Hỗ trợ kịp thời
Chúng tôi có mặt tại vùng tái định canh Suối Sai của đồng bào dân tộc Khmer vào những ngày hè oi ả của tháng 6. Trời đã gần trưa, cái nóng tăng dần lên từng phút nhưng trong những vườn cao su, vườn điều bà con vẫn đang tích cực lao động. Những căn chòi được dựng lên ven đường trở nên vắng vẻ vì chủ nhân của chúng đã lên rẫy từ sáng sớm. Vào Suối Sai thời gian này chúng tôi không còn thấy vẻ hoang sơ như thời gian trước kia nữa mà thay vào đó là màu xanh của cây điều, cây cao su - màu xanh của hy vọng. Cả một vùng đất rộng gần 100 ha nay đã trở nên màu mỡ và hứa hẹn cuộc sống sung túc cho các hộ đồng bào dân thộc thiểu số tại đây. Những hộ dân được cấp đất trong khu tái định canh này là các hộ đồng bào dân tộc Khmer của xã An Bình, huyện Phú Giáo thiếu đất sản xuất. Dự án thực hiện từ năm 2002 đến năm 2004 thì chính thức đưa đồng bào vào sản xuất. Khu tái định canh có diện tích 200 ha và đến nay đã có 93 hộ được cấp đất với diện tích hơn 90 ha (trung bình 1 ha/hộ để trồng cây nông nghiệp). Được hỗ trợ về cây, con giống, được tập huấn về kỹ thuật canh tác nên đến nay hầu hết các hộ dân đã xây dựng được mô hình kinh tế khá ổn định. Đồng bào đã tập trung trồng điều ghép, trồng cao su và kết hợp trồng xen mì cao sản. Hiện các loại cây trồng đều phát triển tốt và một số vườn điều ghép đã cho thu hoạch.
Đồng bào dân tộc thiểu số canh tác trên vùng đất mới
Ngoài việc cấp đất và hỗ trợ cây, con giống cho đồng bào, UBND tỉnh còn có chương trình hỗ trợ về nhà ở cho các hộ dân gặp khó khăn. Điển hình là gia đình anh Thạch Lu. Ngôi nhà của anh Lu được xây dựng khá hoàn thiện và kiên cố với khung mái tôn cao thoáng đãng. Anh tâm sự: “Trước đây khi chưa được cấp đất và xây nhà, gia đình tôi rất khổ vì có tới 7 miệng ăn. Nhưng từ khi được tỉnh cấp cho 1 ha đất, lại được xây cho cái nhà trong khu tái định canh này thì cuộc sống gia đình tôi đỡ vất vả hơn rất nhiều”. Còn vợ anh Lu thì cho biết: “Ngoài việc được cấp đất ra gia đình tôi còn được cung cấp giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật nên chúng tôi cũng biết cách trồng cây làm sao cho tốt”. Với 1 ha đất được cấp anh Lu cho trồng xen mì cao sản vào vườn điều ghép của mình nên trong thời gian qua cuộc sống gia đình anh đã được cải thiện đáng kể. Hai vợ chồng anh không cần phải chạy vạy từng bữa ăn cho các con như trước nữa. Còn chị Ngưu Thị Hạnh - cũng là hộ được cấp đất trong khu tái định canh vui vẻ cho chúng tôi biết: “Gia đình tôi có đến 9 miệng ăn. Tuy là có đất nhưng chúng tôi rất khó khăn khi nuôi dạy 7 đứa con vì phần đất này cũng rất ít. Được Nhà nước cấp đất để sản xuất tôi rất mừng vì từ nay cuộc sống gia đình tôi chắc chắn sẽ đỡ vất vả hơn”.
Trước đây, khi chưa có đất của khu tái định canh thì đồng bào thường xâm canh vào phần đất của lâm trường Phú Bình tại xã Tam Lập và dĩ nhiên kiểu sản xuất du canh như vậy không bảo đảm cho cuộc sống của những hộ dân nơi đây. Tuy nhiên cho đến nay thì mọi chuyện đã khác hẳn. Theo đánh giá chung, đến nay đa số các hộ đồng bào trong khu tái định canh đều làm ăn có hiệu quả và dần ổn định được cuộc sống. Năng suất cây trồng những năm qua được nâng dần lên.
Tương lai tốt đẹp đang chờ
Vùng tái định canh này được thành lập để cho những hộ dân thiếu đất có điều kiện để sản xuất. Tuy nhiên với diện tích cấp trung bình 1 ha/hộ như hiện nay là chưa thể thỏa mãn hết những ước muốn của bà con dân tộc. Đa số bà con được cấp đất tại đây là những hộ nghèo, gia đình nhiều nhân khẩu nên hầu hết họ đều có nhu cầu mở rộng sản xuất. Anh Thạch Lu cho chúng tôi biết, hiện nay với diện tích 1 ha vừa trồng điều vừa trồng mì của anh thì mới chỉ có thể bảo đảm cuộc sống cho gia đình có 7 miệng ăn, nhưng để kinh tế gia đình anh vươn lên hơn nữa thì cũng rất khó. Nhiều hộ gia đình muốn chuyển đổi qua trồng cao su để sản xuất có hiệu quả hơn nhưng rất nhiều hộ gặp khó về việc tìm ra số vốn để mua cây giống và đầu tư cho việc kiến thiết cơ bản ban đầu. Việc áp dụng kỹ thuật trồng và chăm sóc cũng chưa được bà con thực hành nhuần nhuyễn trong sản xuất, nhiều hộ vẫn còn giữ tập quán canh tác cũ nay đã lạc hậu nên trong một thời gian vườn cây của họ bị giảm năng suất. Bên cạnh đó một vấn đề phát sinh cũng làm nhiều hộ gia đình bức xúc là có một số hộ tự ý bán hoặc cho mướn đất mà không sản xuất nữa.
Quan điểm của Phòng Dân tộc UBND tỉnh trong việc giải quyết vấn đề này là sẽ thu hồi đất của những hộ dân bán và sẽ cấp cho những hộ gia đình khác cần đất để sản xuất. Ông Lê Đình Ngọc, Trưởng phòng Dân tộc UBND tỉnh cho biết: “Các chính sách ưu tiên, hỗ trợ đời sống, sản xuất, dự án trung tâm cụm xã, chương trình 134, 135 đã đầu tư xây dựng đường, trường, trạm và đưa điện về cho dân, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn của tỉnh thay đổi đáng kể; công tác tập huấn khuyến nông ở khu vực đồng bào dân tộc bước đầu có chuyển biến tích cực. Sự hiểu biết của đồng bào về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước từng bước được nâng lên; đời sống ngày càng phát triển, khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự được giữ vững. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục khảo sát để giao thêm đất cho các hộ có nhu cầu, xây dựng kế hoạch các phần đất còn lại cho hiệu quả và tiếp tục chuyển giao khoa học kỹ thuật để đồng bào sản xuất có hiệu quả hơn”. Sự thành công của khu tái định canh Suối Sai là một trong những dự án điển hình cho công tác dân tộc của tỉnh trong thời gian qua. Hy vọng trong thời gian tới cuộc sống của đồng bào trong khu tái định canh này sẽ ổn định hơn nữa bởi các vườn cây của họ đang phát triển xanh tốt, hứa hẹn những mùa vụ có năng suất cao.
Cao Sơn