Điểm tựa cho hộ nghèo

Cập nhật: 14-09-2011 | 00:00:00

Không chỉ đảm nhiệm tốt những nhiệm vụ chung của Ngân hàng Chính sách xã hội Bình Dương, Phòng Giao dịch (PGD) Dầu Tiếng còn thành công trong việc phối hợp cùng chính quyền địa phương nhân rộng và phát triển đàn trâu, bò trong dân.  Cán bộ PGD (trái) đang duyệt hồ sơ cho bà con vay phát triển đàn bò sinh sản từ nguồn vốn của huyện

Trong những năm qua, PGD Dầu Tiếng là một trong những đơn vị có nhiều đóng góp trong công tác xóa đói giảm nghèo của toàn huyện. Ngoài việc phát triển hệ thống tổ tiết kiệm vay vốn đến tận nhiều ấp tại các xã, PGD cũng đã phát hành sổ tay vay vốn đến từng hộ có nhu cầu. Chính vì thế, dù địa bàn huyện Dầu Tiếng khá rộng nhưng mỗi xã có đến 4- 5 điểm giao dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo. Vào các ngày trong tháng, tổ giải đáp lưu động gồm các cán bộ của PGD phối hợp với các tổ tiết kiệm vay vốn tại xã tiến hành gặp gỡ bà con, giải quyết và tháo gỡ các vướng mắc của họ trong quá trình tìm hiểu và vay vốn của ngân hàng.

Người nghèo ở Dầu Tiếng khi cần tiếp cận các nguồn vốn xóa đói giảm nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội Bình Dương đều được miễn bớt các thủ tục rườm rà, nhận tiền nhanh chóng để đi vào sản xuất và khi trả nợ, họ chỉ phải trả tiền trực tiếp tại các điểm giao dịch ở xã thay vì phải đến tận PGD. Bà Nguyễn Thị Rớt, tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn ấp Xóm Bưng, xã Thanh Tuyền cho biết: “Từ năm 2008, tôi đã bắt đầu được tiếp cận nguồn vốn vay xóa đói giảm nghèo. Sau đó, với số tiền 10 triệu đồng vay được tôi đã mua 1 con bò trị giá 13 triệu đồng. Chỉ sau 3 năm, tổng số tiền bán bò được là 31 triệu đồng. Đó là một số tiền quá lớn để tôi cải thiện cuộc sống gia đình”. Cũng theo bà Rớt cho biết, cùng vay chung đợt với bà năm 2008 còn có 20 hộ nữa nhưng ở đợt đáo hạn giữa năm 2011 vừa rồi, chỉ có 13 hộ... còn nghèo. Như vậy, chỉ trong vòng 3 năm, 8 hộ trong ấp đã thoát được  nghèo nhờ sự trợ giúp không nhỏ của gói vay xóa đói giảm nghèo từ PGD Dầu Tiếng.

Ông Lê Ngọc Linh, Phó Giám đốc PGD Dầu Tiếng cho biết: “Tính đến hết tháng 8, tổng dư nợ của PGD đã lên đến 144,984 tỷ đồng. Trong đó số dư nợ hộ nghèo là 42,380 tỷ đồng/3.533 khách hàng, vay sinh viên là 27,081 tỷ đồng/1.989 lượt khách hàng, nước sạch vệ sinh môi trường là 33,232 tỷ đồng/4.447 khách hàng...”. Trong số 7 chương trình vay vốn hiện đang áp dụng tại PGD, đáng chú ý có 1 chương trình của riêng tỉnh Bình Dương và 1 chương trình lấy nguồn vốn từ huyện. Năm 2009, khoản vay cho xe 3 - 4 bánh chuyển đổi nghề theo chương trình cấm xe lôi, xe 3 bánh ra đời. Và từ đó đến nay, đã duyệt cho vay 93 hộ với tổng số tiền 3,270 tỷ đồng (30 triệu đồng/hộ).

Đặc biệt, vào tháng 11-2011, PGD Dầu Tiếng phối hợp với hội nông dân cho vay tiền để bà con nghèo phát triển đàn trâu, bò. Với nguồn vốn 2 tỷ đồng từ ngân sách huyện Dầu Tiếng, PGD đã bắt tay vào việc duyệt các khoản vay với số tiền 20 triệu đồng/hộ. Đến nay, sau 9 tháng, PGD Dầu Tiếng đã duyệt vay cho 100 hộ với tổng số tiền 2 tỷ đồng, tổng mức dư nợ đến cuối tháng 8-2011 là 1,979 tỷ đồng. Ông Lê Ngọc Linh cho biết thêm: “Sau khi duyệt vay và chi tiền cho bà con phát triển đàn bò sinh sản, chúng tôi thường xuyên phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện để kiểm tra, đôn đốc bà con và nhận thấy nguồn vốn vay này phát huy hiệu quả cao. Chính vì thế sắp tới, PGD sẽ đề xuất xin thêm vốn từ UBND huyện để tăng thêm tiền giúp thêm nhiều hộ phát triển đàn bò sinh sản, thoát nghèo”.

KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=295
Quay lên trên