Địa đạo Tam giác sắt: Một trang sử “chân trần, chí thép”

Thứ năm, ngày 09/05/2013

> Bài 1: Hào khí đất miền Đông

> Bài 2: Hồi ức của những cựu binh

 > Bài 3: “Phong hỏa 2” - Sụp đổ một dã tâm

Bài 4: Xê-đa-phôn, mùa hè rực lửa!

Cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của dân tộc Việt Nam đã lùi xa 38 năm. Đối với người Mỹ, họ coi cuộc chiến này là một “vết hằn không bao giờ phai”. Đã có rất nhiều chính khách, học giả, nhà báo… nước Mỹ thốt lên: chiến tranh Việt Nam là một sai lầm lớn. Ngày nay lịch sử đã sang trang, với xu thế hội nhập; khép lại quá khứ để gieo mầm hạt giống hữu nghị là nguyện vọng của nhân loại yêu chuộng hòa bình. Tuy vậy, muốn người thắng, kẻ thua thấu hiểu lẫn nhau thì thế hệ hôm nay cần phải hiểu rõ về quá khứ. Viết về đề tài chiến tranh để thấy sự tàn khốc của nó và nêu cao tinh thần chính nghĩa của dân tộc Việt Nam hướng tới tương lai. Một tương lai không có nguy cơ lặp lại những sai lầm, chết chóc. Ở bài viết này, chúng tôi muốn kể về một trận càn lịch sử mà trong đó đã hội tụ tất cả các yếu tố về sự dã man, sai lầm và hào hùng…  

 Tượng đài Tam giác sắt, biểu tượng anh hùng của ba xã Tây Nam

 “Bóc vỏ trái đất”

Đó là trận càn mang tên Xê-đa-phôn do Mỹ triển khai vào mùa hè năm 1967. Trọng tâm của trận càn là vùng Nam Bến Cát, Củ Chi, Bến Súc với quyết tâm kiên quyết thực hiện chiến thuật mà người Mỹ đã đặt ra gồm: “ba gọng kìm”, “bóc vỏ trái đất”, “tát nước bắt cá”; thực hiện chiến lược “tìm diệt”, đạt bằng được mục đích giữ vành đai an toàn cho Sài Gòn. Lịch sử đã ghi nhận, trong cuộc chiến ở Việt Nam, đây là lần đầu tiên Mỹ tổ chức một trận càn quy mô và kéo dài do 2 tướng Mỹ và tướng ngụy chỉ huy. Mỹ đã huy động nhiều lực lượng cơ động của Sư đoàn bộ binh số 1 gồm: Lữ đoàn 196, Lữ đoàn 173, Lữ đoàn 3, Trung đoàn 1; một chiến đoàn thiết giáp của Mỹ và một bộ phận Sư đoàn 5 ngụy. Tổng số quân địch gồm 32.000 tên và hơn 400 xe tăng, 80 tàu chiến, trên 100 khẩu pháo cùng đủ loại máy bay, máy ủi; đội quân “chuột cống”, chó săn gần 2.000 con. Tại Bến Cát, địch đánh vào các xã Phú An, An Điền, An Tây, Thanh An, Thanh Tuyền… 

Ông Út Ru bên hầm địa đạo còn sót lại

Người dân Tam giác sắt không ai có thể quên được sự ác liệt của trận càn này. Khi màn đêm bao phủ, rừng miền Đông đang yên lặng, bỗng tiếng rít xé trời của máy bay và những tiếng nổ vang trời của bom địch dội xuống làm rung chuyển cả mặt đất. Sau hàng giờ máy bay B52 thả bom, tiếng nổ vẫn chưa dứt đã nghe tiếp hàng loạt tiếng nổ đinh tai, nhức óc của đạn pháo. Pháo các ngả tới tấp bắn vào vùng Tây Nam Bến Cát. Mặt đất bị xé nát, tất cả màu xanh cây trái đều tan hoang và máu của con người đã đổ xuống. Đất miền Đông thân yêu chìm trong khói lửa, quằn quại hứng chịu bom bạn Mỹ. Sau màn dội bom, nã pháo, địch bắt đầu cho xe ủi cày xới nhằm phá hoại địa đạo của ta. Chúng rải cả chất độc hóa học hủy diệt hàng trăm ha rừng. Sau khi đã san bằng mặt đất, lúc này mới đến lượt bộ binh địch xuất hiện. Trong trận càn này chủ yếu là lính Mỹ, lính ngụy chỉ ở ngoài vòng vây, hỗ trợ bắn giết, khi có người ra là chúng bắn như vãi đạn không chừa một ai với phương châm “giết nhầm hơn bỏ sót”.

Khi một tốp lính Mỹ phát hiện thấy hầm, chúng cho xe ủi tung lên rồi cho các đội quân “chuột cống” chui vào địa đạo để săn lùng quân ta. Tuy nhiên, đâu có dễ dàng như chúng nghĩ. Trước kẻ thù tàn bạo, quân ta đã có kế hoạch tác chiến mà địch không hề biết được. Điều làm cho người Mỹ ngạc nhiên là trong mấy ngày càn quét, lính Mỹ không hề gặp một sự kháng cự nào. Chúng càng tưởng rằng Việt cộng đã chết hết nên không còn ai chống cự. Chiều tối, lính Mỹ cụm về từng nơi căng lều bạt hả hê ăn uống để ngày mai càn tiếp. Chúng đâu biết rằng, từ trong lòng đất, một cuộc chiến đang âm thầm xảy ra với chúng.

Thâm độc và thảm bại

Sự khốc liệt của trận càn Xê-đa-phôn không chỉ bởi bom đạn hủy diệt của kẻ thù mà còn cả ý đồ rất thâm độc của địch. Chuẩn bị tấn công sang vùng Tam giác sắt Tây Nam Bến Cát, trước đó một tuần lễ, địch dội bom, pháo rất ác liệt xuống Củ Chi và một số vùng ven Nhuận Đức, Phú Hòa Đông… Một số căn cứ, cơ sở của ta đã chịu thiệt hại khá nặng; hàng ngàn mét địa đạo ở Củ Chi đã bị hư hỏng. Trước tình thế đó, quân dân Củ Chi đã chiến đấu ngoan cường vừa tìm cách vượt sông sang Tây Nam Bến Cát vì tưởng rằng bên ấy yên hơn. Kế hoạch vượt sông của ta đã trúng vào quỷ kế thâm độc của địch. Chúng để ta qua sông là theo ý đồ “tát nước bắt cá” của chúng. “Tát nước” vùng Củ Chi trước, “dồn cá” sang Bến Cát rồi “vét nước” bên Bến Cát để bắt hết “cá”. Nhiều nhân chứng sống sót kể lại, trước âm mưu thâm hiểm của kẻ thù, quân ta thiệt hại rất nhiều. Phần lớn nhân dân và du kích khi mới qua sông đã bị lính ngụy ở vòng ngoài bắn chết. Có những đoàn cán bộ đi công tác ở Trung ương Cục về bị kẹt giữa trận càn ở Củ Chi nên vượt sông qua Bến Cát và rơi vào ổ phục kích của địch nên đã hy sinh. Tuy vậy, sự tàn ác của quân thù vẫn không thể đè bẹp được ý chí chiến đấu kiên cường của quân ta. Vùng Tam giác sắt, sau những ngày đầu đợi chờ trong im lặng thì nay cuộc phản công oanh liệt bắt đầu diễn ra. Ông Đặng Văn Ru (Út Ru), chiến sĩ du kích trong trận càn này kể lại: Dựa vào hệ thống địa đạo, ngay từ đầu, dân quân ba xã Tây Nam Bến Cát đã bám trụ vững chắc, dũng cảm chiến đấu gây cho dịch thiệt hại nặng nề. Trong một trận đánh táo bạo, du kích An Tây và bộ đội bắn cháy 26 xe bọc thép và tiêu diệt toàn bộ lính Mỹ trên xe. Nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm, mưu trí như đồng chí Ba Minh cùng một tổ ba người chỉ một khẩu súng tự động và một trái DH 10 đã cầm chân địch suốt 1 ngày, bẻ gãy nhiều đợt tấn công và diệt hơn 1 trung đội địch.

Trong khi đó, quân dân du kích Phú An cũng bám chặt công sự, dựa vào hệ thống địa đạo chiến đấu dũng mãnh diệt hơn 100 tên địch và 2 xe. Đặc biệt, anh hùng Chê đã dùng súng AK bắn rơi 2 máy bay Mỹ. Tại An Điền, du kích chiến đấu ba ngày liên tục tại ngã ba Chú Lường diệt 94 tên Mỹ và bắn cháy 10 xe tăng.

Tính chung toàn bộ trận càn Xê-đa-phôn vào vùng Tam giác sắt, địch thiệt hại 3.500 tên, 130 xe tăng và thiết giáp, 28 máy bay. Với một đội quân và vũ khí khổng lồ đánh vào một vùng đất nhỏ bé nhưng người Mỹ đã thất bại thảm hại; mục tiêu hủy diệt căn cứ cách mạng của Mỹ đã không đạt được. Tam giác sắt vẫn hiên ngang dứng vững giữa đất miền Đông anh hùng. Sau này, tướng Mỹ A.Mac Casen đã thú nhận: “Cuộc điều tra cho biết, ngay khi quân của ta chưa rút khỏi vùng Tam giác sắt thì Việt cộng đã đột nhập vào từ trước rồi. Như vậy là chẳng bao lâu, căn cứ cách mạng này vẫn đâu vào đấy”.

  Bài 5: Trạm tình báo giữa lòng địa đạo

KIẾN GIANG