Dịch vụ ngân hàng chuyển dịch mạnh về nông thôn

Cập nhật: 12-04-2022 | 08:27:27

Phát triển mạng lưới, dịch vụ ngân hàng bán lẻ, thúc đẩy không dùng tiền mặt tại khu vực nông thôn, vùng xa tuy còn nhiều khó khăn, song đây là khu vực còn tiềm năng thúc đẩy phát triển dịch vụ tài chính - ngân hàng.

 

Giải ngân vốn vay cho khách hàng tại Sacombank chi nhánh Bến Cát

 Phát triển mạng lưới

Năm 1997, Tổ tín dụng (nay là Phòng giao dịch - PGD) Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) là ngân hàng thương mại (NHTM) đầu tiên có mặt tại xã Lai Uyên, huyện Bến Cát (nay là thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng). Với lợi thế tiên phong, Sacombank đã tận dụng cơ hội để kết nối với các đơn vị hành chính sự nghiệp, các công ty, cá nhân để phổ biến về dịch vụ tài chính ngân hàng như huy động, cho vay, chuyển tiền nhanh, phát hành thẻ ATM, chuyển lương qua tài khoản, chi trả bảo hiểm xã hội, thu hộ tiền điện, tiền nước…

Từ khi có PDG này, người dân nơi đây thuận lợi, yên tâm sử dụng dịch vụ của Sacombank bởi thay vì phải ra trung tâm thị xã để thực hiện, mục tiêu mở rộng hoạt động đưa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đến với người dân vùng xa chứng tỏ được hiệu quả. Bà Trần Thái Khánh Linh, Giám đốc Sacombank chi nhánh Bến Cát, cho biết từ khi thành lập đến nay các chỉ tiêu kinh doanh của PGD luôn tăng trưởng vượt dự kiến, trung bình trên 10%/ năm. Đến nay, ngân hàng này đã phát triển thêm 3 PGD tại huyện Dầu Tiếng, huyện Phú Giáo và phường Hòa Lợi (TX. Bến Cát). Đến nay, Sacombank chi nhánh Bình Dương đã phát triển thêm 7 PGD. “Sacombank đã đạt mục tiêu trong việc đáp ứng nhu cầu gửi, vay vốn, cung cấp sản phẩm dịch vụ tiện ích ngân hàng, được chính quyền, người dân địa phương đánh giá cao và đồng tình ủng hộ”, bà Linh đánh giá.

Tại phường An Tây, TX.Bến Cát, gần 2 tháng nay chị Nguyễn Tạ Thanh Thảo, kế toán Công ty TNHH Yong Sheng Funiture Style không còn phải mất nhiều thời gian đến ngân hàng tại trung tâm thị xã để thực hiện các giao dịch tiền tệ. “Từ khi Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) thành lập PGD An Tây, các giao dịch rút, gửi tiền, thanh toán lương cho công nhân của doanh nghiệp trở nên thuận tiện, dễ dàng hơn. Việc sử dụng các dịch vụ không chỉ tiện lợi trong việc thanh toán và chuyển khoản mà còn mang lại rất nhiều tiện ích khác”, chị Thảo nói.

Ông Đinh Phượng Tùng, Giám đốc BIDV chi nhánh Mỹ Phước, cho biết trong những năm qua, tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa ở TX.Bến Cát diễn ra nhanh chóng đã góp phần thu hút nhiều doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Để đáp ứng nhu cầu, công tác phát triển mạng lưới, mở rộng quy mô nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện thị phần luôn là một nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch kinh doanh của chi nhánh. BIDV chi nhánh Mỹ Phước được thành lập tháng 12-2010, quy mô tổng tài sản chỉ hơn 600 tỷ đồng, sau 10 năm hoạt động đến nay tổng tài sản đạt gần 8.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 25%/năm. “Trong năm 2021 lợi nhuận trước thuế của chi nhánh đã đạt hơn 180 tỷ đồng, đóng góp cho ngân sách Nhà nước gần 40 tỷ đồng. Điều này cho thấy ngân hàng đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc triển khai phát triển mạng lưới, dịch vụ bán lẻ tại các khu vực vùng xa của tỉnh”, ông Tùng cho biết.

Thúc đẩy hoạt động

Từ thực trạng mất cân đối giữa khu vực thành thị và nông thôn, hạn chế khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của người dân, những năm qua thực hiện chủ trương của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các NHTM đã tập trung mở rộng mạng lưới PGD tại các địa bàn nông thôn, vùng xa.

Ông Võ Đình Phong, Giám đốc NHNN chi nhánh Bình Dương, cho biết trong thời gian qua, mạng lưới dịch vụ ngân hàng trên địa bàn tỉnh liên tục phát triển, riêng năm 2021, đơn vị đã chấp thuận đủ điều kiện khai trương 2 chi nhánh NHTM, 4 PGD. Tới đây, đơn vị sẽ thành lập mới thêm 6 PGD trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Tính đến nay, toàn tỉnh có 78 tổ chức tín dụng, công ty tài chính và tổ chức tài chính vi mô, trong đó có mạng lưới của 185 PGD. Với mạng lưới TCTD đa dạng, hoạt động khá bao phủ toàn tỉnh đã đáp ứng nhu cầu về tiền tệ, tín dụng thanh toán của nền kinh tế.

Đánh giá chung cho thấy, hiện nay các NHTM vẫn tiếp tục xem phát triển mạng lưới là một nhiệm vụ quan trọng trong việc nâng cao vị thế cũng như sức cạnh tranh, mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng. Tuy nhiên mạng lưới, dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại khu vực nông thôn, vùng xa còn tiềm năng chưa được khai thác hết. Trong đó, do tập quán và thói quen tiêu dùng, người dân tại địa bàn nông thôn, vùng xa tỷ lệ người dân sử dụng công cụ tiền mặt để thanh toán vẫn còn phổ biến, tâm lý cất giữ tiền mặt vẫn tồn tại... Ngoài ra, tâm lý ngại chuyển đổi của người dân khi tiếp cận với các hình thức thanh toán hiện đại, sự lo ngại về an ninh, an toàn khi sử dụng cũng là một lực cản.

 Theo ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc BIDV chi nhánh Bình Dương, để phát triển hoạt động ngân hàng bán lẻ tại khu vực nông thôn, vùng xa cần xây dựng nhiều giải pháp. Ngoài việc không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, cung cấp nhiều sản phẩm dịch vụ mới, NHTM cần tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn ngân hàng trên các mặt nghiệp vụ; tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền phổ biến thông tin và các dấu hiệu tội phạm nhằm tránh những gian lận, tiền giả, lừa đảo trong tín dụng.

 THANH HỒNG  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1746
Quay lên trên