Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ huyện Phú Giáo đã xây dựng 3 chương trình đột phá nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IV, trong đó có chương trình đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp. Thực hiện chương trình này, Phú Giáo đã tích cực triển khai thực hiện các chính sách của các cấp, các ngành về lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC).
Lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương và lãnh đạo huyện tham quan mô hình trồng dưa lưới của ông Nguyễn Văn Cường, ấp Cà Na, xã An Bình. Ảnh: C.SƠN
Cụm từ NNCNC hiện nay không còn quá xa lạ với người nông dân huyện Phú Giáo. Vài năm trước đây, việc xuất hiện Khu NNCNC An Thái (xã An Thái) do Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I làm chủ đầu tư với quy mô 411,75 ha và Khu chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao do Công ty Cổ phần Đường Bình Dương làm chủ đầu tư ở 2 xã Tân Hiệp và Phước Sang với quy mô 471 ha đã nói lên sức hút và tiềm năng của Phú Giáo trong lĩnh vực NNCNC.
Tiếp đà phát triển, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IV, nhiệm kỳ 2015-2020, Huyện ủy Phú Giáo đã xây dựng chương trình đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp. Huyện đã tạo điều kiện và khuyến khích các hộ gia đình, đơn vị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất. Huyện đã từng bước hình thành được các mô hình sản xuất NNCNC, các trang trại chăn nuôi lớn, tập trung theo đúng quy hoạch. Các trang trại chăn nuôi này đã áp dụng phương pháp, kỹ thuật mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao và giải quyết được lao động việc làm đáng kể.
Dạo quanh một vòng qua các địa phương trên địa bàn huyện có thể dễ dàng bắt gặp các mô hình sản xuất NNCNC trong cả lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Từ yêu cầu sản xuất và từ sự hỗ trợ của các cấp, ngành, địa phương, nông dân huyện Phú Giáo đã sớm hình thành nên các mô hình sản xuất NNCNC như mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi gia súc, gia cầm; mô hình kinh tế tổng hợp; mô hình nuôi cá nước ngọt, cá sấu… Trong lĩnh vực trồng trọt, hiện nay trên địa bàn huyện đã có nhiều mô hình thử nghiệm và canh tác ứng dụng nhà lưới kín, sử dụng hệ thống bón phân và tưới nước tự động trên một số loại cây trồng như cà chua, rau, dưa leo và mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; mô hình nhà lưới trồng cây ăn quả… Có thể kể đến những mô hình NNCNC tiêu biểu của huyện trong thời gian gần đây như mô hình trồng lan theo hướng kỹ thuật công nghệ cao của bà Nguyễn Ngọc Diệp, khu phố 5, thị trấn Phước Vĩnh; mô hình trồng dưa lưới của ông Nguyễn Văn Cường, ấp Cà Na, xã An Bình cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Nói về những kết quả trong phát triển NNCNC của huyện, ông Tô Văn Đạt, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, cho biết trong định hướng phát triển nông nghiệp, Phú Giáo xác định việc đẩy mạnh sản xuất NNCNC là hướng đi đúng đắn và cần thiết. Việc phát triển NNCNC là nhằm thay đổi cơ cấu cây trồng của huyện để không quá phụ thuộc vào cây cao su, vốn là cây trồng có giá cả bấp bênh; đồng thời nâng cao giá trị sử dụng đất nông nghiệp, qua đó nâng cao thu nhập cho người nông dân. Tính đến nay, huyện đã có 104 mô hình sản xuất NNCNC đã và đang mang lại nguồn thu ổn định. Huyện cũng đã xây dựng kế hoạch và tới đây sẽ xây dựng một hệ thống chuỗi tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của người nông dân.
“Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục hướng dẫn cho người dân tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi trong đầu tư sản xuất NNCNC, tập huấn những kỹ thuật canh tác mới. Yếu tố liên kết trong sản xuất giữa các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng sẽ được huyện chú trọng, qua đó nhằm bảo đảm nguồn cung ứng cho các đầu mối tiêu thụ cũng như để nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp của huyện”, ông Tô Văn Đạt nói.
CAO SƠN