Điểm binh trước thềm V-League 2011: Ai sẽ rớt hạng?

Thứ ba, ngày 18/01/2011

Câu hỏi này còn khó dự đoán hơn cả việc nhận định đội nào sẽ đăng quang vào cuối mùa. Nhưng, nếu cân đong đo đếm kỹ thì dường như đó sẽ là một đội bóng phía Bắc?  

Có thể nói ít có mùa bóng nào mà trình độ và tiềm lực của các đội bóng lại ngang bằng với nhau như ở V-League 2011. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ về lực lượng, mức độ đầu tư và nhất là tham vọng của các đội bóng thì có thể mạnh dạn loại tam đại gia Becamex Bình Dương (B.BD), Đà Nẵng, HAGL ra khỏi danh sách những ứng viên rớt hạng. Đây sẽ là những cái tên chủ chốt cho cuộc đua giành quyền thống lĩnh ngôi vô địch. Có thể chia 11 đội còn lại vào 3 nhóm khác nhau: nhóm cạnh tranh vô địch hoặc top 3; nhóm trụ hạng và nhóm đèn đỏ.

 

Cánh én nhỏ Thành Lương (trái) sẽ không thể mang lại mùa xuân cho HN ACB?

 

Đương nhiên, với thân phận là đương kim vô địch V-League, HN T&T được giới chuyên môn book sẵn một vị trí trong nhóm cạnh tranh ngôi vô địch với tam đại gia nêu trên. Đội bóng “chết đi sống lại” ở mùa trước là Navibank Sài Gòn sau khi được nâng cấp bằng một loạt cầu thủ chất lượng (15 người) sẽ khó mà lận đận ở nhóm cuối bảng như V-League 2010. Thậm chí, LĐBĐ TP.HCM và các nhà bình luận bóng đá còn cho rằng Navibank Sài Gòn sau chiến tích loại HN T&T vừa  rồi ở vòng 2 Cúp Quốc gia còn đủ sức thách thức ngôi vô địch với bất kỳ đối thủ nào ở V-League! Nói vậy thôi, để làm được như HN T&T ở mùa rồi thì sẽ là chuyện trong mơ, nên xếp Navibank Sài Gòn vào nhóm cạnh tranh vô địch cũng đã là ưu ái lắm rồi.

Trong 9 đội còn lại có rất nhiều cái tên từng là hiện tượng của mùa rồi, như Vicem Hải Phòng, Đồng Tháp hay Khánh Hòa và cả cựu vương ĐTLA. Vicem Hải Phòng đang đối diện với cuộc khủng hoảng niềm tin sau sự ra đi của nhạc trưởng Leandro và một loạt trụ cột khác. Đồng Tháp chắc chắn sẽ yếu đi rất nhiều khi chảy máu đến 7 cầu thủ giỏi. Khánh Hòa và ĐTLA cũng mất quân xịn (Quang Hải) hoặc tướng tài (Marcelo Zuleta - Gạch) nên sẽ rất vất vả ở giai đoạn 1 của mùa bóng 2011. Xếp 4 đội này vào danh sách trụ hạng âu cũng là hợp lý?

Với V.Ninh Bình, Hòa Phát Hà Nội và SLNA, họ có lực lượng rất khá, tham vọng cũng chẳng thua kém ai. Tuy vậy, nếu để ý kỹ sẽ thấy trong số này chỉ có SLNA là đủ sức làm nên chuyện lớn, cho dù về lực chưa chắc đã hơn được V.Ninh Bình. Cái thiếu của V.Ninh Bình là một HLV đủ tầm (HLV Nguyễn Văn Sỹ chỉ đủ lực tranh trụ hạng hoặc top 7), trong khi ông Nguyễn Thành Vinh tài năng có thừa nhưng không phải lúc nào cũng khiển được các học trò. Nhưng để trụ hạng thì đội bóng nhà giàu này “dư sức qua cầu”.

Điểm qua danh sách, lúc này chỉ còn lại 2 đội LS Thanh Hóa và HN ACB. Và rất có thể, đây sẽ là hai cái tên chủ lực trong nhóm “đèn đỏ” khi mùa bóng kết thúc. LS Thanh Hóa dù có HLV Lê Thụy Hải dẫn dắt, nhưng HLV Hải “lơ” thường chỉ thành công khi dẫn dắt các đội bóng mạnh về lực cũng như về tiền. Đằng này, LS Thanh Hóa chỉ có tiền đạo Đình Tùng, trung vệ Xuân Hợp, John Wole và HLV Thụy Hải là những cái tên sáng giá nhất, nên khó mà trụ vững lại V-League sau khi mùa bóng 2011 kết thúc. Với HN ACB, tình hình cũng tương tự. Dù có nhiều tiền, nhưng ông chủ ngân hàng ACB với thói quen chi tiêu tiện tặn của mình đã không cải thiện được chất lượng đội hình của mình là bao so với lúc còn chơi ở giải hạng Nhất 2011. Vì thế, nếu không có gì thay đổi, HN ACB sẽ là đối tượng để các đội bóng khác tranh thủ kiếm điểm mỗi khi gặp mặt và đội bóng thủ đô sẽ nhanh chóng quay trở lại mái nhà xưa ở giải hạng Nhất sau 1 năm đi “du lịch”?

CHÍ THANH