Những ngày này, dư luận đang rất quan tâm đến việc Sở Y tế Bình Dương bất ngờ phát đi văn bản có nội dung đề nghị các cơ sở y tế trong và ngoài địa bàn không tiếp nhận, ký hợp đồng, tuyển dụng hay đào tạo đối với 6 bác sĩ đã vi phạm cam kết viên chức với tỉnh Bình Dương. Cụ thể, 6 bác sĩ được đề cập trong văn bản của Sở Y tế từng nhận đãi ngộ về chính sách và tiền bạc để được đi học tập nâng cao trình độ nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực y tế địa phương. Trong thời gian đi học, các bác sĩ đều được ngân sách hỗ trợ học phí lẫn sinh hoạt phí. Có trường hợp còn được nhận số tiền hỗ trợ lên đến gần nửa tỷ đồng theo đề án tăng cường đội ngũ chuyên môn y tế.
Thực trạng viên chức nhận hỗ trợ từ ngân sách để tu nghiệp nhưng không chịu thực hiện cam kết với địa phương đã từng xảy ra tại nhiều nơi. Thậm chí, ở vài địa phương, viên chức nhận hỗ trợ từ ngân sách để du học nước ngoài nhưng hết khóa học không trở về công tác. Kết cục là phải đưa nhau ra tòa án giải quyết những vấn đề mang tính thủ tục về nghĩa vụ. Câu chuyện ngỡ như bình thường ấy lại “đắng lòng” với những người trí thức về cách hành xử.
Thật ra, trong bối cảnh ngành y tế cả nước đang gánh chịu nhiều áp lực thì câu chuyện trên cũng cần được nhìn dưới cả góc độ của những bác sĩ. Khi quyết định ra đi, dĩ nhiên họ cũng có những góc khuất nhất định như khó khăn về vật chất, áp lực về công việc, về cơ chế, cách vận hành… Ai cũng hiểu được những áp lực với ngành y, đặc biệt là tại các cơ sở y tế công lập lại càng rất lớn. Và dĩ nhiên, tất cả các tâm tư ấy cần được lắng nghe thật thấu tình, đạt lý.
Mọi lĩnh vực đều có những cám dỗ nhất định và ngành y cũng không ngoại lệ. Song, “Lời thề Hippocrates” vẫn còn đó đối với mỗi bác sĩ như một quy chuẩn đạo đức ứng xử của người thầy thuốc trong nhiều thế kỷ: “Tôi luôn nhớ rằng mình vẫn là một thành viên của xã hội, với những nghĩa vụ đặc biệt cho đồng bào của tôi, tâm trí và thể xác tôi cũng như các bệnh tật”.
TIỂU MY