Dịch COVID-19: Các nước châu Á tăng tốc trên đường đua tiêm chủng

Cập nhật: 17-09-2021 | 06:46:59

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Dubbo, Australia ngày 22/8/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một số quốc gia châu Á đang đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 khi các lô vaccine được bàn giao và người dân vượt qua tâm lý do dự với hy vọng các biện pháp hạn chế sẽ dần được nới lỏng.

Nhật Bản và Hàn Quốc đã vượt qua Mỹ về số người được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine và được dự báo sẽ sớm bắt kịp Mỹ về số người được tiêm mũi thứ hai.

Hàn Quốc, quốc gia vốn luôn nỗ lực để có được nguồn cung cấp vaccine, đã tăng tốc chiến dịch tiêm chủng.

Một quan chức cho biết nước này nhiều khả năng đạt được mục tiêu hơn 70% dân số được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine trước tuần này.

Vượt qua những rào cản ban đầu liên quan tới logistics, Nhật Bản đã tiến hành tiêm khoảng 1 triệu mũi vaccine/ngày cho người dân kể từ giữa tháng Sáu, do mức độ khẩn cấp tăng lên sau khi biến thể Delta gây ra một làn sóng ca mắc và ca bệnh nghiêm trọng chưa từng có vào tháng Tám.

Bác sỹ Takahiro Kinoshita, một quan chức thuộc nhóm thông tin vaccine Cov-Navi, cho rằng “điều đó rõ ràng đã thúc đẩy động lực tiêm chủng, đặc biệt là ở nhóm người trẻ tuổi và trung niên.”

Trong khi đó, Thủ tướng Suga Yoshihide đánh giá diễn biến trên phản ánh nỗ lực của Nhật Bản nhằm “quay trở lại cuộc sống thường nhật.”

Trong khi đó, Ấn Độ, với số ca mắc cao thứ hai thế giới, cho biết 42% trong tổng số gần 1,4 tỷ dân đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine.

Về phần mình, Australia, quốc gia đang nỗ lực tăng tốc tiêm chủng trong nỗ lực thoát khỏi tình trạng phong tỏa và mở cửa trở lại biên giới, đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine cho 56% người dân.

Trong một cuộc họp báo tại Canberra, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết mục tiêu 70%-80% dân số tiêm 2 mũi vaccine là "trong tầm tay."

Australia đang ưu tiên cung cấp vaccine cho các thành phố lớn nhất của mình, những khu vực đang áp đặt lệnh phong tỏa, để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ 3 dịch COVID-19 do biến thể Delta gây ra.

Nước này dự kiến sẽ có đủ vaccine để hoàn tất việc tiêm chủng cho những người trên 12 tuổi vào giữa tháng 10 tới.

Ông Paul Griffin, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Queensland (Australia), nhận định mặc dù mỗi quốc gia lại có chiến lược tiêm chủng khác nhau, song động lực của châu Á phản ánh nhu cầu đối với việc tiêm chủng như một giải pháp để hướng tới việc nới lỏng các biện pháp chống dịch.

Trái ngược, một số nước như Mỹ và Anh, vốn vài tháng trước đó đã chạy đua để tiêm chủng cho hàng triệu người, lại là những nước đang chứng kiến tốc độ tiêm chủng chững lại do một lượng lớn người dân từ chối tiêm chủng.

Theo một cuộc thăm dò của Axios-Ipsos, mới chỉ có khoảng 62% dân số Mỹ được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine.

Trước tình hình này, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố một loạt quy định tiêm chủng mới.

Trước Mỹ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã ban hành yêu cầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 bắt buộc trên diện rộng để đảm bảo có thể nối lại phần lớn các hoạt động thường nhật./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=592
Quay lên trên