Địa chỉ giúp chị em “tạm lánh”…

Cập nhật: 29-03-2023 | 09:15:28

“Hãy đến với chúng tôi khi bạn bị khủng hoảng, bế tắc vì bất cứ lý do gì hoặc bạn cần hỗ trợ trong trường hợp khẩn cấp…”, đó là thông điệp của những người làm công tác xã hội, đoàn thể và nhờ đó có nhiều trường hợp được giúp đỡ kịp thời. Trong đó “Nhà tạm lánh”, “Địa chỉ tin cậy”… là những mô hình đã giúp đỡ khi nhiều chị em rơi vào cảnh khó khăn…


Một buổi tuyên truyền do Hội Luật gia phối hợp Hội LHPN tỉnh tổ chức

Luôn mở rộng vòng tay

Mái ấm Tình mẹ 2 ở phường An Thạnh, TP.Thuận An là một trong những nơi tạm lánh như thế. Có nhiều chị em bị xâm hại, bị bạo hành, cưỡng bức lao động hoặc bị người yêu thương mình chối bỏ đã tìm đến như tìm một nơi chốn bình yên. Sau một thời gian tạm lánh, họ trở về quê nhà hoặc đi thuê phòng trọ sống, tìm việc làm và bắt đầu một cuộc sống mới. Nói như một chị từng ở mái ấm này là “Tôi muốn làm lại cuộc đời”. Đa số các chị muốn đoạn tuyệt với quãng thời gian bất hạnh đó và họ nhắc đến như một đoạn phim buồn…

Theo TS. Đồng Văn Toàn, Giám đốc Chương trình tâm lý học trường Đại học Thủ Dầu Một, khi công tác phát hiện, can thiệp, xử lý vấn đề bạo lực gia đình của các cấp, các ngành ở địa phương còn một số hạn chế thì mô hình Nhà tạm lánh của Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội, mô hình Địa chỉ tin cậy của các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) đã trở thành nơi “cứu cánh” tạm thời cho những người bị bạo lực gia đình là rất cần thiết. Song để tạo thêm bước chuyển biến, giúp những người bị bạo lực hồi gia cũng như giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, cần thêm nhiều giải pháp và nỗ lực của các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội.

Cùng chung tay hỗ trợ người yếu thế

Thực trạng bạo lực khiến nhiều gia đình tan nát, không ít người tuyệt vọng tìm đến cái chết, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Theo TS. Đồng Văn Toàn, vì vậy rất cần những địa chỉ tin cậy giúp nạn nhân lánh nạn tạm thời trước khi được hỗ trợ. Khó khăn của việc xây dựng Nhà tạm lánh là hết sức tốn kém. Đó là chưa nói người gây bạo lực sẽ tìm đến phá phách; dư luận đổ lỗi cho người đi tạm lánh; các địa chỉ tạm lánh xa xôi sẽ không có điều kiện giúp đỡ kịp thời nạn nhân. Ở Bình Dương hiện đã triển khai xây dựng mô hình Nhà tạm lánh, Địa chỉ tin cậy do Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh, Hội LHPN các cấp thực hiện. Thời gian qua, nhiều nạn nhân được cán bộ hội các cấp hỗ trợ về thức ăn, nước uống, tham vấn tâm lý, trang bị kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, kỹ năng giải quyết căng thẳng. Tiếp đó là được các chuyên gia tư vấn tiến hành hòa giải, hồi gia.

Đối với các trường hợp hòa giải không thành, cán bộ địa phương cũng hỗ trợ về mặt pháp lý để giải quyết ly hôn, giúp nạn nhân tránh khỏi bạo lực gia đình. “Nhiều nạn nhân của bạo lực gia đình cho rằng việc ra đời các địa chỉ tin cậy, tạm lánh là rất cần thiết. Bởi đa phần phụ nữ lúc bị đánh đập thường chạy đến nhà cha mẹ đẻ hoặc nhà hàng xóm. Nhưng về với cha mẹ đẻ thì sẽ bị đưa trả về. Trốn sang nhà hàng xóm thì người chồng sang dọa nạt, sợ mang tiếng lại phải về và tiếp tục chịu đánh đập”, TS. Đồng Văn Toàn chia sẻ.

Đối với tổ chức Hội LHPN các cấp, theo bà Huỳnh Thị Thúy Phương, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, nhiều năm qua, hội đã có các hoạt động thiết thực hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực gia đình ổn định thu nhập, ổn định đời sống. Ngoài hoạt động tín dụng, tiết kiệm, hội còn tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ được đào tạo nghề, vay vốn, khởi nghiệp, tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm hỗ trợ phụ nữ có việc làm, có thu nhập, tự chủ trong cuộc sống. Các “địa chỉ tin cậy” là nơi giúp đỡ kịp thời cho những chị em là nạn nhân của bạo lực gia đình. Câu lạc bộ phụ nữ với pháp luật cũng đã giúp chị em nâng cao hiểu biết về pháp luật, sống tự tin, mạnh mẽ hơn…

Cũng với mục đích giúp đỡ những người đang là nạn nhân của bạo hành, Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh đã xây dựng mô hình Nhà tạm lánh tại khu phố 2, phường Thới Hòa, TX.Bến Cát với Tổng đài miễn phí 18001106. Theo bà Trần Thị Bé, Trưởng phòng Công tác xã hội - Phát triển cộng đồng thuộc Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh, mục tiêu quan trọng nhất của mô hình Nhà tạm lánh là bảo đảm 100% nạn nhân cần được bảo vệ khẩn cấp khi được phát hiện đều được tư vấn về tâm lý, pháp luật cơ bản; được chăm sóc sức khỏe, các dịch vụ hỗ trợ (bố trí nơi ăn, ở, sinh hoạt an toàn…) và kết nối các dịch vụ trong trường hợp cần thiết. “Đây cũng là một mô hình mới triển khai của trung tâm và chúng tôi rất quan tâm về mô hình này, sẵn sàng lắng nghe và giúp đỡ khi có người gọi đến chúng tôi”, bà Trần Thị Bé cho biết thêm.

Sau hơn 10 năm Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực, hiện vẫn chưa có nhiều giải pháp khả thi để các quy định của luật thật sự đi vào cuộc sống. Cũng phải nhìn nhận rằng các mô hình như Nhà tạm lánh chỉ là giải pháp tình thế. Điều quan trọng hơn là biện pháp nhằm nâng cao nhận thức trong mỗi gia đình, trong cộng đồng và các cấp chính quyền địa phương để cùng lên án và điều chỉnh hành vi của các cá nhân cũng như hỗ trợ, bảo vệ kịp thời cho nạn nhân.

QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1237
Quay lên trên