Hiện nay, dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang có xu hướng giảm rõ rệt. Nguyên nhân là do toàn tỉnh triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, ra quân triển khai chiến dịch diệt muỗi, phun hóa chất chủ động và triển khai các hoạt động diệt véc tơ truyền bệnh.
Tỉnh đã triển khai đồng bộ các hoạt động phòng chống dịch, ra quân triển khai chiến dịch diệt muỗi, phun hóa chất chủ động và triển khai các hoạt động diệt véc tơ truyền bệnh
Chưa ghi nhận ca tử vong
Tính đến tuần thứ 27 của năm 2023, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 1.233 ca mắc SXH Dengue, giảm 83,5% so với cùng kỳ năm trước và chưa ghi nhận ca tử vong. Trong đó, trẻ dưới 15 tuổi ghi nhận 425 ca, chiếm 34,4% (giảm 86% so với cùng kỳ). Số ca nặng có 35 ca, chiếm 2,8% số ca mắc, giảm 260 ca so với cùng kỳ. Số ca nặng tập trung chủ yếu ở trẻ dưới 15 tuổi chiếm 60% số ca nặng. Cũng theo thống kê, số ổ dịch phát hiện tính đến nay là 340 ổ, giảm 73,8% so với cùng kỳ và xử lý đạt 100%. Khảo sát tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh cho thấy số bệnh nhân SXH đến khám, điều trị giảm hẳn.
Bác sĩ Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết để kéo giảm số ca nhiễm SXH trên địa bàn, ngay từ đầu năm, ngành y tế tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm hạn chế ca mắc và chuyển nặng. Trung tâm phối hợp cùng Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh tập huấn phòng, chống SXH cho cán bộ chuyên trách tại các huyện, thị, thành phố.
“Đặc biệt, trung tâm cũng đẩy mạnh công tác truyền thông tổng vệ sinh môi trường, duy trì chế độ giám sát ca bệnh hàng ngày, điều tra côn trùng hàng tháng tại 2 địa phương là phường Tân Phước Khánh (TP.Tân Uyên) và thị trấn Dầu Tiếng (huyện Dầu Tiếng). Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm, tỉnh phối hợp với Viện Pasteur TP.Hồ Chí duy trì đặt 88 bẫy muỗi để thu muỗi mang vi khuẩn Wolbachia đem về viện xét nghiệm”.
Quyết liệt triển khai các biện pháp
Nhận định tình hình dịch bệnh SXH trong những tháng tới, bác sĩ Trần Văn Chung nhấn mạnh, dịch bệnh có thể có xu hướng gia tăng số ca mắc mới. Nguyên nhân là do đang vào mùa mưa, véc tơ gây bệnh phát triển mạnh và là điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sản, phát triển. Trước nguy cơ gia tăng ca mắc, ngành y tế phối hợp với các địa phương đẩy mạnh truyền thông cho người dân cần duy trì hoạt động tổng vệ sinh môi trường hàng tuần, đặc biệt tại các điểm nóng, nguy cơ. Chính quyền xã, phường, thị trấn cần kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả của hoạt động diệt lăng quăng.
SXH là bệnh truyền nhiễm do vi rút Dengue gây ra và muỗi vằn là trung gian lây truyền bệnh. Muỗi vằn nhiễm vi rút từ việc chích, đốt người bệnh SXH. Sau một thời gian vi rút ủ bệnh và nhân lên trong cơ thể muỗi, chúng bắt đầu truyền vi rút SXH sang người lành thông qua việc chích đốt và hút máu. Người ở mọi độ tuổi đều có thể mắc bệnh SXH. Dịch bệnh SXH có tính chất chu kỳ, tăng cao vào mùa mưa, đây là thời điểm thuận lợi để muỗi vằn truyền bệnh sinh sôi, phát triển.
Hầu hết các ca SXH đều có triệu chứng nhẹ, thậm chí không có triệu chứng, có thể được chăm sóc, phục hồi tại nhà. Trong một số trường hợp hiếm gặp, SXH có thể trở nặng, thậm chí gây tử vong. Cho đến nay, bệnh SXH chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng, chống chủ yếu là diệt muỗi, diệt lăng quăng, ngăn không cho muỗi đốt. Mỗi người dân và cộng đồng hãy chung tay thực hiện “Không có lăng quăng, không có muỗi vằn, không có SXH”.
Ngành y tế cũng đã kêu gọi các ban, ngành, đoàn thể chủ động ngăn chặn không để dịch bệnh lan rộng, bùng phát. Các cấp chính quyền cần huy động các ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, bảo đảm tất cả hộ gia đình tại vùng có dịch, có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước. Các địa phương cần thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các cá nhân, tổ chức cố tình không thực hiện các hướng dẫn phòng, chống SXH, để dịch bệnh lây lan.
4 biện pháp phòng, chống dịch SXH 1. Dành 10 - 15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi làm việc, sinh sống, từ trong nhà đến xung quanh nhà, không để đọng nước làm phát sinh lăng quăng, muỗi. 2. Đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng. Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt lăng quăng. 3. Sử dụng bình xịt, nhang muỗi, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày để tránh muỗi đốt. 4. Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong chiến dịch diệt lăng quăng, tổng vệ sinh môi trường và truyền thông phòng, chống dịch bệnh SXH, các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. |
H.LINH - D.HƯƠNG - H.MỸ