Năm học 2019-2020 dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng ngành giáo dục-đào tạo (GD-ĐT) vẫn duy trì được hoạt động dạy học. Thành quả từ sự nỗ lực của thầy và trò đã được minh chứng qua kết quả thi tốt nghiệp THPT vừa qua. Trong số 28 trường THPT công lập trong tỉnh, có nhiều trường đã vươn lên, xếp thứ hạng cao về điểm trung bình môn thi tốt nghiệp.
Với sự tận tâm của giáo viên, chăm chỉ của học trò, trường THPT Lê Lợi (huyện Bắc Tân Uyên) đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020
Ngoài các trường THPT xếp tốp đầu như: Chuyên Hùng Vương, Dĩ An (TP.Dĩ An), Trịnh Hoài Đức (TP.Thuận An), Võ Minh Đức (TP.Thủ Dầu Một), năm nay trường THPT Bến Cát xếp thứ 5 về điểm trung bình môn thi là 7,06 điểm. Con số này đã phản ánh rõ nét nỗ lực dạy và học của thầy trò trường THPT Bến Cát. Thầy Ngô Thanh Đạt, Hiệu trưởng trường THPT Bến Cát cho biết: “Nhà trường thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ban Giám hiệu đã chỉ đạo giáo viên lập kế hoạch ôn tập, xây dựng bộ đề thi đưa lên website của trường để học sinh (HS) cùng học tập. Giáo viên cũng chú ý điểm danh sự chuyên cần đến lớp của HS thật chặt chẽ. Một hình thức mới được trường thực hiện trong năm học vừa qua, đó là tổ chức cuộc thi: “Chinh phục kỳ thi tốt nghiệp THPT”, qua đó dấy lên phong trào thi đua học tập trong HS lớp 12”.
Là một trong số những trường vùng nông thôn còn nhiều khó khăn, năm nay trường THPT Lê Lợi (huyện Bắc Tân Uyên) tiếp tục có 100% HS đỗ tốt nghiệp THPT. Thầy và trò nhà trường càng hãnh diện hơn khi môn ngữ văn có tỷ lệ điểm trên trung bình cao nhất tỉnh, 7/9 môn có tỷ lệ cao hơn tỷ lệ chung của tỉnh, trường được xếp hạng 6/28 trường THPT công lập trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua. Cô Phạm Thị Tùng Oanh, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ kinh nghiệm, nhà trường phân công giáo viên có uy tín, nhiệt tình, trách nhiệm giảng dạy lớp 12. Ban Giám hiệu cũng thường xuyên dự giờ, thăm lớp, góp ý giáo viên rút kinh nghiệm trong giảng dạy. Trường còn tổ chức kỳ thi thử, qua đó ban giám hiệu và giáo viên bộ môn cùng ngồi lại để đánh giá chất lượng HS. Từ đó giáo viên điều chỉnh và quan tâm hơn nữa đối với những HS chưa đạt. Bên cạnh đó, Ban Giám hiệu cũng thường xuyên sâu sát, theo dõi quá trình tổ chức ôn tập. Đối với HS, nhà trường theo sát từng em, những em vắng, giáo viên bộ môn phối hợp với giáo viên chủ nhiệm báo về gia đình, có biện pháp động viên HS đi học đều đặn hơn. Nhờ tích cực thực hiện đồng bộ các biện pháp, chất lượng giáo dục của trường đã được cải thiện rõ rệt.
Trong học kỳ 2 của năm học 2019-2020 gần như thầy trò các trường học trong tỉnh dạy và học qua internet do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Vậy mà kết quả ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay thật tốt đẹp. Thành quả này là tâm huyết của toàn ngành, đặc biệt là nỗ lực vượt qua khó khăn của các trường vùng nông thôn xa xôi của tỉnh. Với trường THPT Long Hòa (huyện Dầu Tiếng), trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay môn vật lý xếp hạng 1, các môn: Toán, hóa học, lịch sử xếp hạng thứ 5 về điểm trên trung bình môn, đây cũng là một nỗ lực lớn của thầy trò nhà trường. Còn nhớ trong thời gian triển khai dạy học qua intetnet, thầy trò trường đã khắc phục những hạn chế để triển khai hiệu quả. Theo Ban Giám hiệu nhà trường, thầy cô đã chịu khó đầu tư công sức, từ khâu thiết kế, quay hình bài giảng, biên soạn tài liệu và soạn đề trắc nghiệm online. Do trường thiếu giáo viên, nên có bộ môn một giáo viên dạy cả 3 khối lớp, gây áp lực lớn cho thầy cô trong soạn giảng.
Các trường THPT khác như: Thái Hòa (TX.Tân Uyên), Tây Sơn, Phước Vĩnh (huyện Phú Giáo)... cũng là những điểm sáng về chất lượng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua. Có thể nói, chất lượng giáo dục năm nay vượt trội là công sức của toàn ngành, trong đó có vai trò của giáo viên. Theo đánh giá của các nhà trường, nhìn chung thầy cô nỗ lực khắc phục khó khăn trong mùa dịch bệnh, quan tâm giảng dạy HS qua nhiều hình thức, cho HS làm bài, sửa bài thường xuyên, sửa những lỗi các em thường mắc phải, nhờ đó mà chất lượng của HS đã tăng lên trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Năm học 2019-2020, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường phân công giáo viên có đạo đức tốt, có kinh nghiệm, có tâm huyết hướng dẫn ôn tập để có điều kiện nâng cao chất lượng thi. Lãnh đạo sở cũng lưu ý nhà trường hướng dẫn giáo viên và HS tham khảo, làm quen với định dạng của đề thi tham khảo Bộ GD-ĐT đã công bố. Nhà trường xây dựng kế hoạch dạy học, ôn tập phù hợp với từng trường, từng nhóm đối tượng HS; tăng cường hướng dẫn HS tự học, tự ôn tập. Tổ chức cho HS ôn tập kết hợp giữa hình thức trực tiếp và qua internet, trên truyền hình để nâng cao chất lượng, hiệu quả. Đối với lớp ôn tập, phụ đạo, trường phân nhóm HS theo khả năng nhận thức, theo các môn thi tự chọn; tổ chức các lớp phụ đạo riêng đối với HS yếu. (Bà Nguyễn Hồng Sáng, Giám đốc Sở GD-ĐT) |
ÁNH SÁNG