Trước tình hình diễn biến dịch bệnh phức tạp, từ đầu năm đến nay, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) không ngừng tăng quy mô và tỷ trọng thu nhập từ dịch vụ (DV) phi tín dụng. Nỗ lực đó nhằm hướng đến phát triển các DV ngân hàng tiện ích, hiện đại, đồng thời đạt mục tiêu kinh doanh trong năm 2021.
Tỷ trọng thu từ dịch vụ của các NHTM đang tăng trưởng tốt. Trong ảnh: Tư vấn cho khách hàng tại Vietcombank - Chi nhánh Bình Dương
Tăng tốc dịch vụ
Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành tài chính, việc đẩy mạnh phát triển các sản phẩm DV phi tín dụng (thanh toán, ngân quỹ, ủy thác, tư vấn…) sẽ giúp các NHTM phát triển toàn diện hơn, không còn lệ thuộc vào chỉ tiêu tín dụng, đồng thời giảm thiểu rủi ro và cải thiện cơ cấu nguồn thu theo hướng bền vững. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - Chi nhánh Bình Dương, cho biết tính riêng năm 2020, tổng thu từ hoạt động DV phi tín dụng trên địa bàn đạt mức 9,21% trong tổng thu nhập của các NHTM. Trên thực tế, một số NHTM có tỷ trọng thu từ mảng DV càng lớn, càng bảo đảm an toàn tài chính hơn là lệ thuộc vào tín dụng với nhiều rủi ro.
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) - Chi nhánh Bình Dương đang chuyển dịch mạnh mẽ từ kênh phân phối sản phẩm truyền thống sang các kênh số hóa, chủ động đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm DV trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại. Hiện BIDV Bình Dương có hàng chục sản phẩm DV chia thành nhiều nhóm như sản phẩm huy động vốn, DV thanh toán trong nước, thẻ, kinh doanh ngoại hối, ngân hàng điện tử E-Banking… Đến nay, BIDV Bình Dương đã phát hành được 248.906 thẻ với 172.797 khách hàng sử dụng DV ngân hàng điện tử, số dư bình quân tài khoản thẻ là 1.625 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Chi nhánh Bình Dương có nhiều thế mạnh phát triển DV nhờ nền tảng công nghệ hiện đại và hội tụ được nhóm khách hàng xuất nhập khẩu. Mảng DV của ngân hàng này tăng nhanh trong thời gian qua, đang chiếm tỷ trọng 35% trong tổng thu nhập. Ông Nguyễn Thái Minh Quang, Giám đốc Vietcombank Bình Dương, nhận xét trong xu hướng số hóa, ngân hàng điện tử đang phát triển đã mở ra cơ hội cho các ngân hàng tăng thu từ DV thanh toán điện tử, nhất là trong dịch bệnh nhiều người dân đã tăng cường sử dụng các sản phẩm thanh toán điện tử. Đây chính là thời điểm vàng và cơ hội để các ngân hàng có cuộc chạy đua phục vụ khách hàng.
Giảm lệ thuộc vào tín dụng
Theo ông Võ Đình Phong, Giám đốc NHNN - Chi nhánh Bình Dương, trong bối cảnh cách mạng 4.0, ứng dụng công nghệ Fintech, Blockchain, sử dụng thiết bị di động, sự phát triển của công nghệ số, đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ được NHNN - Chi nhánh Bình Dương chỉ đạo, thúc đẩy mạnh mẽ các NHTM trên địa bàn tăng cường đầu tư tài chính, nhân lực, phát triển và nâng cao các dịch vụ phi tín dụng, đặc biệt là các dịch vụ hiện đại, như Internet Banking, ngân hàng số, sử dụng mã QR, ví điện tử... Đồng thời, các NHTM cũng không ngừng mở rộng hợp tác với ngành thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, bảo hiểm xã hội, công ty cung ứng dịch vụ thanh toán, các công ty và tổ chức cung ứng dịch vụ công để đẩy mạnh phát triển sản phẩm DV.
Tuy vậy, cũng theo đánh giá của ông Võ Đình Phong tuy mảng kinh doanh DV của các ngân hàng có phát triển nhưng chưa như kỳ vọng, nhất là với những ngân hàng nhỏ, đang phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng. Thu nhập từ hoạt động DV hiện mới chỉ ở giai đoạn đầu, khách hàng chủ yếu sử dụng các kênh chuyển tiền, thanh toán điện tử mua sắm có giá trị nhỏ. Tiềm năng phát triển của mảng kinh doanh này vẫn còn rất lớn, kỳ vọng sẽ có đột phá nhanh hơn trong thời gian tới khi nền kinh tế phục hồi, thu nhập của người dân được cải thiện. Theo chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025 tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động DV phi tín dụng trong tổng thu nhập của các ngân hàng lên 16 - 17%. Do đó, các NHTM cần tiếp tục nâng cao năng lực quản trị, trình độ công nghệ, đặc biệt đẩy nhanh tiến trình số hóa, phát triển thêm nhiều sản phẩm DV, cũng như chăm sóc khách hàng.
THANH HỒNG