ miền Nam” tự bao giờ!
Bình Dương cách trung tâm Sài Gòn có bao xa đâu nhưng khác nhau thì nhiều lắm. Ai đó đã nói, Sài Gòn có đôi khi như chiều trên sân ga, rất đông người nhưng chẳng có người quen. Còn Bình Dương dẫu đất lạ sao lại thấy con người thân quen quá chừng. Một nhà báo trẻ, thường trú ở Bình Dương ví von rằng: Tuổi trẻ vào đời phải mang theo nhiều “hành trang”, nhưng nếu vào Bình Dương thì chỉ cần khoác lên vai chiếc ba lô là được. Vào đó rồi vừa làm vừa học, đất này thiếu gì việc, đất lành tạo cơ hội cho tất cả. Bởi thế Bình Dương bây giờ không chỉ là nơi hội tụ của cả nước mà còn người nước ngoài đến làm ăn, sinh sống như thể Liên hợp quốc vậy. Đất này là thế, dễ thương và dễ sống…
Nhớ lại, thế hệ sinh viên chúng tôi ngày chuẩn bị ra trường thường tếu táo với nhau bằng những câu thơ:
Bạn hỏi tôi đi về đâu?
Tôi đi về Bình Dương
Mảnh đất tôi chưa một lần đến
Nhưng đã nghe... Nơi ấy hừng đông đang sáng lên…
Đó là những tâm trạng có thật, bởi thời đó trên các phương tiện truyền thông đã nói rất nhiều về chủ trương đổi mới và sự đón chào của Bình Dương. Tốt nghiệp Đại học Kinh tế Đà Nẵng, vợ chồng anh Trương Thế Cường cũng chỉ vì “nghe theo” truyền thông mà tìm đến Bình Dương lập nghiệp. 20 năm miệt mài đã qua, hôm nay trên vùng đất mới vợ chồng anh đã trở thành doanh nhân làm ăn phát đạt. Mỗi lần gặp nhau, anh lại “xổ” giọng Quảng oang oang: “Không có nơi mô như ở quê miềng, hết chiến tranh rồi bão lụt tơi bời… Miền Đông này cũng đất anh hùng, hội đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa, đáng sống lắm chứ…”. Còn anh Nguyễn Nam - người con Quảng Trị vào Bình Dương đã 15 năm nay và rất thành công trong lĩnh vực kinh doanh đồ gỗ xuất khẩu. Anh nói rằng: “Một trong những điểm nổi bật của Bình Dương là đồng bộ cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Hiện nay, 100% tờ khai được triển khai thực hiện khai báo hải quan từ xa qua phần mềm thông quan điện tử. Các quy trình, văn bản nghiệp vụ hải quan được Cục Hải quan Bình Dương thực hiện công khai, minh bạch, nhanh lẹ…”.
Giới doanh nhân bây giờ có cái nhìn về Bình Dương sâu sắc hơn nhiều. Anh Nguyễn Kế Hưng, một doanh nhân thành đạt đã gần 20 năm đầu tư tại Bình Dương trên nhiều lĩnh vực. Mới đây anh tiếp tục khai trương đại lý Moveo Bình Dương hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh ô tô, đang hứa hẹn mang đến những thành công mới. Khi hỏi vì sao anh đã chọn Bình Dương kinh doanh thay vì nơi khác? Anh nói: “Tôi sinh ra ở Bình Định, mảnh đất mà từ mấy trăm năm về trước cha ông tôi đã lên đường tìm đến Bình Dương sinh sống. Vì thế tôi coi Bình Dương như người anh em của Bình Định, có chung tính cách khí khái, quật cường vừa trung thực thẳng thắn. Nếu chọn lại, tôi vẫn chọn điểm đến Bình Dương, bởi từ lâu tôi đã coi đất này như quê hương thứ hai của mình. Một vùng đất đáng yêu và đáng sống, được trải lòng mình trong những phút suy tư…”
“Suy cho cùng sự phát triển kinh tế mục đích cuối cùng là để phục vụ lợi ích của nhân dân”. Đó là câu nói của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Nam mà tôi từng được nghe và nhớ mãi. Quả thật, chủ trương của Bình Dương là phát triển kinh tế để phục vụ an sinh xã hội. Trong đó ưu tiên cho y tế, giáo dục, cải thiện quan hệ lao động, giải quyết việc làm; huy động các nguồn lực chăm lo các đối tượng xã hội, hộ nghèo; củng cố mạng lưới cơ sở bảo trợ xã hội, linh hoạt trong chính sách để nâng cao đời sống người dân… Đối với lĩnh vực lao động, việc làm, trung bình hàng năm, Bình Dương giải quyết việc làm cho 40.000 - 45.000 công nhân lao động, đồng thời thực hiện chính sách như: Huy động các nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa trong đầu tư xây dựng, nhà ở cho công nhân lao động, người thu nhập thấp; chính sách về tiền lương và bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp, tổ chức dạy nghề… Những chủ trương ưu việt đó đã để lại cảm tình sâu sắc để người lao động ngày càng gắn bó với đất Bình Dương hơn.
Năm mới đang về trên quê hương Bình Dương thân thương, nghĩa tình. Cung đường mùa xuân rực rỡ sắc hoa đón chào năm mới trong gió xuân thoang thoảng hương trà. Mùa xuân năm nay mang theo nhiều thông điệp, những thành tựu mà Bình Dương đạt được trong năm qua đã làm vui lòng người, tràn đầy niềm tin và hy vọng. 43 năm đất nước nở hoa độc lập cũng là chừng ấy thời gian để Bình Dương vượt qua bao khó khăn thử thách, vươn mình trỗi dậy cùng đất nước vững tin hội nhập sâu rộng với quốc tế.
Mùa xuân đang gõ nhịp trên những con đường đất Thủ. Tự đâu đó nảy khúc tình quê: “Thành phố mới đây Bình Dương/ Tầng cao lộng gió phố phường/ Lại thênh thang những con đường/ Dịu dàng Bình Dương yêu thương/ Ngọt ngào Bình Dương quê em”… Ở đó - Phía hừng đông…
KIẾN GIANG