Dây chuyền sản xuất tại Công ty Ohashi Tekko Việt Nam khu công nghiệp Bình Xuyên. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)
Trong 7 tháng năm 2021, dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh cùng với việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh, thành phố đã ảnh hưởng tới lưu thông hàng hóa.
Sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng đã khiến sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Các doanh nghiệp bộ, ngành đã nêu ra những kiến nghị để sớm ổn định sản xuất, thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Tăng trưởng thấp
Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7/2021 chỉ tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng thấp nhất trong 7 tháng qua.
Ngành khai khoáng tháng 7 giảm 8%; ngành chế biến, chế tạo tăng 2,9%; sản xuất và phân phối điện tăng 6,7%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,4% so với cùng kỳ.
Tính trong 7 tháng qua, nhiều ngành nghề có chỉ số sản xuất giảm. Cụ thể, khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 10,4%; khai thác than cứng và than non giảm 2,9%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị giảm 1,1%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác giảm 15,8%.
Tuy nhiên, một số ngành công nghiệp cấp 2 lại có mức tăng trưởng cao hơn năm trước như: sản xuất kim loại tăng 34,7%; sản xuất xe có động cơ tăng 30,6%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 14,2%...
Tại các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg để phòng chống dịch COVID-19, thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, có 7 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 giảm so với cùng kỳ năm trước.
Đó là Thành phố Hồ Chí Minh giảm 19,4%; Long An giảm 14,6%; Cà Mau giảm 13,7%; Đồng Tháp giảm 5,7%; Trà Vinh giảm 5,3%; Bà Rịa-Vũng Tàu giảm 1,9%; Bến Tre giảm 0,2%.
Tuy nhiên, nhờ các giải pháp quyết liệt, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch bệnh với phương án 3 tại chỗ, thực hiện các đơn hàng sản xuất đã ký kết hợp đồng trước đó, nhiều địa phương vẫn có mức tăng trưởng nhẹ về sản xuất như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội...
Ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI), cho hay việc lưu thông hàng hóa gặp khó, giãn cách xã hội khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành chế tạo, sản xuất linh kiện phải ngừng hoặc giảm công suất sản xuất. Hiện có tới 70-80% số doanh nghiệp trong ngành đang khó khăn, đứng trước nguy cơ dừng sản xuất, phá sản; trong đó, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp này không có doanh thu trong suốt nhiều tháng qua và đang hết sức khó khăn.
Cùng với đó, để giữ chân lao động và sản xuất cầm chừng, đáp ứng các đơn hàng đã ký kết, doanh nghiệp còn phải dành phần tài chính cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Doanh nghiệp đang rất cần sự hỗ trợ về thuế, phí, các khoản vay ưu đãi sớm để vượt qua khó khăn đại dịch, ông Long cho biết thêm.
Sớm sản xuất trở lại
Theo dự báo của các hiệp hội ngành hàng, những khó khăn trong thời gian tới là khó lường khi tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Theo ông Đào Phan Long, để hỗ trợ doanh nghiệp sớm đi vào hoạt động sản xuất, ngoài các nỗ lực về kiểm soát dịch từ các đơn vị, doanh nghiệp thì cũng cần sớm triển khai tiêm vaccine cho người lao động tại các đơn vị, nhà máy…
Công nhân sản xuất đồ gia dụng. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp nằm trong vùng bị phong tỏa, cách ly phải cho người lao động nghỉ việc, giãn việc. Khi doanh nghiệp mở cửa trở lại thì áp lực giao hàng rất lớn, phải bố trí làm ngoài giờ.
“Tuy nhiên, Bộ luật Lao động quy định thời giờ làm thêm không được phép quá 40 giờ trong 1 tháng. Vì vậy, cần cho phép doanh nghiệp sau thời gian phong tỏa được bố trí thời gian làm thêm quá quy định nêu trên để giải quyết các đơn hàng tồn đọng. Doanh nghiệp vẫn sẽ bù trừ các tháng để đảm bảo không quá 300 giờ/năm theo quy định,” ông Long nói.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc điều hành Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vật liệu Tầm nhìn Việt cũng cho rằng, nguy cơ bùng phát tại các khu công nghiệp, nhà xưởng là rất cao. Vì vậy, giải pháp để doanh nghiệp ổn định sản xuất là tiêm vaccine và kiểm soát chặt chẽ người lao động của mình.
“Chúng tôi rất mong sự hỗ trợ của nhà nước để người lao động trong doanh nghiệp sớm được tiêm phòng vaccine, điều này giúp doanh nghiệp đẩy mạnh công suất sản xuất, sớm trả đơn hàng cho đối tác…,” ông Vinh cho hay.
Theo Bộ Công Thương, việc duy trì liên tục các chuỗi giá trị và cung ứng của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là cực kỳ quan trọng trong ngắn hạn cũng như đảm bảo phát triển kinh tế đất nước trong dài hạn.
Tuy nhiên, khi dịch bệnh bùng phát trở lại, tập trung chủ yếu ở các tỉnh có số lượng lớn khu công nghiệp và doanh nghiệp trong các ngành chế biến chế tạo đã khiến hoạt động sản xuất bị gián đoạn, nhiều doanh nghiệp phải dừng sản xuất, ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng, đặc biệt là các đơn hàng xuất khẩu.
Đại diện Cục Công nghiệp-Bộ Công Thương nhận định, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động. Điều này sẽ gây khó khăn rất lớn cho việc tìm kiếm nguồn lao động trở lại của doanh nghiệp khi phục hồi sản xuất sau dịch bệnh, đặc biệt là đối với các ngành nghề yêu cầu lao động có tay nghề, chuyên môn nhất định như cơ khí, điện tử…
Bên cạnh đó, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, các chính sách hỗ trợ của nhà nước về tín dụng, thuế cho doanh nghiệp, an sinh xã hội cho người lao động vẫn còn khó được tiếp cận.
Do vậy, để sớm ổn định, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương đề nghị các bộ, ngành liên quan cần xem xét cho phép áp dụng linh hoạt quy định về giờ làm thêm trong thời kỳ dịch bệnh. Cụ thể, cho phép doanh nghiệp có thể làm thêm nhiều hơn quy định trong tháng để tạo điều kiện tăng ca sản xuất, bảo đảm kịp tiến độ giao hàng - đặc biệt là đối với những đơn hàng xuất khẩu trong các ngành hàng như dệt may, da-giày, điện tử…
Tuy nhiên, Bộ này cũng lưu ý doanh nghiệp vẫn đảm bảo không quá tổng thời gian làm thêm trong cả năm theo quy định của pháp luật về lao động.
Bộ Công Thương cũng đề nghị các bộ ngành rà soát, tham mưu Chính phủ các giải pháp hỗ trợ về tài chính cho các ngành sản xuất; trong đó, xem xét miễn, giảm hoặc gia hạn thời hạn tăng tiền thuê đất, thuê hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Bộ Tài chính xem xét tiếp tục có các chính sách ân hạn, giãn, hoãn nộp các khoản thuế, phí trong một thời hạn nhất định để hỗ trợ doanh nghiệp, cũng như tiếp tục các chính sách ưu đãi về thuế, phí để kích cầu tiêu dùng trong một số ngành hàng./.
Theo TTXVN