Lợi dụng cơ sở nhà mình nằm heo hút cuối rừng cao su, bên bờ hồ Cần Nôm, xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng, chủ cơ sở cưa xẻ gỗ bao bì của ông Trần Tấn Phong, ấp Thanh Tân liên hệ bắt tay với những tay môi giới lao động khét tiếng Sài Gòn - Chợ Lớn đưa lao động về đây bóc lột sức lao động, đối xử họ vô cùng thậm tệ. 10 năm làm giàu bất chính trên mồ hôi nước mắt và máu của những người lao động nghèo, người dân ấp Thanh Tân và Cà Tong, xã Thanh An vô cùng bất bình, nhiều lần thông báo với chính quyền địa phương nhưng ...
Bài 1: Xin việc làm… rồi bị “nhốt”?
Sự việc sẽ đâu vào đấy nếu không xảy ra cái chết bí ẩn của một lao động tên Bồ Sơn Rớt, SN 1988, ngụ ấp Tham A, xã Lai Hòa, TX.Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng ở cơ sở này cách đây 20 ngày. Cái chết của nạn nhân Rớt như một giọt nước tràn ly, sự phẫn nộ của người dân càng dâng cao gấp bội.
Toàn cảnh nhà nghỉ công nhân mà người dân ở đây thường gọi là “chuồng cọp”
Bóc lột người lao động
Nghe thông tin chúng tôi đến, người dân 2 ấp Cà Tong và Thanh Tân cùng nhau kéo đến giải bày, tố cáo sự tàn độc của ông chủ. “Chú tìm đến đây chúng tôi mừng lắm, nhưng thông cảm cho chúng tôi xác minh rõ ràng nhà báo thật hay giả, vì những người ở trong trại kia dữ tợn, hung ác lắm, nhỡ đâu là kẻ dò thám sau đó đến bao vây đánh đập chúng tôi. Vừa rồi ở bên Cà Tong có người tên Tuấn bị họ bao vây đánh nhưng may anh Tuấn thoát được”, một người dân ở ấp Cà Tong nói.
Dù xem tất cả giấy tờ tùy thân, thẻ nhà báo nhưng họ vẫn không tin, bà con yêu cầu cho số điện thoại của Tổng Biên tập Báo Bình Dương mới thông tin cho chúng tôi vụ việc. Nhà nào có xích mích, dù rất nhỏ với trại này coi chừng bị đánh đập. Mấy tháng trước, con ông Ba Rơ nói năng như thế nào không thuận lòng họ, thế là cả bọn bao vây chém nhiều nhát vào lưng thê thảm. Nhưng đó không phải là chuyện họ bức xúc, mà họ phẫn nộ vì những người lao động ở đây bị bóc lột sức lao động như nô lệ, bị đối xử hơn loài cầm thú, rất nhiều lao động thoát ra ngoài đói khát, trần trụi bà con trong xóm quyên góp tiền bạc, quần áo, đưa họ sang tận Củ Chi (TP.HCM) để thoát thân.
“Không thể để họ tự đi một mình, gặp tay chân của chúng là họ bắt đưa trở lại trại. Hậu quả của việc trốn thoát là những ngày bị nhốt, bỏ đói, đánh đập hết sức dã man. Trong trại có xây hẳn một “chuồng cọp” dành cho những lao động có ý định trốn thoát”, một người dân ấp Thanh Tân cho biết.
Xông vào “chuồng cọp”
Theo lời kể của người dân, chúng tôi nhanh chóng tìm cách đột nhập vào trại. Quả thật, trại sản xuất balet này khá rộng, trên diện tích khoảng 3 ha; 3 mặt giáp đất liền được rào kẽm lưới B40 và kẽm gai hết sức kiên cố. Mặt còn lại là hồ Cần Nôm mênh mông, nước sâu hơn chục mét. Anh L.V.C. ở ấp Thanh Tân cho biết, hầu hết công nhân đều thoát qua đường này. Chuyện gặp, cứu những người lao động trốn thoát qua đường này diễn ra như cơm bữa, 10 năm nay anh đã cứu không biết bao nhiêu người.
Hầu hết công nhân trốn thoát qua hồ bằng lối này
Không vào được 3 mặt giáp đất liền, người dân còn rất dè dặt, sợ ông chủ trại thù oán dám đưa nhà báo thâm nhập nhà ông. Bởi “chuồng cọp” này có gắn camera, không khó nhận biết ai là người đưa chúng tôi vào dây. May mắn có anh L.Đ.T. tình nguyện đưa chúng tôi vào. “Để tôi đưa nhà báo đi, đến lúc này chúng tôi không còn sợ gì nữa, tôi phải cho mọi người thấy được trại này làm gì với những người lao động nghèo, khổ sở”, anh T. quả quyết.
Lênh đênh gần 1 giờ đồng hồ trên hồ Cần Nôm, giả danh người nuôi cá, cuối cùng chúng tôi cũng tiếp cận được nơi giam cầm những người công nhân bị đối xử như nô lệ. “Chuồng cọp” thật ra là căn nhà mát của một ông chủ trước đây. Nhà mát được xây làm 3 tầng, cả 3 đều được xây dựng kiên cố. Ngoài tầng hầm, tầng trệt, tầng trên được bao bọc bởi các thanh sắt to chắc chắn. Tất cả đều có khóa ngoài. Bên ngoài là những cái giường để những “cận thần” của ông chủ canh giữ. Camera quan sát được gắn phía trên có thể quan sát mọi người ra vào. Vì lo cho anh T. nên chúng tôi khẩn trương “tác nghiệp” rồi lên ghe trở về.
Theo người dân ở đây, mấy năm nay chủ trại tuyệt đối không thuê mướn người dân địa phương, lao động hầu hết từ các tỉnh miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long có sức khỏe, thiếu học hành. Anh T. cho biết, năm trước bị thất nghiệp, anh làm hồ sơ vào đây xin việc nhưng ông chủ từ chối thẳng thừng.
Lao động về đây từ những tay môi giới việc làm, ai đưa được lao động vào đây được trả 700.000 đồng tiền phí giới thiệu việc làm. Dĩ nhiên những người này không có tiền trong túi, họ phải làm việc để trừ dần. Ông P.V.R., người dân sống gần hồ Cần Nôm kể lại: “Tháng trước chúng tôi phát hiện có 2 thanh niên trốn thoát, 2 người này nói đang làm việc tại trại của ông Phong. Lúc đầu môi giới giới thiệu lương cao nhưng không ngờ bước vào đây điện thoại, tư trang bị chủ giữ hết không cho liên lạc bên ngoài. 2 người này nói, mỗi gói mì tôm ông chủ tính giá cắt cổ 15.000 đồng, còn tiền ăn 30.000 đồng, trong khi lương mỗi tháng chưa tới 2 triệu đồng. Làm quần quật hơn 12 tiếng đồng hồ vậy mà lương tháng không đủ tiền ăn phải nợ lại ông chủ. Còn khi đi ngủ thì bị nhốt trong phòng chưa được 3m2, ông chủ khóa cửa ngoài có gắn camera quan sát. Chịu không nổi nên cả 2 bỏ trốn lạc vào nhà tôi”.
“Chịu không nổi cảnh công nhân bỏ trốn, mỗi lần trốn cả gia đình tri hô cướp. Chủ nhà cầm cây sắt nhọn rượt theo, lục soát từng nhà. Biết nếu để họ bị bắt lại bị đánh đập nên người dân 2 ấp Thanh Tân và Cà Tong khi nghe có tiếng tri hô, gặp được công nhân nào là giấu họ luôn. Sau đó dọn cơm, cho tiền, đưa họ về tận Củ Chi để họ thoát thân. Cả cái xóm này trước đây không bao giờ có cướp, từ ngày có “chuồng cọp” này tiếng la ó cướp, cướp… cứ diễn ra như cơm bữa. Mỗi lần như vậy người dân biết mình phải làm gì. Cứu được phải gom tiền, quần áo để giúp họ không thể để họ bị bắt lại”, ông R. bức xúc nói.
Chúng tôi tìm gặp ông Đặng Văn Ùi, công an ấp Thanh Tân, ông Ùi cho biết: “Trước đây cũng đã đến cơ sở cưa xẻ gỗ bao bì nói trên giải quyết sự việc nhưng nghĩ rằng, đó chỉ là tranh chấp lao động bình thường, khi gặp cảnh công nhân ở đây chạy trốn mới biết sự việc của cơ sở này. Nhưng công an ấp đâu có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động, đành bó tay. Có lần nửa đêm nghe chó sủa, mở cửa thấy 2 thanh niên chạy trốn, hỏi ra mới biết 2 thanh niên trốn trại. Tôi gọi vào nhà, cho ăn, cho quần áo mặc, đến 3 giờ khuya tôi đưa 2 thanh niên này trốn thoát”.
Bài 2: Cái chết tức tưởi của một lao động nghèo
HÒA NHÂN