Ảnh minh họaNhiều mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, gas và thực phẩm... đang dần ổn định. Tuy nhiên, những thách thức mà nền kinh tế đang phải đối mặt, như lạm phát có nguy cơ tăng cao trở lại, lượng tiền trong lưu thông tăng mạnh, thiên tai, dịch bệnh tiềm ẩn nguy cơ bùng phát... là những yếu tố sẽ tác động đến giá cả những tháng cuối năm.
Giá giảm nhưng nỗi lo vẫn còn
Theo Sở Công Thương Bình Dương, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm 2010 đã tăng 3,67% (thấp hơn so với cả nước là 4,78%) so với tháng 12-2009. Trong đó, nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng vẫn tăng cao nhất với 8,58% và 15,56%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,03% và 8,11%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 3,55% và 5,37%; đồ uống và thuốc lá tăng 3,51% và 4,66%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 3,42% và 5,84%...
Mặc dù chỉ số CPI trong tháng 6 không tăng đột biến nhưng từ nay đến cuối năm có thể có những nhân tố bất lợi khiến CPI tăng cao như thời tiết, dịch bệnh còn nhiều diễn biến bất thường; mùa du lịch cũng đã bắt đầu nên giá một số nhóm hàng như thực phẩm có thể tăng cao hơn. Bên cạnh đó, việc Nhà nước và doanh nghiệp thực hiện lộ trình giá thị trường với một số mặt hàng thiết yếu, như xăng dầu, nước sạch, điện... cũng tạo ra sức ép tăng giá hàng hóa lớn trên thị trường. Không chỉ có vậy, từ 1-5-2010, mức lương tối thiểu chung áp dụng đối với 4 loại hình cơ quan; lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng tăng cũng góp phần làm tăng quỹ tiêu dùng xã hội, tăng lượng tiền ra lưu thông và tác động tâm lý gây sức ép tăng giá.
Để bình ổn giá, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Đối với mặt hàng xăng, dầu, 6 tháng đầu năm, bộ đã nhiều lần có quyết định can thiệp, yêu cầu các DN kinh doanh xăng, dầu đầu mối giảm giá bán theo đúng diễn biến thị trường. Mặt hàng xi măng, thép xây dựng cũng đã được đưa vào diện phải đăng ký giá... Theo bà Nguyễn Thị Điền, Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương cho biết: “Chương trình bình ổn giá được thực hiện với quy mô lớn, số vốn vay ưu đãi với lãi suất bằng 0% dành cho DN dự trữ hàng hóa lên tới hàng trăm tỷ đồng, nhằm dự trữ hàng tết và phục vụ bình ổn giá. Những giải pháp này đã có tác dụng tích cực trong việc cân đối cung cầu hàng hóa, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hay đột biến về giá”.
Nhiều chương trình hỗ trợ
Để thực hiện mục tiêu bình ổn giá thị trường, Sở Công Thương Bình Dương sẽ kiểm soát chặt chẽ giá những mặt hàng thiết yếu như điện, than, xăng, dầu, lương thực. Đồng thời, phối hợp cùng với các ngành, huyện, thị trong tỉnh xây dựng hệ thống bán buôn, bán lẻ cũng như tăng cường nhiều điểm bán hàng rộng khắp với nhiều chủng loại hàng hóa. Bên cạnh đó, Sở Tài chính, Sở Công Thương, QLTT và UBND các huyện, thị phối hợp tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp gây biến động giá bất thường...
Theo bà Điền, giá cả hàng hóa không chỉ biến động trong dịp tết mà hiện cũng đang diễn ra khá phức tạp. Do đó, việc hỗ trợ DN để góp phần bình ổn giá suốt năm sẽ phát huy hiệu quả rất lớn so với cách làm theo từng thời điểm. Biện pháp này cũng sẽ tạo điều kiện cho các DN tham gia mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, đổi mới thiết bị, công nghệ lúc đó sẽ tạo ra nguồn hàng dồi dào nhằm giảm giá thành sản phẩm...
Các DN được ưu đãi sử dụng nguồn vốn này sẽ không bị tính lãi suất, không cần thế chấp tài sản. DN tham gia phải bảo đảm đầy đủ lượng hàng, chất lượng; phải đăng ký để chốt giá bán và giá phải thấp hơn sản phẩm cùng loại trên thị trường tại từng thời điểm ít nhất 10%. Hàng hóa phải được phân phối trực tiếp đến người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa; công nhân lao động tại các KCX, KCN... Các DN thuộc các thành phần kinh tế đều được vay vốn để tham gia chương trình với điều kiện phải có năng lực sản xuất, kinh doanh, có hàng hóa tham gia với số lượng lớn xuyên suốt và ổn định cũng như có mạng lưới phân phối rộng khắp.
THOẠI PHƯƠNG