Điểm nhấn trong công tác cải cách hành chính
Trong năm 2018, Bình Dương luôn xem công tác cải cách hành chính (CCHC) là một trong những nhiệm vụ cấp thiết để thực hiện mục tiêu xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp và hiện đại. Các cấp, các ngành đã chủ động tham mưu cho tỉnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm theo Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011-2020 của Chính phủ và Kế hoạch CCHC Nhà nước tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020.
(BDO)
Ký kết hợp tác khai thác ứng dụng Zalo trong cải cách hành chính
Hoàn thành 38 nhiệm vụ trọng tâm
Ngay từ đầu năm 2018, kế hoạch CCHC của tỉnh đã xác định 38 nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong công tác CCHC. Tính đến giữa tháng 12-2018, 38/38 nhiệm vụ đã hoàn thành, đạt 100% kế hoạch đề ra. Cụ thể, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), tỉnh đã xây dựng và ban hành 41 văn bản QPPL, trong đó có 11 nghị quyết và 30 quyết định. Về kiểm tra văn bản QPPL, Sở Tư pháp giúp UBND tỉnh tự kiểm tra 28 văn bản, kiểm tra theo thẩm quyền 6 văn bản QPPL do HĐND, UBND cấp huyện ban hành. Trong năm, qua công tác kiểm tra không phát hiện văn bản có sai sót.
UBND tỉnh cũng yêu cầu tổ chức triển khai nghiêm túc, hiệu quả Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình Trung tâm Hành chính công tỉnh, Trung tâm Phục vụ hành chính công TP.Thủ Dầu Một, bộ phận “một cửa” hiện đại cấp huyện; đầu tư, nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận một cửa cấp xã; tăng số TTHC liên thông trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, đặc biệt là liên thông đến cấp xã... |
Thực hiện nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính (TTHC), kiểm soát TTHC, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch như: Kế hoạch hoạt động kiểm soát TTHC năm 2018, kế hoạch rà soát, đánh giá TTHC năm 2018, kế hoạch truyền thông hoạt động kiểm soát TTHC năm 2018… Trên cơ sở những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, các đơn vị, địa phương tập trung xây dựng kế hoạch cụ thể hóa các nhiệm vụ theo tình hình thực tế của đơn vị, địa phương. Về công khai TTHC, 100% TTHC sau khi công bố đều được cập nhật, đăng tải công khai vào cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC theo quy định; đồng thời thực hiện niêm yết công khai trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, bộ phận một cửa của 20/20 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, 9/9 đơn vị hành chính cấp huyện, 91/91 đơn vị hành chính cấp xã, tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức thuận tiện trong thực hiện TTHC.
Cơ chế một cửa, một cửa liên thông được triển khai đồng bộ theo quy định của Nghị định số 61/2018/NĐ- CP của Chính phủ. Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh, bộ phận một cửa hiện đại cấp huyện, cấp xã tiếp tục được kiện toàn, mở rộng, nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết TTHC, đặc biệt là việc thí điểm thành lập và đưa vào vận hành Trung tâm phục vụ hành chính công TP.Thủ Dầu Một đã đem lại hiệu quả thiết thực, được người dân, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Mới đây, tỉnh đã tiếp tục khai trương dịch vụ tiếp nhận, trả kết quả TTHC các cấp qua bưu điện đặt tại UBND các phường thuộc TP.Thủ Dầu Một và sẽ nhân rộng toàn tỉnh; tổ chức ký kết hợp tác khai thác ứng dụng Zalo trong CCHC. Đây là 2 dịch vụ công tiếp tục là điểm nhấn của tỉnh trong công tác CCHC.
Cán bộ “một cửa” cấp tỉnh luôn niềm nở giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp
Hướng đến chính quyền điện tử
Hiện nay, tỉnh đã ban hành khung kiến trúc chính quyền điện tử của tỉnh phiên bản 1.0; hoàn thành, đưa vào khai thác, vận hành dự án “Đầu tư trang thiết bịhội nghịtruyền hình trực tuyến giữa cấp tỉnh vàcấp huyện” và ban hành quy chế quản lý, vận hành, sử dụng hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến. Về phần mềm quản lý văn bản tập trung, 100% cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện kết nối, liên thông các phần mềm quản lý văn bản từ cấp tỉnh đến cấp xã; trục liên thông văn bản được đầu tư nâng cấp, bảo đảm điều kiện kết nối liên thông văn bản đến 4 cấp.
Trong năm 2019, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, các cơ quan ngành dọc trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện tốt mọi công tác về CCHC, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục rà soát, kiến nghị đơn giản hóa TTHC trên tất cả các lĩnh vực. Công bố kịp thời, công khai đầy đủ TTHC theo quy định; tiếp nhận và kịp thời xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định TTHC; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về CCHC... |
Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng từ sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, công tác CCHC năm 2018 đã đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác xây dựng nền tảng hạ tầng phục vụ phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước được chuẩn bị tốt, bảo đảm an toàn thông tin; hệ thống hội nghị trực tuyến đã được triển khai tại 13 điểm cầu; triển khai phần mềm một cửa cho các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã và triển khai trên 300 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 12 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Ngoài ra, tỉnh đã ban hành khung kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Bình Dương, đây là nền tảng để phát triển, xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Bình Dương trong tương lai.
HỒ VĂN