Để có thể mở một cửa hàng ăn uống hay đầu tư một mô hình sản xuất đều cần nhiều vốn, trong khi mở dịch vụ nấu ăn (DVNA) không cần nhiều vốn. Đây đang là một nghề được nhiều người lựa chọn vì có thu nhập cao. Một DVNA cung cấp suất ăn cho công nhân tại các công ty
Kinh tế - xã hội phát triển kéo theo nhu cầu ẩm thực ngày càng nâng lên, do vậy nhu cầu của mọi người hiện nay không chỉ được ăn ngon mà còn được thưởng thức những món ăn lạ, tiệc tùng cũng vì thế mà nhiều hơn so với trước đây. Trong khi đó, bếp núc là công việc không phải ai cũng có thể làm tốt, đó là chưa kể phải dọn dẹp và bưng bê phục vụ. Chính vì vậy mà DVNA ra đời và phát triển.
Để mở DVNA không cần nhiều vốn, nhất là đối với một người từng được đào tạo qua trường lớp, đã có kinh nghiệm trong nấu ăn, ham học hỏi. Với số vốn ban đầu từ 50 đến 100 triệu đồng là đã có thể mở được DVNA. Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá thành mỗi bàn tiệc hiện nay vào khoảng từ 900.000 đồng đến 2 triệu đồng, tùy món. Thực hiện 1 bàn tiệc, người tính toán giỏi có thể lãi ròng khoảng 200.000 đồng, nhận nấu một tiệc 20 bàn, người nấu có thể thu về 4 triệu đồng tiền lãi chỉ trong một ngày. Ngoài ra, mức độ lời lãi nhiều ít còn phụ thuộc vào tên tuổi của DVNA, cũng như món ăn khách hàng đặt.
Là người có thâm niên lẫn kinh nghiệm trong nghề hơn 10 năm, cô Nguyễn Hảo Hiệp, 57 tuổi, chủ DVNA Hiệp Thanh Bình, cho biết: “Kinh tế ngày càng phát triển, nhưng ít nhà sắm sửa đồ để nấu nướng, do vậy họ tìm đến với DVNA ngày càng nhiều. Trước kia, người ta thuê nấu cỗ chủ yếu vẫn là nấu tiệc đám cưới, nhưng hiện nay tất cả họ đều thuê dịch vụ, từ nấu tiệc đám giỗ đến đầy tháng, thôi nôi, sinh nhật, mừng tân gia... Các công ty thì thuê dịch vụ nấu cho công nhân ăn. Vì vậy, DVNA hiện nay không chỉ phục vụ mùa cưới mà quanh năm đều có việc làm”. Theo cô Hiệp, DVNA là một nghề không cần nhiều vốn, mà quan trọng nhất là phải có nghề và uy tín. Mở dịch vụ này mà ít vốn thì có thể khắc phục bằng cách thuê rạp và chén dĩa, bàn ghế, vật dụng cần dùng nơi khác; nhưng không có nghề và thiếu uy tín với khách hàng như chất lượng kém, hình thức các món ăn không bắt mắt, đội ngũ tiếp viên phục vụ thiếu tận tình thì xem như hỏng. Đã theo nghề này thì món ăn phải ngon, lạ; hình thức phải đẹp và đặc biệt là phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, không dùng các loại màu hóa chất. Đội ngũ tiếp viên phục vụ phải chuyên nghiệp, lịch sự và thật thà. Sau khi tiệc xong, tiếp viên phục vụ phải dọn dẹp sạch sẽ cho khách hàng.
Tham vấn về kinh nghiệm làm cách nào để nấu được các món ăn ngon và lạ, cô Hiệp nói gọn lỏn: “Học”. Cô Hiệp cho biết lúc đầu cô biết rất ít món nên phải mướn người, rồi nhìn cách thức người ta nấu để học hỏi. Ngoài ra, cô cũng học thêm từ sách vở. Món nào làm theo sách mà chưa ngon thì cô đi ăn, rồi làm theo. Hễ nghe nơi nào có món ăn nào đó ngon và lạ là cô lại đến ăn để học. Bên cạnh đó cô còn thường xuyên trao đổi phương pháp nấu ăn với những người trong nghề hay những người có kinh nghiệm nấu ăn. “Tuy nhiên, yếu tố quan trọng để giúp món ăn giữ được hương vị tự nhiên và thơm ngon vẫn là cách thức lựa chọn thực phẩm. Thực phẩm được đưa vào nấu phải luôn tươi sống và gia vị phải là nguyên liệu tự nhiên, không có màu hóa chất”, cô Hiệp đúc kết.
DVNA đang là một công việc, một nghề ngày càng phát triển, tạo được công ăn việc làm ổn định cho nhiều người. Tuy nhiên, điều băn khoăn đối với nhiều khách hàng là những dịch vụ này có bảo đảm vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Mong rằng, để giữ nghề, giữ công việc làm ăn, các DVNA cần thực hiện đúng các nguyên tắc về vệ sinh an toàn thực phẩm.
PHƯƠNG AN