Trong 8 năm tồn tại (1957-1964), Nhà tù Phú Lợi đã trở thành “địa ngục trần gian”, nơi Mỹ - Diệm áp dụng nhiều cực hình tra tấn dã man, đỉnh điểm là vụ đầu độc hàng trăm tù nhân chính trị vào ngày 1-12- 1958. Biến đau thương thành hành động, Nhà tù Phú Lợi trở thành nơi những chiến sĩ cách mạng thể hiện lòng kiên trung, tinh thần thép, sẵn sàng ngã xuống vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Và “địa ngục trần gian” năm xưa nay lại trở thành “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Biến đau thương thành hành động
Nhà tù Phú Lợi nay là một di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia của tỉnh. Hàng năm, di tích tiếp đón rất nhiều lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam. Khu di tích Nhà tù Phú Lợi trở thành nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Theo các nhân chứng, trong suốt 8 năm tồn tại (1957-1964), Nhà tù Phú Lợi có cái tên mỹ miều là “Trung tâm cải huấn Phú Lợi”, “An trí viện”, nhưng thực chất nơi đây là “địa ngục trần gian” với đủ thứ cực hình tàn khốc nhằm lung lạc ý chí của những người cộng sản. Chúng cho tù nhân ăn uống kham khổ với gạo mục cá ươn, nước mắm có dòi... Toàn bộ tù nhân đều phải sống trong một không gian tối tăm, bẩn thỉu, nằm xà lim, chuồng cọp, không được điều trị khi bị bệnh…
Nhà tù Phú Lợi - “địa ngục trần gian” năm xưa, nay trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Trong ảnh: Đoàn viên thanh niên tham quan trưng bày chuyên đề “Những nhà tù điển hình ở miền Nam Việt Nam 1954-1975”. Ảnh: THU THẢO
Ông Bùi Văn Sửu, cựu tù chính trị từng bị địch bắt giam tại Nhà tù Phú Lợi, cho biết nhắc đến Nhà tù Phú Lợi không thể nào quên vụ đầu độc hàng trăm tù nhân chính trị vào ngày 1-12-1958. Sự kiện này đã gây nên sự phẫn nộ đối với nhân dân trong nước cũng như những người yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Biến đau thương thành hành động, khắp nơi trong cả nước đã dấy lên phong trào hướng về Phú Lợi, làm sôi sục một phong trào đấu tranh cách mạng, thi đua yêu nước trên công xưởng, nông trường, hợp tác xã, thao trường, thông tin đại chúng và sáng tác văn nghệ...
Bằng chứng đanh thép về tội ác
Dù đã nhiều năm trôi qua nhưng hôm nay khi đến thăm lại “Phòng kỷ luật”, ông Bùi Văn Sửu vẫn còn rợn người. Ông kể, những người chống chào cờ, chống học tập sẽ được đưa về đây. Chế độ ở “Phòng kỷ luật” vô cùng khắc nghiệt. Tùy theo mức độ mà hình thức xử lý càng khác nhau. “Ngày đó, chúng tôi còn trai trẻ mới chịu được những trận đòn roi, những kiểu tra tấn dã man của địch chứ nếu tuổi cao sức yếu chắc đã bỏ mạng chốn lao tù. Ở phòng kỷ luật này, bị giam ở xà lim là khổ nhất, chân bị cùm, lưng không ngồi thẳng vì trên đầu có kẽm gai, ăn uống kham khổ…”, ông Sửu chia sẻ.
Ông Võ Văn Bằng, một cựu tù Phú Quốc, cho biết: “Dù không bị bắt giam ở Nhà tù Phú Lợi, nhưng qua những gì tôi được biết thì chế độ khắc nghiệt của Nhà tù Phú Lợi cũng không khác ở nhiều nhà tù lúc bấy giờ, ăn gạo mục cá ươn, muối hạt, nước mắm có dòi… Chúng bắt người tù sống bẩn thỉu, thiếu nước, nằm xà lim, chuồng cọp, lao động khổ sai, bệnh tật không thuốc chữa trị… và áp dụng những đòn điều tra, đánh đập dã man… Chúng đặt ra “24 điều cấm” rất khắc nghiệt để lấy cớ đánh đập tù nhân”.
Nhà tù Phú Lợi là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ
Nói về di tích Nhà tù Phú Lợi, bà Lê Thị Việt Lan, Trưởng ban Liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Bình Dương, cho rằng Nhà tù Phú Lợi là bằng chứng đanh thép chứng minh tội ác của Mỹ - ngụy tại miền Nam Việt Nam. Mỗi một chứng tích ở Nhà tù Phú Lợi đều thể hiện tinh thần yêu nước bất khuất của các chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước.
Trong điều kiện mới của chiến tranh diễn ra, đến năm 1964, Nhà tù Phú Lợi không còn nữa. Từ đó, hệ thống trại giam chuyển thành tiểu khu quân sự Mỹ - ngụy cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30-4-1975.
Chiến tranh đã lùi xa, Nhà tù Phú Lợi khắc nghiệt năm xưa nay đã trở thành Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia (được xếp hạng ngày 10-7-1980). Hàng năm, khu di tích này đón nhiều lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử đấu tranh hào hùng của những người chiến sĩ cách mạng Việt Nam.
THU THẢO