(BDO) Ngày 9-10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và UBND tinh Bình Dương đã phối hợp tổ chức hội nghị diễn đàn trực tuyến “Kết nối tiêu thụ nông sản tỉnh Bình Dương năm 2021”. Diễn đàn diễn ra bằng hình thức trực tuyến với 3 điểm cầu chính là Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai cùng các điểm cầu phụ tại các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Bình Dương.
Tham dự diễn đàn có ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT; Tổ công tác 970; ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan. Tham dự tại các điểm cầu có đại diện hiệp hội, doanh nghiệp, nhà bán lẻ và nhiều đơn vị thu mua, hệ thống bán lẻ trong cả nước.
Ông Mai Hùng Dũng phát biểu tại diễn đàn.
Theo báo cáo, trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, Tổ công tác 970 (Bộ NN&PTNT) và ngành nông nghiệp tỉnh Bình Dương đã hỗ trợ sản xuất, kết nối cung cầu và tiêu thụ nông sản của tỉnh triển khai bán hàng tại 20 điểm. Lượng hàng cung ứng hàng ngày khoảng 6 tấn rau, củ, quả, 300-350kg thịt, 27.000 trứng/điểm; đồng thời tổ chức các chuyến xe bán hàng lưu động tại các huyện, thị xã, thành phố.
Bên cạnh đó, Tổ công tác 970 và ngành nông nghiệp tỉnh Bình Dương đã hỗ trợ các hợp tác xã, trang trại triển khai kênh bán lẻ online trên facebook/zalo, giao hàng trực tiếp đến các đầu mối đặt hàng; hỗ trợ tiêu thụ nông sản tồn cục bộ với 150 tấn chuối, 250 tấn dưa lưới, 250 tấn bưởi, 50 tấn rau, 90 tấn nấm bào ngư.
Ông Mai Hùng Dũng cho biết, trong quá trình thực hiện các quy định phòng chống dịch bệnh Covid-19, ngành sản xuất nông nghiệp đã gặp không ít khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là việc tổ chức tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, hội nghị kết nối cung cầu sản phẩm nông sản Bình Dương hôm nay có ý nghĩa rất quan trọng, là một nơi để người sản xuất giới thiệu những sản phẩm ưu tú, chất lượng mình đã làm ra bằng cả tâm huyết, cũng là nơi để người sản xuất lắng nghe yêu cầu của thị trường để có cơ sở điều chỉnh quá trình sản xuất của mình, tiếp tục cải tiến, điều chỉnh để tiếp tục cung ứng cho thị trường những sản phẩm chất lượng hơn, tính cạnh trạnh cao hơn.
Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để các cơ quan quản lý chuyên ngành, các cơ quan tham mưu của tỉnh trực tiếp trao đổi hướng dẫn hỗ trợ cả phía bên sản xuất lẫn bên thu mua có cơ sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm trong thời gian tới...
Ông Trần Thanh Nam đánh giá, tiềm năng nông sản tỉnh Bình Dương có nhiều lợi thế phát triển, chưa kể đến tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng của nhiều địa phương trong tỉnh. Ông hy vọng tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục triển khai cấp mã số vùng trồng, đáp ứng được các tiêu chuẩn GAP ở những vùng nguyên liệu, phấn đấu đến năm 2025 trở thành điểm đến tin tưởng của các doanh nghiệp bán lẻ, xuất khẩu, các đối tác có thể yên tâm ký kết bao tiêu sản phẩm.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng gợi ý về việc kết nối các sản phẩm nông sản vào tiêu thụ trong các khu công nghiệp của tỉnh.
Tin, ảnh: Thoại Phương