Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, từ năm 2009 đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã trồng mới trên 66.400ha cao su đưa tổng diện tích cao su toàn vùng tăng lên gần 174.720ha.
Trong đó, diện tích cao su tập trung nhiều nhất là tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk. Diện tích cao su trồng mới chủ yếu nằm trên diện tích đất lâm nghiệp, đất rừng nghèo kiệt chuyển đổi sang.
Theo kế hoạch, mùa mưa năm nay, các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục trồng mới thêm 32.000ha.
Khai thác mủ cao su ở xã IaDơk, huyện Đức Cơ, Gia Lai. Thực hiện chủ trương chuyển đổi diện tích đất rừng, rừng tự nhiên nghèo kiệt sang trồng cao su theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh Tây nguyên đã tiến hành khảo sát, quy hoạch, lập hàng trăm dự án để chuyển đất lâm nghiệp, rừng nghèo sang trồng cao su, đồng thời, thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về quản lý đất đai, pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng...
Phần lớn diện tích rừng nghèo, đất lâm nghiệp đã chuyển sang trồng cao su đều đảm bảo các tiêu chuẩn phù hợp với yêu cầu sinh trưởng, phát triển của cây cao su.
Riêng tỉnh Đắk Lắk đã quy hoạch, phát triển cây cao su phân bổ trên địa bàn 77 xã, phường, thị trấn, thuộc 12 huyện, thị xã đến năm 2015 tăng lên 41.530 ha (tăng trên 11.530 ha so với hiện nay).
Việc phát triển cao su đại điền, tiểu điền ở các tỉnh Tây Nguyên cũng đã giải quyết việc làm ổn định, tăng thu nhập cho hàng vạn lao động, nhất là lao động là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.
Tuy nhiên, cũng theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay, các tỉnh vùng Tây Nguyên đang xảy ra tình trạng giao đất, cho thuê đất ồ ạt, tràn lan để các doanh nghiệp phát triển cao su. Nguy hại hơn, một số địa phương lại giao đất, cho thuê đất cho một số doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm trồng cao su, năng lực tài chính hạn chế (chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân) nên xảy ra tình trạng mua đi bán lại dự án.
Thậm chí, có dự án do điều tra, khảo sát không đầy đủ, giao đất trồng cao su cho doanh nghiệp chồng lên đất canh tác của dân nên luôn tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến việc tranh chấp, khiếu kiện.
Theo TTXVN