Điện Biên Phủ - Đi giữa những tháng ngày lịch sử (Bài 4)

Cập nhật: 06-05-2024 | 08:57:09

Bài 4: Âm hưởng miền Đông Nam bộ giữa chiến trường Điện Biên

Những câu chuyện từ chiến trường của chiến sĩ Điện Biên, những đúc kết, đánh giá, phân tích của các chuyên gia, nhà khoa học, tướng lĩnh về chiến thắng Điện Biên Phủ ngay trên mảnh đất Điện Biên anh hùng đã cho thấy rõ hơn tầm nhìn chiến lược cũng như nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phát huy thế trận chiến tranh nhân dân tạo sức mạnh tổng hợp, cùng với cả nước hướng về Điện Biên Phủ, phân liên khu miền Đông Nam bộ đã anh dũng chiến đấu với tinh thần “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Phân tán lực lượng địch

Trở lại thăm Điện Biên trong dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, bà Võ Hạnh Phúc, con gái Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chia sẻ câu chuyện về 5 ngón tay của Bác Hồ. Đó là câu chuyện về phân tán lực lượng: “Giặc Pháp muốn tập trung thì chúng ta buộc chúng phải phân tán”…

Đoàn viên thanh niên TP.Bến Cát về nguồn tại di tích lịch sử bót Cầu Định (phường Tân Định, TP.Bến Cát)

Đầu tháng 10-1953, tại cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về chiến dịch Đông Xuân 1953- 1954 ở Tỉn Keo (huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên), sau khi nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình về quân đội viễn chinh Pháp tập trung một lực lượng cơ động lớn để hòng giành lại chủ động trên chiến trường, Bác Hồ đã giơ 5 ngón tay lên và nắm lại. Theo Bác, địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh thì ta buộc chúng phải phân tán ra, sức mạnh đó sẽ không còn. 5 ngón tay của Bác Hồ ứng với 5 hướng tiến công chiến lược trước Điện Biên Phủ, đó là: Giải phóng Lai Châu, bao vây Điện Biên Phủ; phối hợp với quân đội Pa-thét Lào giải phóng nhiều địa phương ở Trung Lào và Hạ Lào; giải phóng Kon Tum và miền Bắc Tây nguyên; giải phóng Phông Sa Lỳ và lưu vực sông Nậm Hu, tiến sát Luông Pra-băng; thắng lợi của các chiến trường phối hợp ở đồng bằng Bắc bộ, Bình Trị Thiên, Trung Trung bộ, cực Nam Trung bộ và Nam bộ.

Từ tháng 9-1953 đến tháng 3-1954, Tỉnh ủy Thủ Biên chủ trương phát huy chiến thắng, tiếp tục tiến công đánh mạnh vào hệ thống đồn bót của địch trên các trục giao thông quan trọng, các điểm xung yếu bao quanh thị trấn, thị xã, tiêu hao, tiêu diệt, kiềm chân địch nhằm tạo đà cho sự phát triển tiếp theo ở vùng sau lưng địch. Các lực lượng vũ trang tỉnh Thủ Biên đã đánh 137 trận lớn nhỏ, diệt 1.148 tên địch, làm bị thương 194 tên, thu 186 súng các loại, phá hủy 19 xe quân sự, đánh sập 3 bót, 5 tháp canh, bức rút 25 tháp canh khác…

Đối với chiến trường Nam bộ, Bộ Chính trị chủ trương đẩy mạnh chiến tranh du kích, lợi dụng địch tập trung lực lượng trên các hướng khác mà tăng cường hoạt động, làm tiêu hao, tiêu diệt nhiều bộ phận sinh lực địch. Với phương châm “du kích là chính, học tập đánh vận động trong điều kiện thuận lợi”, bộ đội và du kích Đông Nam bộ chia thành từng phân đội nhỏ lẻ, đánh tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch ở nhiều nơi như ở Thủ Biên, Bà Chợ, Gia Ninh...

Miền Đông “chia lửa”

Trong tham luận gửi đến Hội thảo khoa học cấp quốc gia về chiến thắng Điện Biên Phủ diễn ra tại tỉnh Điện Biên, Trung tướng Nguyễn Trường Thắng, Tư lệnh Quân khu 7, cho biết ngày 29-12-1953, tại chiến khu Dương Minh Châu (tỉnh Tây Ninh), Phân liên khu ủy miền Đông Nam bộ tổ chức hội nghị quân - dân - chính đề ra 6 nhiệm vụ để thực hiện trong năm 1954. Khi chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra, 6 nhiệm vụ được điều chỉnh, tập trung vào 3 nhiệm vụ chính là giữ vững và đẩy mạnh chiến tranh du kích; củng cố và mở rộng căn cứ địa; đẩy mạnh công tác binh vận.

Ông Vũ Tiến Luyến, chiến sĩ Điện Biên, hiện đang sinh sống tại phường An Thạnh, TP.Thuận An, kể chuyện về chiến thắng Điện Biên Phủ trên sơ đồ. Ảnh: MINH HIẾU

Quán triệt nghị quyết của Trung ương Đảng và căn cứ thực tình hình trên chiến trường, Tỉnh ủy Thủ Biên chủ trương đẩy mạnh cuộc tiến công quân sự kết hợp công tác binh vận tạo ra bước chuyển biến mới phối hợp với chiến trường chính Điện Biên Phủ. Tại huyện Bến Cát (nay là TP.Bến Cát), ta mở đầu đợt hoạt động trên Quốc lộ 13, liên tỉnh lộ 14. Ngày 5-9-1953, lực lượng Đại đội 55, Đại đội 65 của Tiểu đoàn 303 và Đại đội Lê Hồng Phong (Bến Cát), tiến công đồn Bến Tranh xã Thanh An kết hợp “nội công, ngoại kích”, ta đã “xóa sổ” Đại đội Commando đóng giữ đồn Bến Tranh, bắt giữ 54 tên, thu trên 100 súng và nhiều đồ dùng quân sự.

Trong khi đó, tại xã Mỹ Phước (nay là phường Mỹ Phước, TP.Bến Cát), trinh sát Tiểu đoàn 303 phối hợp với lực lượng huyện Bến Cát và du kích xã Mỹ Phước tập kích, đánh thiệt hại nặng trung đội địch đóng bót Cây Xoài, xã Mỹ Phước... Trong 2 tháng 11 và 12-1953, lực lượng vũ trang tỉnh Thủ Biên tập trung hoạt động mạnh địa bàn huyện Châu Thành và Lái Thiêu. Tỉnh linh hoạt sử dụng lực lượng lúc tập trung, khi phân tán; kết hợp bộ đội chủ lực tỉnh, bộ đội địa phương huyện và du kích xã chặn đánh lực lượng Commando đột kích vùng du kích Tân Hiệp, Thái Hòa, Khánh Vân...

Tại huyện Châu Thành, lực lượng vũ trang ta luồn sâu xuống xã Tân An, tập kích trụ sở văn phòng xã. Tiếp đó, ta tiến công tiêu diệt trung đội địch đóng giữ bót Tương Bình Hiệp, cách trung tâm thị xã chưa đầy 3km về phía bắc, bắt sống 11 tên (có cả tên đồn trưởng), thu toàn bộ vũ khí. Từ tháng 3 đến cuối tháng 5-1954, tỉnh sử dụng Tiểu đoàn 303 chủ lực cùng bộ đội địa phương huyện, dân quân, du kích mở đợt hoạt động trên diện rộng tại địa bàn huyện Bến Cát, Châu Thành, Lái Thiêu đánh địch đột kích vào khu du kích Thái Hòa, Tân Phước, khu Thuận - An - Hòa; tập kích địch tuần tiễu trên Quốc lộ 13, hạ tháp canh Sở Xoài, Bình Trị... tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch càn quét vào căn cứ Vĩnh Lợi, Sở Bác Vật... Nhiều trận đánh ta thắng lớn như ở Bến Tranh, Cầu Định (Thủ Biên), Bàu Sen (Gia Ninh), Phú Thọ Hòa (Sài Gòn - Chợ Lớn)… Vang dội nhất là trận tấn công địch đóng bót Cầu Định (án ngữ Quốc lộ 13, cách Thủ Dầu Một 10km về phía bắc).

Phát huy chiến thắng cầu Định, lực lượng vũ trang tỉnh cùng bộ đội địa phương huyện Bến Cát tấn công đồn Bến Tranh (xã Thanh An) lần thứ hai, diệt và bắt sống toàn bộ đại đội địch; diệt gọn trung đội địch đóng đồn Cây Trắc. Bộ đội địa phương Châu Thành chống càn 11 ngày đêm, bẻ gãy cuộc càn quét của 2 tiểu đoàn Âu - Phi vào căn cứ Truông Bồng Bông, loại khỏi vòng chiến đấu 80 tên... (còn tiếp)

Chiến thắng Cầu Định là đỉnh cao trong đợt tiến công Đông Xuân năm 1953- 1954, là sự phối hợp và phát huy chiến thắng Điện Biên Phủ tuyệt đẹp của quân và dân tỉnh Thủ Biên trong những ngày cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta. Trận đánh bót Cầu Định đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Trong trận đánh bót Cầu Định đã xuất hiện tấm gương Ngô Chí Quốc, tiểu đội trưởng trinh sát đặc công Tiểu đoàn 303, dũng cảm ôm bộc phá lao lên mở cửa, tạo điều kiện cho đơn vị xung phong tiêu diệt địch. Ngô Chí Quốc anh dũng hy sinh và được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân...

NHÓM P.V

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=293
Quay lên trên