Dịch bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp: Người dân không được lơ là, chủ quan

Cập nhật: 05-08-2022 | 08:07:06

Những tháng qua, tình dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh diễn biến hết sức phức tạp. Theo Sở Y tế, tính đến nay toàn tỉnh đã có 9.437 ca mắc, 13 ca tử vong và tiếp tục có chiều hướng tăng cao khi thời tiết mưa nắng thất thường. Với số ca mắc bệnh SXH tăng cao như hiện nay, Bình Dương đang là địa phương có số ca mắc bệnh SXH cao, đứng thứ 2 trong khu vực miền Đông Nam bộ.

 Cán bộ phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết bảo vệ môi trường phòng, chống dịch bệnh

 Nhiều vật chứa nước có lăng quăng

Hiện nay, các địa phương có ca mắc, tử vong do bệnh SXH tăng cao là TP.Thủ Dầu Một, TX.Tân Uyên, TP.Thuận An, TP.Dĩ An và TX.Bến Cát. Khảo sát thực tế tại một số khu dân cư mới đây cho thấy có rất nhiều điểm chứa lăng quăng (bọ gậy), nhiều vật chứa nước có lăng quăng quanh nhà của người dân. Các vật dụng như lu nước, lốp xe đạp, hũ phế thải... đều có thể trở thành nơi cho muỗi đẻ trứng và chứa lăng quăng. Tại khu vực quanh nhà một số người dân làm nghề sửa xe đạp, rất nhiều lốp xe để ngoài trời và đọng nước mưa, đã phát sinh lăng quăng. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng người dân dùng chum trữ nước mưa nhưng quên đậy lại, gáo dừa và trái dừa ngổn ngang ở sân vườn và bãi đất trống cùng các hũ phế thải đựng đồ ăn chứa nước mưa có nhiều lăng quăng.

Tại nhà trọ 7 Điệp, khu phố Chánh Lộc 7, phường Chánh Mỹ, TP.Thủ Dầu Một đã ghi nhận các trường hợp mắc bệnh SXH. Địa phương đã xử lý ổ dịch 2 lần nhưng kết quả điều tra các dụng cụ chứa nước (lon bia, chậu hoa) tại đây cho thấy chỉ số lăng quăng rất cao (BI=74), gấp 3 lần so với mức cho phép (BI ≤ 20). Anh Nguyễn Văn Rê, người dân ở trọ tại đây cho hay: “Khi biết có người tử vong do bệnh SXH, gia đình có mua thêm bình xịt muỗi nhưng muỗi vẫn rất nhiều. Gia đình lại không quen ngủ mùng”.

Tham gia đoàn giám sát thực tế tại hộ gia đình có người mắc bệnh SXH và các hộ gia đình xung quanh ca bệnh tại TX.Tân Uyên chúng tôi thấy đa số người dân có kiến thức đúng về bệnh. Bên cạnh một số hộ gia đình thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, vẫn còn những hộ gia đình chưa chủ động trong việc diệt lăng quăng tại chính ngôi nhà của mình. Bên ngoài nhà vẫn còn nhiều vật dụng chứa nước có lăng quăng và cả những vật chứa có nguy cơ phát sinh lăng quăng. Điển hình như lu, phuy chứa nước không có nắp đậy.

Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết trong công tác phòng, chống bệnh SXH thì diệt lăng quăng là biện pháp quan trọng nhất. Người dân cần tự giác xử lý các vật chứa nước như trang bị nắp đậy không để muỗi vào đẻ trứng và thường xuyên cọ rửa thành lu, hồ, phuy chứa nước tránh để trứng muỗi bám vào thành. Chính quyền cùng ngành y tế tăng cường giám sát lăng quăng tại các ổ dịch và điểm nguy cơ, xử lý ổ dịch theo đúng quy trình. Với các hộ dân, điểm nguy cơ vi phạm có vật chứa nước phát sinh lăng quăng sẽ thực hiện xử phạt theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính Phủ về hành vi thải, bỏ các chất, vật dụng có khả năng làm lây lan bệnh truyền nhiễm gây dịch.

Cần dọn dẹp nơi ở mỗi tuần

Hiện nay, thời tiết mưa nắng thất thường tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn sinh sôi, phát triển. Theo bác sĩ Chín, năm nay số ca mắc bệnh SXH chủ yếu ở trẻ em, chiếm khoảng 80% tổng số ca mắc. Mặc dù ngành y tế đã thường xuyên tuyên truyền, vận động, khuyến cáo đến bà con nhân dân sống trên địa bàn cách phòng, chống bệnh SXH nhưng ý thức của người dân còn hạn chế, cùng với đó là sự chủ quan của các bậc phụ huynh khi thấy con em mình có triệu chứng nóng, sốt thì tự ý mua thuốc về điều trị, khi bệnh trở nặng mới đưa vào cơ sở y tế.

 

Biểu đồ số ca mắc sốt xuất huyết từ tuần 1 đến tuần 31 (tuần 31 từ ngày 28-7 đến ngày 4-8)

Dự báo sắp tới dịch bệnh SXH sẽ còn diễn biến phức tạp và khó lường. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của cơ quan y tế, dịch bệnh này có thể phòng và tránh nếu mỗi người dân ý thức hơn trong cuộc sống hàng ngày như: Thường xuyên diệt muỗi và lăng quăng, thay nước bình bông hàng ngày, thu gom, hủy bỏ phế thải xung quanh nhà. Cùng với đó, Trung tâm Y tế các huyện, thị, thành phố đã phun hóa chất dập dịch tại các địa phương đang có ổ dịch.

“Người dân cần dành 10-15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình sinh sống, làm việc, từ trong nhà đến xung quanh nhà, thu dọn, không để vật chứa đọng nước làm phát sinh lăng quăng; lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến, cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng ít nhất 1 lần/tuần, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối; đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng, muỗi. Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt, người dân có thể thả cá để diệt lăng quăng; sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc quần áo dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày để tránh muỗi đốt”, bác sĩ Huỳnh Minh Chín khuyến cáo.

Cũng theo bác sĩ Chín, Sở Y tế kêu gọi các ban, ngành, đoàn thể tích cực tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh; chủ động ngăn chặn dịch bệnh, không để dịch bệnh lan rộng, bùng phát. Các cấp chính quyền huy động ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, bảo đảm tất cả hộ gia đình tại vùng có dịch và nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi, tiến hành các hình thức diệt lăng quăng. Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các cá nhân, tổ chức cố tình không thực hiện các hướng dẫn phòng, chống SXH và để dịch bệnh lây lan tại địa phương.

 KIM HÀ  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=691
Quay lên trên